Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tính đến ngày 23.11.2011 toàn huyện Tân Châu có 337 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, xã có số ca mắc cao nhất là Tân Hưng 83 ca, Tân Đông 51 ca, Suối Ngô 33 ca và các xã còn lại như: Tân Phú, Tân Hiệp, Suối Dây, Tân Hội đều có trên 20 ca mắc bệnh.

(BTNO)- Tính đến ngày 23.11.2011 toàn huyện Tân Châu có 337 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, xã có số ca mắc cao nhất là Tân Hưng 83 ca, Tân Đông 51 ca, Suối Ngô 33 ca và các xã còn lại như: Tân Phú, Tân Hiệp, Suối Dây, Tân Hội đều có trên 20 ca mắc bệnh. Tay chân miệng là một loại bệnh truyền nhiễm, rất dễ xảy ra biến chứng và dẫn đến tử vong. Bệnh do nhiều loại virus đường ruột gây ra và chủ yếu xảy ra ở trẻ mầm non.
|
Một bệnh nhi mắc bệnh TCM đang được điều trị tại Trung Tâm Y tế Tân Châu |
Đến nay, Trung tâm y tế Tân Châu đã triển khai các hoạt động tăng cường phòng chống bệnh như tuyên truyền nâng cao nhận thức trong người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh và bảo mẫu các trường mầm non, mẫu giáo; tiến hành dập 5 ổ dịch; cấp 310kg Chloramine B, 1.152 cục xà bông khử khuẩn, phát 3.450 tờ rơi cho các trường mẫu giáo và trạm y tế; kiểm tra giám sát 18 điểm trường mần non…
Được biết, bệnh tay chân miệng là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên mọi người có thể chủ động phòng bệnh bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và khử khuẩn vật dụng, đồ chơi, nhà cửa. Đối với hệ thống trường học thì cần tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc khi bàn tay bị vấy bẩn. Không để trẻ khoẻ mạnh tiếp xúc, chơi cùng trẻ bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh cần phải vệ sinh cá nhân nghiêm ngặt - rửa tay ngay bằng nước xà phòng sau khi chăm sóc và tốt nhất là không cùng chăm sóc với trẻ khoẻ mạnh. Vệ sinh đồ chơi, vật dụng và phòng học hàng ngày bằng nước và xà phòng hoặc các chất lau nhà thông dụng có bán trên thị trường, đặc biệt lưu ý lau chùi làm vệ sinh nơi trẻ thường sinh hoạt, vui chơi hàng ngày.
Chí Thành