Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngành nghề đào tạo chủ yếu là khai thác mủ cao su, kỹ thuật trồng nấm các loại, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, lái xe ô tô hạng B2…

Nghề khai thác mủ cao su thu hút khá đông lao động nông thôn |
(BTNO)- Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Biên, kết quả điều tra hộ nghèo năm 2011 cho thấy, trên địa bàn huyện có 3.362 hộ nghèo. Trong đó hộ nghèo chuẩn trung ương là 1.502 hộ - chiếm tỷ lệ 6,32%, hộ cận nghèo 1.258 hộ - chiếm tỷ lệ 5,29%, hộ nghèo có thu nhập bằng 150% hộ nghèo trung ương là 602 hộ - chiếm tỷ lệ 2,53%.
Thực hiện chỉ tiêu đào tạo và dạy nghề theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Biên lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015) cùng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Chính phủ (Đề án 1956), các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 14 lớp đào tạo nghề cho 467 lao động nông thôn. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là khai thác mủ cao su, kỹ thuật trồng nấm các loại, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, lái xe ô tô hạng B2…
Sở KH-CN cùng với Tỉnh Đoàn phối hợp với đoàn thanh niên xã Tân Bình mở lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau sạch cho 20 học viên; UBND xã Thạnh Bình, UBND Thị trấn, Trung tâm GDTX Tân Biên phối hợp với Trung tâm đào tạo lái xe Thành Đạt đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B2 cho 50 học viên.
Sau khi đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể huyện đã giới thiệu, tạo việc làm cho 923 đối tượng tại các công ty, doanh nghiệp, tiểu điền… Số người đã qua đào tạo nghề việc làm công ăn lương 278/467 người - chiếm tỷ lệ 59,5 %; tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phù hợp với nghề đã học 104/467 người - chiếm tỷ lệ 22,3%; tự sản xuất, kinh doanh dịch vụ không phù hợp nghề đào tạo 85/467 người chiếm tỷ lệ - 18,2%.
Ngành LĐ-TB&XH huyện Tân Biên nhìn nhận, thời gian triển khai công tác dạy nghề chậm nên gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, hợp đồng với các cơ sở dạy nghề, công tác mở lớp… Độ tuổi và trình độ học viên không đồng đều dẫn đến việc tiếp thu còn nhiều hạn chế. Phần lớn học viên đều là lao động chính, nhà nghèo, vừa tham gia học tập vừa làm công việc đồng áng phụ giúp gia đình nên số lượng, chất lượng không cao. Các ngành nghề đào tạo chưa được mở rộng, chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước. Công tác chiêu sinh gặp khó khăn do trùng hợp với thời vụ của nông dân.
Ngành LĐ-TB&XH cho rằng, mục đích của lao động nông thôn tham gia học nghề là sau đào tạo, bằng vốn kiến thức lĩnh hội được, họ có thể phát triển nghề hiện có, hoặc tạo được việc làm hay có thêm việc làm mới để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Do đó sau đào tạo cần trang bị thêm cho lao động nông thôn kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp. Ngoài ra cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp giới thiệu lao động nông thôn vào làm việc.
NHÃ CHI