Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tân Châu - 35 năm hình thành và phát triển
Thứ hai: 08:30 ngày 13/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong kháng chiến, địa bàn Tân Châu ngày nay thuộc một phần của Tân Biên và Dương Minh Châu, là căn cứ của Tỉnh uỷ Tây Ninh và Xứ uỷ Nam Kỳ, và cũng là địa bàn tập kết của bộ đội chủ lực miền Nam.

Trung tâm thị trấn Tân Châu hiện nay nhìn từ trên cao.

Những năm chống Mỹ, Tân Châu là vùng đất bị địch tập trung đánh phá ác liệt với các loại vũ khí hiện đại nhất, kể cả vũ khí và chất độc hoá học. Chúng mở nhiều cuộc hành quân đánh phá quy mô lớn, trong đó có trận càn Junction City kéo dài suốt nửa đầu năm 1967 với mục tiêu tìm diệt cơ quan đầu não, lãnh đạo cách mạng miền Nam.

Tân Châu "chào đời"

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Tân Châu đã chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng với các địa phương khác đập tan mọi âm mưu của kẻ thù. Với nhiều chiến công lớn, 2 xã Tân Hưng và Tân Đông vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 51 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Trước năm 1989, điểm xuất phát về kinh tế - xã hội của các xã giao về để thành lập huyện Tân Châu tương đối thấp. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, cán bộ, đảng viên còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm làm một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa thiếu gạo ăn, dẫn đến nạn đói, bệnh tật… phải di cư đến nơi khác sinh sống. Trong bối cảnh đó, trên cơ sở đề nghị của HĐND hai huyện Tân Biên và Dương Minh Châu, Tây Ninh kiến nghị với Trung ương về chủ trương thành lập huyện mới.

Ngày 13.5.1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 48 về việc phân vạch địa giới hành chính của 2 huyện Dương Minh Châu và Tân Biên để thành lập huyện Tân Châu gồm 10 xã (8 xã của huyện Tân Biên và 2 xã kinh tế mới của huyện Dương Minh Châu); đồng thời, tách một phần diện tích của xã Tân Đông để thành lập xã mới Suối Ngô. 

Vòng xoay thị trấn Tân Châu.

Đến năm 1991, lấy một phần của ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông và xã Tân Thạnh thành lập thị trấn Tân Châu; năm 1994, tiếp tục thành lập 2 xã mới là Tân Hà và Tân Hoà. Dân số thời điểm mới thành lập huyện chỉ có 46.311 người.

 Đảng bộ huyện Tân Châu được thành lập, ông Võ Thành Thơ (tên thường gọi là Tám Một)- Tỉnh uỷ viên giữ chức danh Bí thư Huyện uỷ; các ông Nguyễn Văn Tấn (Hai Tấn) và Võ Văn Thế (Tám Cảnh) giữ chức Phó Bí thư Huyện uỷ. UBND lâm thời huyện Tân Châu gồm 7 người, do ông Võ Văn Thế (Tám Cảnh)- Phó Bí thư Huyện uỷ giữ chức danh Chủ tịch UBND huyện; ông Đào Xuân Thưởng và ông Nguyễn Tấn Hiệp giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện.

Thời điểm này, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tân Châu kém phát triển và tương đối thấp so với các địa phương trong tỉnh; hệ thống giao thông chưa phát triển, điện lưới quốc gia hoàn toàn không có. Các điều kiện ăn, ở, vui chơi, giải trí… đều thiếu thốn, khó khăn; chất lượng dạy và học không cao, tình trạng bỏ học, nạn mù chữ là một trong những vấn nạn trên địa bàn.

Mạng lưới y tế phát triển chậm và không đồng bộ, cơ sở vật chất, thuốc men. Toàn huyện chỉ có 16 y, bác sĩ và 36 giường bệnh. Trong thời gian này, dịch bệnh phát sinh nhiều, nhất là sốt rét, thương hàn.

Trên địa bàn huyện, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội- nhất là an ninh biên giới cơ bản ổn định. Tuy nhiên, là huyện mới thành lập, lực lượng mỏng, địa bàn rộng, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý địa bàn trọng điểm, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật… chưa tốt, có mặt còn lỏng lẻo nên xảy ra khá nhiều vụ trọng án, bắt cóc, tống tiền.

Dây chuyền sản xuất xi măng tại Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh.

Bên cạnh những khó khăn, huyện Tân Châu cũng có những tiềm năng và lợi thế lớn để khai thác, phát huy và góp phần tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông, lâm và công nghiệp chế biến, thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh với quy mô lớn, như vùng nguyên liệu mía, mì, cao su, đậu phộng, phát triển rừng…

Xác định những tiềm năng, lợi thế nêu trên, ngay khi hệ thống chính trị được thành lập, Đảng bộ, chính quyền Tân Châu đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải xúc tiến ngay việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, khơi dậy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương “Trung dũng kiên cường”, từng bước ổn định đời sống Nhân dân, đưa kinh tế huyện nhà ngày càng phát triển.

Từ điểm xuất phát thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp manh mún, tự cung tự cấp, kết cấu cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống đại bộ phận Nhân dân còn rất nhiều khó khăn, Tân Châu vươn lên trở thành huyện có mức phát triển khá của tỉnh. Năm 2005, Tân Châu được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, tiếp tục vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2010.

Sự đổi thay diệu kỳ 

Trải qua 35 năm thành lập và phát triển, với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, đến nay, Tân Châu đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 3,17%.

Với lợi thế về đất đai từ quỹ đất Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh và Công ty TNHH MTV Cao su 1.5 Tây Ninh bàn giao về địa phương quản lý (trên 6.500 ha), Tân Châu đang là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến. Đáng chú ý là 7 dự án chăn nuôi trong chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng nguồn vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng của Tập đoàn Hùng Nhơn theo chương trình hợp tác với UBND tỉnh. 

Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh.

Toàn huyện còn có 60 dự án trồng trọt, đã áp dụng VietGAP 8 dự án với diện tích trên 122 ha; triển khai cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc các loại cây trồng với diện tích 602,1 ha; phối hợp đề xuất cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu được 1 sản phẩm chuối già Nam Mỹ và cấp mã vùng nội địa cho 1 hợp tác xã đối với sản phẩm trái cây mãng cầu.

 Có 51 dự án chăn nuôi đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (33 dự án chăn nuôi heo, 17 dự án chăn nuôi gà), trong đó: 21 dự án đã đi vào hoạt động, 12 dự án đang triển khai xây dựng, 18 dự án đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị xây dựng. 

Với diện tích rừng lớn nhất tỉnh, tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp bước đầu được phát huy. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành và xử lý được 95,15% diện tích vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng; đồng thời, triển khai Đề án phát triển rừng sản xuất theo đúng lộ trình. Huyện cũng đã phối hợp các sở, ngành tỉnh kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF tại xã Suối Ngô với tổng nguồn vốn trên 2.000 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phát triển. Toàn huyện hiện có 17 nhà máy chế biến tinh bột mì với tổng công suất thiết kế 2.505 tấn sản phẩm/ngày; 10 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế là 350 tấn/ngày; 1 nhà máy chế biến đường với tổng công suất thiết kế là 8.000 tấn/ngày. Trên địa bàn huyện còn có nhà máy xi măng Fico với công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; Cụm công nghiệp Tân Hội 1 với 10 doanh nghiệp đang hoạt động và 6 nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Tân Châu.

Toàn huyện hiện có 1 cửa khẩu chính Kà Tum, 2 cửa khẩu phụ Vạc Sa và Tống Lê Chân cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (bến bãi, đường giao thông, mạng lưới chợ) được đầu tư cơ bản đồng bộ, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hoá qua lại biên giới. 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được quan tâm đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đã cơ bản hoàn chỉnh, hệ thống đường giao thông trục xã, liên xã, xóm, ấp, đường trục chính nội đồng được đầu tư cứng hoá; hệ thống thuỷ lợi được xây dựng, nâng cấp; trường học, trạm y tế, cơ quan làm việc đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Mạng lưới bưu chính, viễn thông phát triển rộng khắp. Tất cả các xã đều được phủ sóng viễn thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin, liên lạc của Nhân dân…

Cổng cụm công nghiệp Tân Hội I.

Từ một huyện lệ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp ngân sách Trung ương và tỉnh, chỉ tiêu thu cân đối ngân sách (phần huyện quản lý thu) của huyện tăng theo từng thời kỳ, cụ thể: năm 1990 thu được 500 triệu đồng; năm 2010 thu 118 tỷ đồng, năm 2015 thu 172 tỷ đồng, đến năm 2023 thu được trên 257 tỷ đồng. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Huyện uỷ - UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2015, Thạnh Đông là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó Thạnh Đông, Tân Hưng và Tân Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Các mặt văn hoá, xã hội được quan tâm đầu tư và đạt kết quả toàn diện, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp, các ngành quán triệt và triển khai thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Trên toàn tuyến biên giới huyện quản lý đã xây dựng hoàn chỉnh 28/28 cột mốc chính, 76 cột mốc phụ và 62 cọc dấu. Các công trình phòng thủ, điểm tựa phòng thủ then chốt, hệ thống chốt dân quân biên giới được đầu tư xây dựng đúng theo tiến độ; phối hợp xây dựng 4 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới theo Đề án của Quân khu giai đoạn 2021-2025. 

Lực lượng vũ trang huyện được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Mối quan hệ cùng phát triển với huyện Memot, tỉnh Tboung Khmum, Vương quốc Campuchia được duy trì và ngày càng bền chặt.

Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công dự án chăn nuôi tại Tân Châu.

Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Châu tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Toàn huyện tập trung phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác mọi tiềm năng và lợi thế để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường...

Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Châu cũng tập trung giải quyết tốt các vấn đề văn hoá - xã hội, nhất là đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm nghèo với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, xây dựng huyện Tân Châu ngày càng giàu đẹp, phát triển.

Huyện Tân Châu nằm ở hướng Đông Bắc của tỉnh Tây Ninh; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước; phía Tây giáp huyện Tân Biên; phía Nam giáp thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu; phía Bắc giáp huyện Memot, tỉnh Tboung Khmum, Vương quốc Campuchia, với chiều dài đường biên giới 47,032 km.

Huyện có 11 xã và 1 Thị trấn với diện tích tự nhiên 110.319,85 ha. Dân số 137.001 người với 19 dân tộc và tộc người sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 94,28%; dân tộc thiểu số chiếm 5,72%. Trên địa bàn huyện có 6 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Cao Đài, Công giáo, Hồi giáo, Tin Lành và một số ít tín đồ của Phật giáo Hoà Hảo, số lượng tín đồ chiếm 52,27% so với dân số toàn huyện.

Hiền Lâm

(Trung tâm VH,TT&TT Tân Châu)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục