Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong
những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế một cách bền vững
và toàn diện tại mỗi địa phương. Ở Tân Biên hiện nay, lực lượng thanh niên sống
dựa vào sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao, tỷ lệ lao động có tay nghề còn
thấp, việc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, chăn
nuôi còn hạn chế. Thanh niên có độ tuổi từ 16-35 chiếm khoảng 52% lực lượng lao
động, trong đó tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm khoảng 35%. Tỷ lệ lao động
thanh niên qua đào tạo chỉ khoảng 1/3 nhưng số được đào tạo ngắn hạn đã chiếm
tới 85%. Chỉ có 20% thanh niên nông thôn được đào tạo nghề, trong đó phụ nữ
nghèo ở lứa tuổi 35-55 chiếm đa số.
Thực tế trên đòi hỏi công tác tập huấn, đào tạo
nghề nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên cần phải có những giải pháp hiệu
quả để phát huy nguồn nhân lực tại địa phương, góp phần ổn định kinh tế gia đình
và từng bước chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.
Tính từ năm 2005-2010, Huyện đoàn Tân Biên đã
phối hợp với các ngành chức năng đào tạo nghề cho hàng ngàn lượt lao động nông
thôn. Trong đó có 63 lớp dạy nghề ngắn hạn bao gồm: cạo mủ cao su, kỹ thuật
trồng mía, mì; kỹ thuật nuôi bò sinh sản; nuôi ếch, nuôi cá nước ngọt, điện dân
dụng, may, trồng nấm, trồng rau mầm. Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) của huyện
phối hợp với Khu Công nghiệp Trảng Bàng, Công ty VMC Hoàng Gia Tân Biên, Cty Bảo
hiểm Prudential tập huấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho hơn 520 thanh
niên. Sau khi tham gia các lớp tập huấn có khoảng 55% thanh niên tìm được việc
làm trong các vườn cao su tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân, các công ty may…
trên địa bàn huyện. Từ đó góp phần tăng thu nhập cá nhân, phát triển kinh tế gia
đình, ổn định trật tự xã hội tại địa phương. Nhờ vậy mà thanh niên tin tưởng hơn
vào tổ chức Đoàn, Hội và tích cực tham gia vào các hoạt động xung kích, tình
nguyện vì cộng đồng.
 |
Tại một lớp dạy nghề trồng rau sạch |
Hiện nay, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trú
đóng trên địa bàn huyện Tân Biên đang có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn với một
số ngành nghề như: tách nhân hạt điều, may gia công, dây chuyền làm giày thể
thao… Tuy nhiên, do trình độ học vấn của thanh niên nông thôn còn thấp, chưa qua
đào tạo nghề mà chủ yếu chỉ là lao động phổ thông nên thu nhập thấp, đời sống
không được bảo đảm.
Thời gian qua, Tân Biên đã tổ chức triển khai
thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo tinh
thần Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956). Đây là điều
kiện để lao động nông thôn được tham gia học tập các lớp dạy nghề ngắn hạn,
trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng làm việc, giúp người học sau khi kết
thúc khoá học sẽ vận dụng được những kiến thức vào thực tiễn chăn nuôi, sản
xuất. Qua đó, giúp cho họ tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới ngay trên địa
phương của mình, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập, từng bước xoá đói,
giảm nghèo. Tuy nhiên từ khi tiếp cận, việc triển khai và thực hiện Đề án 1956
của Chính phủ vẫn còn chậm so với tiến độ, bộc lộ một số hạn chế như: thông tin
về đề án đến cơ sở chưa kịp thời; việc bố trí thời gian học nghề còn chậm so với
nhu cầu của thanh niên; thiếu giáo viên, thiếu địa điểm thực hành, thiếu cán bộ
quản lý.
Góp phần giải quyết bài toán khó về việc làm cho
thanh niên nông thôn, các ngành, đoàn thể, các cấp trong huyện đã tích cực triển
khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm,
tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên; huy động nhiều nguồn lực xã
hội, đầu tư ngân sách thoả đáng để đẩy mạnh công tác dạy nghề, phổ cập sơ cấp
nghề cho thanh niên; xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm;
có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt các kỹ thuật cao;
đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường lao động; tín dụng ưu đãi
cho thanh niên vay vốn tạo việc làm, lập nghiệp; khuyến khích thanh niên đi lao
động có thời hạn ở nước ngoài... Hội LHTN huyện phối hợp với các ngành: Giáo dục
- Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường THPT, THCS, các cơ quan
báo chí đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề cho sinh viên, học sinh,
giúp thanh niên hiểu rõ hơn về các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, pháp luật lao
động… khi đi tìm việc làm. Thông qua đó giúp cho lao động trẻ cách thức tìm việc
làm phù hợp với trình độ, khả năng, chuyên môn và trang bị cho họ những kiến
thức ban đầu trên con đường lập thân, lập nghiệp. Năm 2010, tổ chức Đoàn, Hội
huyện Tân Biên đã thực hiện được 5 chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ
Việt Nam” trong các trường THPT trên địa bàn huyện, thu hút hơn 720 lượt
đoàn viên, hội viên tham gia. Sắp tới, các cấp bộ Đoàn – Hội tăng cường công tác
tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, giúp các bạn trẻ hiểu
rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia học nghề để tìm
lấy công việc làm phù hợp. Đồng thời, tổ chức thanh niên sẽ cùng các ngành phối
hợp chặt chẽ với những đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động, để cung cấp, hướng
dẫn cho thanh niên những thông tin về thị trường lao động, giúp họ lựa chọn việc
làm phù hợp với bản thân, vừa cải thiện cuộc sống gia đình vừa góp phần thực
hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện: “giới thiệu và tạo việc làm ổn định cho
khoảng 5.000 lao động; 40% lao động được đào tạo nghề”.
Hồ Minh Tân