Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hội LHTN VN huyện Tân Biên vừa tuyên dương 37 gương thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội LHTN VN (15.10.1956 - 15.10.2011), ngày 7.10.2011, Hội LHTN VN huyện Tân Biên đã tổ chức mít tinh ôn lại truyền thống Hội và tuyên dương 37 gương thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
|
Ngô Hải Ninh đang sửa xe |
Học hết lớp 8, Ngô Hải Ninh (năm nay 26 tuổi, hội viên chi hội LHTN ấp Tân Thanh, xã Tân Bình) đã phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Đi làm thuê được 3 năm, đến năm 2004 thì Hải Ninh được Hội LHTN VN xã Tân Bình cho vay 3 triệu đồng để học nghề sửa xe gắn máy. Một năm sau, Hải Ninh ra nghề và mở một tiệm sửa xe tại nhà. Nhờ siêng năng và được Hội LHTN VN xã Tân Bình giới thiệu khách hàng đến sửa xe nên công việc của Hải Ninh ngày càng phát triển. Mỗi ngày, Hải Ninh kiếm được khoảng 150.000 đồng đến 200.000 đồng tiền công từ việc sửa xe. Số tiền này, Hải Ninh dành để mua phân bón cho 1 ha cây điều của gia đình. Đầu năm 2010, Hải Ninh thuê thêm 1,5 ha đất rẫy để trồng mì. Do cây mì không tốn nhiều thời gian để chăm sóc nên không ảnh hưởng đến công việc sửa xe của Hải Ninh. Toàn bộ tiền kiếm được từ việc sửa xe (khoảng 40 triệu đồng/năm) Hải Ninh đều đầu tư vào việc trồng mì. Với 1,5 ha rẫy mì, mỗi năm, Hải Ninh thu lãi khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Kinh tế gia đình của Hải Ninh ngày một khấm khá, Hải Ninh cho biết: “Nếu không được Hội LHTN VN xã Tân Bình giúp vốn để đi học nghề sửa xe gắn máy thì không biết bây giờ cuộc sống của tôi sẽ ra sao. Nhờ có Hội tạo điều kiện giúp đỡ nên tôi mới có một cái nghề ổn định và cuộc sống khá giả như bây giờ. Ước mơ của tôi là sẽ mở rộng tiệm sửa xe và kinh doanh thêm phụ tùng xe gắn máy”.
Một điển hình nữa được tuyên dương tại lễ mít tinh là Lê Văn Sầm, 27 tuổi, hội viên chi hội LHTN ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong. Năm 2009, Sầm lập gia đình và được cha mẹ chia cho 2,5 ha đất ruộng. Với quyết tâm sẽ làm giàu từ đất, Sầm đã nghĩ đến việc thâm canh tăng vụ. Bởi bằng cách này, Sầm có thể tăng vòng quay của mùa vụ và thu về lợi nhuận cao nhất. Thông qua những lớp tập huấn khuyến nông do Đoàn, Hội tổ chức, Sầm đã tích luỹ được nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật bổ ích và đem áp dụng trên ruộng mì, bắp, đậu phộng và lúa của mình. Để tận dụng hết vòng quay của đất, Sầm đã luân phiên canh tác 3 vụ trong năm. Đầu tiên là trồng mì, sau đó trồng bắp, đậu phộng và cuối cùng thì trồng lúa. Bình quân, mỗi năm Sầm đã thu lãi khoảng 181 triệu đồng từ tiền bán nông sản. Sầm cho biết: “Tôi nghĩ làm giàu không khó, chỉ cần siêng năng, chịu khó học hỏi và nắm bắt được kiến thức khoa học kỹ thuật rồi áp dụng đúng cách, đúng thời điểm trên đồng ruộng thì sẽ thành công. Nếu mình hết lòng với công việc, chịu khó bỏ công với đất thì đất sẽ không phụ lòng người”.
|
Lê Văn Sầm đang phơi đậu phộng |
Do canh tác nhiều vụ nên nhu cầu cần phân bón cho đồng ruộng của Sầm rất lớn. Bên cạnh đó, thấy người dân trong ấp mỗi khi đến kỳ bón phân phải ra tận ngoài xã để mua và chuyển về vất vả nên Sầm đã nghĩ ra việc mở một đại lý phân bón. Tháng 5.2011, Sầm đã mở một đại lý phân bón tại nhà. Có thêm đại lý phân bón này, mỗi vụ mùa, Sầm thu lãi thêm được khoảng 10 triệu đồng, nâng tổng thu nhập trong năm của Sầm lên trên 200 triệu đồng.
HT