BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Châu: Cán bộ xã lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Cập nhật ngày: 11/07/2009 - 08:41

Lê Văn Bích trong “mác đại gia”

Ngày 7.4.2009, Phòng Công tác bạn đọc Báo Tây Ninh có nhận đơn tố cáo của một người ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tên là Lê Văn Bích, 41 tuổi. Ông Bích tự giới thiệu là cán bộ Văn hoá - Thông tin xã. Người bị tố cáo tên là Đỗ Thiết Lập, không ai khác hơn, chính là… quyền Chủ tịch UBND xã Tân Hội- thủ trưởng của ông Bích. Theo đơn, ông Lập và vợ có cho vợ chồng Lê Văn Bích, Châu Thị Dung vay tiền. Chưa đến hạn trả nợ, ông Lập cùng cán bộ tư pháp xã và một người khác nửa đêm đến nhà ông Bích, dùng quyền lực ép buộc vợ chồng Bích lăn tay sang nhượng quyền sử dụng đất để trừ nợ. Nhận thấy đơn tố cáo của ông Bích có nhiều điều “dích dắc”, hơn nữa lại dính líu đến một cán bộ chủ chốt ở địa phương, nên Phòng CTBĐ chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền ở Tân Châu.

Nỗi oan của một chủ nợ

Trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng giải quyết trả lời đơn do Báo chuyển đến, chúng tôi tiến hành xác minh vụ việc ông Lê Văn Bích tố cáo, mới biết đây là cái trò “vừa ăn cướp vừa la làng” của một tay lừa đảo có hạng. Bởi lẽ không chỉ một mình ông Đỗ Thiết Lập, mà ở Tân Hội, Tân Châu có cả chục người bị Bích lừa đảo mượn nợ hàng tỷ đồng trong một thời gian ngắn khoảng ba, bốn tháng, và không trả cho ai đồng nào cả (!).

Tiếp xúc với ông Đỗ Thiết Lập và một số người bị hại khác, có người là công chức đã hoặc đang công tác chung với Bích ở Tân Hội, có người là dân sản xuất kinh doanh có tiếng tăm ở Tân Châu, chúng tôi được biết: Vào khoảng cuối năm 2008, lãnh đạo xã Tân Hội có chủ trương thành lập Quỹ Tín dụng nhân dân, trong thành phần sáng lập có cả ông Lập và ông Bích, cả hai cùng được cấu tạo vào Hội đồng quản trị, mỗi người đều có trong tay một bộ hồ sơ đã hoàn tất thủ tục thành lập Quỹ tín dụng ở địa phương. Mặc dù khi lên đến cấp thẩm quyền ở tỉnh, Quỹ tín dụng nhân dân xã Tân Hội chưa được cho phép thành lập, do đúng vào thời điểm ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nhưng với “lá bùa lập quỹ” trong tay, Lê Văn Bích đã lừa được khá nhiều người để “mượn” khá nhiều tiền.

Riêng về trường hợp “chủ nợ bị hàm oan”, nào là “cán bộ Nhà nước lại cho vay lấy lãi”, nào là “dùng quyền lực áp bức thuộc cấp”… chúng tôi thu thập được bản tường trình của ông Đỗ Thiết Lập giải trình với cấp thẩm quyền ở huyện Tân Châu tóm tắt sự việc như sau:

Nguyên ông Lập và ông Bích không chỉ làm việc cùng cơ quan, mà còn là chỗ quen biết, ở gần nhà nhau. Nghe tin ông Lập mới bán đất, có tiền, vợ chồng Bích hỏi vay 350 triệu đồng để “làm vốn mần ăn”. Việc mượn nợ ngày 17.11.2008 có viết giấy tay, hẹn trả nợ vào ngày 17.3.2009. Đến ngày 13.1.2009 vợ chồng Bích, Dung tiếp tục vay ông Lập 70 triệu đồng. Trước sau Bích nợ ông Lập 420 triệu đồng. Quá trình vay nợ Bích không trả lãi cho ông Lập đồng nào theo thoả thuận. Thấy vậy, ông Lập nhiều lần yêu cầu Bích trả nợ, nhưng Bích tìm cách né tránh, khất nợ. Gần đến hết hạn vay nợ, ngày 3.3.2009 vợ chồng Bích đến nhà ông Lập “tuyên bố không có khả năng trả nợ”. Ông Lập đề nghị Bích bán tài sản để trả nợ, nhưng Bích không chịu. Sau đó thấy Bích có biểu hiện “tẩu tán tài sản”, ông Lập làm đơn gửi Toà án huyện Tân Châu yêu cầu giải quyết. Vợ chồng Bích sợ bị cơ quan pháp luật quy tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên yêu cầu ông Lập rút đơn, Bích sẽ “tự nguyện chuyển nhà đất cho ông Lập để trừ nợ”.

Trò “lật lọng” và thủ đoạn “huy động vốn tín dụng” của Lê Văn Bích

Thế nhưng, khi ông Đỗ Thiết Lập đã rút đơn và đến nhà Lê Văn Bích để thương lượng giá cả chuyển nhượng, thì lại gặp một chủ nợ khác của Bích là ông Lê Lương Sang. Hai chủ nợ “đụng hàng” nhau, mới biết Bích cùng hứa sẽ chuyển nhượng nhà đất để trừ nợ cho cả hai người, nhưng không thể làm thủ tục cho ai hết, vì… tài sản của Bích đang thế chấp tại ngân hàng. Trong khi đó Bích đã bán một phần đất cho chị ruột Bích là bà Anh, và bà này đã cất nhà kiên cố trên đất mua của Bích. Thế là “các bên” cùng thoả thuận Bích bán đất cho 3 người: bà Anh 7 mét ngang, ông Lập và ông Sang 9,5 mét ngang. Bà Anh chi ra 160 triệu cho Bích trả ngân hàng lấy giấy tờ thế chấp về làm thủ tục chuyển nhượng cho các chủ nợ để trừ nợ. Sự việc tiến hành suôn sẻ, Bích làm thủ tục sang nhượng đất cho ông Lập và ông Sang, giảm trừ được một số nợ, số còn lại Bích xin trả dần đến hết năm 2009. Sự việc thoả thuận như thế xem như cũng “tạm ổn”. Chỉ có điều sau đó Bích không chịu giao tài sản cho chủ nợ, vẫn “ở lì” và vẫn đi làm việc hằng ngày, “đụng mặt” với “thủ trưởng”, rồi… làm đơn tố cáo ông Đỗ Thiết Lập cho vay lấy lãi, cậy quyền lực áp bức cấp dưới (?!). Tất nhiên khi có đơn của “công dân” tố cáo “quyền Chủ tịch xã”, cơ quan quản lý có trách nhiệm phải xác minh, làm rõ. Thế là ông Lập “được” mời lên, mời xuống, viết tường trình, kiểm điểm đủ chuyện, khiến cho dư luận ở Tân Hội hết sức hoang mang, hoài nghi tính nghiêm minh của lãnh đạo, cơ quan chức năng cấp trên.

Mượn tiền bạc tỷ chỉ với những tờ giấy tay và đơn tố cáo của các chủ nợ

Về phía các chủ nợ khác, chúng tôi đã tiếp xúc với một số người và được biết “thủ thuật” của Lê Văn Bích cũng không có gì “cao tay ấn” lắm. Chỉ là việc kêu gọi tham gia góp vốn để hoạt động tín dụng, kinh doanh tiền tệ. Vậy mà với một bộ hồ sơ thành lập Quỹ tín dụng trong tay, “đi xe 7 chỗ” với lời lẽ khoe khoang mình có nhiều tài sản ở ngoài tỉnh, ở thành phố… Bích đã “huy động” được bạc tỷ của nhiều người. Điển hình như trường hợp một phụ nữ tên N.T.H.T (31 tuổi), gia đình trồng mía, trồng cao su có tiếng ở Tân Châu, chỉ nghe Bích lu loa trong quán cà phê, đã đưa cho Bích nhiều khoản tiền lớn đến 15 lần trong vòng hơn một tháng, tổng cộng là 2 tỷ 967 triệu đồng. Một người khác, từng công tác chung với Bích ở xã Tân Hội, sau chuyển về một cơ quan ở huyện Tân Châu, bà T.H.H.N, 29 tuổi, cũng vì “cả nể chỗ quen biết” mà đưa cho Bích mượn 300 triệu đồng và 10 lượng vàng bốn số 9. Về số người cùng bị Lê Văn Bích lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo thông báo của Công an huyện Tân Châu thì có đến 10 người có đơn tố cáo Lê Văn Bích. Số người này đã đưa cho Bích hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên theo điều tra riêng của chúng tôi, Lê Văn Bích còn chiếm đoạt của một số người khác hơn 2 tỷ đồng nữa, nhưng vì “lý do tế nhị” những người này không mạnh dạn công khai vạch mặt kẻ lừa đảo.

Sự việc một anh cán bộ xã mượn nợ không trả lại còn “tố cáo ngược” làm cho thủ trưởng trực tiếp bị “thất điên bát đảo”, khiến cho nhiều người ở Tân Hội hết sức hoang mang, nhất là các chủ nợ của Lê Văn Bích. Khi thấy Bích vẫn “nhơn nhởn ngoài vòng pháp luật”, mặc dù bị rất nhiều người tố cáo, dư luận trong xã, trong huyện đồn đãi với nhau rằng: Bích có “thế lực bao che lớn lắm”, Bích “vay tiền cho mấy ông lớn mượn, không làm gì Bích được đâu!”… Do vậy khi hay tin vụ án lừa đảo chiếm đoạt bạc tỷ này bị khởi tố, bị can Lê Văn Bích bị khởi tố, mọi người rất phấn khởi, tin tưởng rằng “trời cao có mắt”, và trông đợi xem kẻ lừa đảo sẽ bị xử lý như thế nào.

NGUYỄN TRƯƠNG BA