Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Vườn chanh không hạt của gia đình anh Lê Chí Thanh- thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tân Bình
Ngoài cây mì, mía và cao su là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, nông dân xã Tân Bình, huyện Tân Biên còn canh tác cây chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là mô hình trồng chanh không hạt của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Bình. Mô hình thực hiện vào năm 2018, ban đầu chỉ có 2 thành viên trồng thử nghiệm. Năm 2020, thu hoạch bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều hộ dân trong vùng bắt đầu mở rộng diện tích và phát triển mạnh cây chanh không hạt. Đến nay, có 10 hộ trồng hơn 50 ha chanh không hạt, trong đó có 20 ha cho trái. Hiện nay, hơn 50 ha trồng chanh không hạt của nông dân xã Tân Bình được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với thị trường.
Anh Lê Minh Đức- Chủ nhiệm HXT dịch vụ nông nghiệp Tân Bình cho biết: “Nhận thấy một số loại cây trồng tại địa phương dần kém hiệu quả, trong khi đó, cây chanh thích hợp với vùng đất này nên gia đình tôi chuyển 10 ha từ trồng cây hàng năm sang trồng chanh không hạt, hiện nay, một số cây đã cho trái, còn lại đang phát triển tốt”.
Theo anh Đức, cây chanh không hạt rất phù hợp với vùng đất tại địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc, cho trái quanh năm; từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 2 năm, nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch sau 18 tháng, năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá bán từ 8.000-15.000 đồng/kg, có lúc lên đến hơn 20.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Đức thu lãi trên 120 triệu đồng/ha.
Anh Đức cho biết: “Trong quá trình trồng chanh không hạt, hạn chế sử dụng phân bón hoá học, chủ yếu dùng phân hữu cơ. Có hai đối tượng sâu bệnh gây hại chính là bệnh nấm hồng làm chết nhánh và nhện đỏ chích gây nám trái, nhưng 2 loại sâu bệnh này dễ phòng trừ. Yêu cầu phải thường xuyên vệ sinh gốc, tỉa cành và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh khi cây ra hoa. Không sử dụng thuốc diệt cỏ vì sẽ ảnh hưởng đến phát triển của bộ rễ chanh, chỉ dùng máy cắt cỏ để vệ sinh vườn hoặc trồng cỏ đậu giúp cho các loài sinh vật trong đất phát triển và làm cho đất thêm tơi xốp, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Gia đình anh Lê Chí Thanh- thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tân Bình đã chuyển đổi 1 ha đất trồng mì sang trồng chanh không hạt. Năm 2020, thấy một số hộ trong vùng chuyển sang trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Lê Chí Thanh quyết định trồng thử trên diện tích đất của gia đình. Nhờ chăm sóc kỹ, sau 18 tháng, cây chanh cho trái, đến nay hằng tháng gia đình thu hoạch được hơn 2 tấn.
Anh Thanh cho biết, chi phí từ khâu làm đất, mua cây giống, phân bón và công chăm sóc cho đến khi thu hoạch khoảng 200 triệu đồng. Hiện tại, giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình anh thu nhập trên 18 triệu đồng. “Chanh không hạt là cây dễ trồng, không kén đất, cho trái quanh năm, đầu ra tương đối ổn định, thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi đợt thu hoạch cách nhau 15 ngày nên bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, lợi nhuận cao hơn một số cây trồng truyền thống khác gấp 3 lần”- anh Thanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Khánh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình cho biết: “Hiệu quả từ mô hình trồng chanh không hạt cho thấy nông dân ngày càng nhạy bén trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Đối với người dân có diện tích canh tác ít, đây là giải pháp quan trọng để thích ứng sản xuất trong điều kiện các loại cây trồng khác có giá thu mua không ổn định. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giải quyết được công ăn việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư ở nông thôn, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao thu nhập”.
Duy Phú