Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong 5 năm 2006-2010, giá trị sản xuất ngành công nghiệp- xây dựng ở huyện Tân Châu tăng trưởng bình quân hằng năm đạt đến hơn 20%.
Tân Châu là huyện được thành lập muộn nhất so với tất cả các huyện khác trong tỉnh. Hơn hai mươi năm trước, trung tâm của huyện chỉ là một khu dân cư nhỏ, còn các địa phương như Suối Ngô, Tân Hoà… muốn đến được phải đi qua những đoạn đường hết sức gian nan. Riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp lúc ấy chỉ mới có một số cơ sở thủ công lèo tèo, gần như toàn huyện không có một nhà máy sản xuất công nghiệp nào đáng kể. Nhưng nay thì đã khác hẳn.
Theo đánh giá của huyện Tân Châu, năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng trên địa bàn huyện chiếm tỷ trọng đến 50,04% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Và trong quý I năm 2011, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng tiếp tục được nâng lên là 51,67% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện. Trong 5 năm 2006-2010, giá trị sản xuất ngành công nghiệp- xây dựng ở huyện Tân Châu tăng trưởng bình quân hằng năm đạt đến hơn 20%. Trong khi đó, trên phạm vi toàn tỉnh, trong năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng chiếm tỷ trọng có 29% trong GDP. Như vậy, so với phạm vi cả tỉnh thì tỷ trọng công nghiệp- xây dựng trong cơ cấu kinh tế ở huyện Tân Châu cao hơn rất nhiều.
Nhà máy đường 8.000 TMN xây dựng ở xã Tân Hưng |
Vì sao huyện Tân Châu đạt được kết quả sản xuất công nghiệp cao như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là do lĩnh vực công nghiệp chế biến ở huyện Tân Châu phát triển rất mạnh. Xuất phát từ ưu thế huyện Tân Châu có nhiều tiềm năng phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp tập trung với diện tích lớn, lần lượt các nhà máy chế biến công suất lớn ra đời trên đất Tân Châu. Về chế biến mía đường, đầu tiên là Nhà máy đường Nước Trong xây dựng ở xã Tân Hội với công suất 500 tấn mía cây/ngày, sau đó nâng lên 1.000 tấn mía cây/ngày. Kế đến là Công ty mía đường Bourbon Tây Ninh đầu tư xây dựng nhà máy đường có công suất 8.000 tấn mía cây/ngày trên địa bàn xã Tân Hưng. Hai nhà máy chế biến mía đường hiện đại với công suất lớn ra đời đã thay thế gần như toàn bộ các lò đường thủ công. Hiện nay, công suất chế biến mía đường trên địa bàn toàn tỉnh Tây Ninh là 12.500 tấn mía cây/ngày thì trên địa bàn huyện Tân Châu đã chiếm công suất đến 9.500 tấn mía cây/ngày. Song song đó, công nghiệp chế biến khoai mì cũng phát triển rất nhanh. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những lò mì thủ công lần lượt được thay thế bằng các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì với công suất từ 50 đến 100 tấn tinh bột/ngày. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Châu có đến hơn 20 nhà máy chế biến bột mì với tổng công suất lên đến hơn 1.100 tấn bột/ngày. Đặc biệt từ năm 2009, Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh với công suất thiết kế 1,5 triệu tấn sản phẩm/năm xây dựng ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu chính thức đi vào hoạt động, góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Châu.
Từ sự ra đời của các nhà máy công suất lớn, giá trị sản xuất công nghiệp ở Tân Châu tăng trưởng khá nhanh. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng ở huyện Tân Châu đã vượt quá tỷ lệ 50% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Bên cạnh đó, tốc độ công nghiệp hoá ngày càng cao thì đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải được xây dựng ngang tầm. Theo đó, nhiều tuyến đường giao thông được mở rộng, nâng cấp. Đầu tiên là đường 785- con đường giao thông chính từ trung tâm tỉnh đến huyện và các xã biên giới được mở rộng, nâng cấp bê tông nhựa, sau đó là đường 795, 794 và nhiều tuyến đường đi vào các nhà máy lần lượt được nâng cấp. Đồng thời nhiều tuyến giao thông nội đồng cũng được hình thành để phục vụ vận chuyển nguyên liệu, hàng nông sản của nông dân… Từ lĩnh vực công nghiệp phát triển mà cơ sở hạ tầng ở huyện Tân Châu cũng phát triển mạnh mẽ theo.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển công nghiệp, Tân Châu cũng có những vấn đề đáng băn khoăn- trong đó băn khoăn nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Những năm trước đây, có không ít nhà máy không xây dựng hệ thống xử lý hoặc xây dựng nhưng không đạt yêu cầu đã gây ô nhiễm cục bộ một số khu vực khiến nhiều người dân phàn nàn. Trong những năm gần đây, việc xử lý ngày càng nghiêm khắc hơn, đã có một số nhà máy buộc phải đóng cửa để thực hiện xử lý chất thải đúng theo quy định, nên hầu hết các nhà máy đều xây dựng hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn- trong đó có một số nhà máy chế biến khoai mì đã xây dựng hệ thống biogas. Từ đó tình hình ô nhiễm có giảm hơn trước đây.
Đây là kết quả đáng mừng, nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng thì hiện nay vẫn còn một số nhà máy chế biến- đặc biệt là chế biến tinh bột khoai mì triển khai xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm khá chậm, có nhà máy đến nay hệ thống xử lý còn đang xây dựng dang dở nên môi trường chung quanh vẫn còn bị ảnh hưởng.
Sơn Trần