Ở các địa phương huyện Tân Châu đều có hiện tượng cây mì bị xoăn lá, nhũn lá, vàng khô và rụng lá. Tính đến nay đã có trên 400 ha mì bị rụng lá, tập trung nhiều ở các xã Tân Hội, Tân Đông, Tân Hà.
Năm nay do nắng hạn kéo dài, thời tiết mưa nắng bất thường, các loại sâu bệnh phát triển nhiều, không ít rẫy mì của người dân bị sâu bệnh phá hoại. Ở các địa phương huyện Tân Châu đều có hiện tượng cây mì bị xoăn lá, nhũn lá, vàng khô và rụng lá. Tính đến nay đã có trên 400 ha mì bị rụng lá, tập trung nhiều ở các xã Tân Hội, Tân Đông, Tân Hà. Ở xã Tân Hội có những rẫy mì sắp thu hoạch nhưng lá mì đã rụng hết, có cây mì chỉ còn vài lá trên đọt, thậm chí nhiều cây đứng trơ trụi không còn lá nào. Tình hình cây mì bị sâu bệnh phá hoại làm rụng lá đã gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng và tổn thất về thu nhập của nhân dân.
Rẫy mì bị nhện đỏ phá hại |
Qua kiểm tra nghiên cứu thực tế ở nhiều rẫy mì, cơ quan bảo vệ thực vật huyện Tân Châu đã phát hiện nhện đỏ chính là loại sâu bệnh phá hại mì hiện nay. Trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao, khô hạn nhện đỏ phát triển nhanh và có thể gây hại trên diện tích rộng. Nhện đỏ (tên khoa học gọi là Tetranychussp) có kích thước khá nhỏ, mắt thường khó quan sát. Trứng nhện có hình cầu trong mờ. Nhện non mới nở có màu xanh nhạt, có 6 chân, trên cơ thể có 2 chấm đỏ sậm. Vòng đời của nhện đỏ rất ngắn chỉ 10 – 12 ngày. Nhện non và trưởng thành đều tập trung ở mặt dưới lá, chích hút gây hại. Nhện chích hút biểu bì làm lá có những vết tấm màu trắng, khi bị nặng nhiều vết liên kết làm lá mất diệp lục, bị vàng khô và rụng sớm… Cơ quan bảo vệ thực vật đã khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể: để phòng trị nhện đỏ nên phun thật nhiều nước, chú ý tập trung phun nước ở mặt dưới lá. Nhện đỏ rất sợ nước, ở trong môi trường nước ẩm ướt nhện đỏ sẽ chết, trứng nhện bị hư thối. Khi phun thuốc nên tưới nước trước một ngày, thuốc sẽ có tác dụng diệt trừ nhện đỏ cao hơn. Nhưng nhện đỏ có khả năng kháng thuốc rất nhanh, cần luân phiên sử dụng nhiều loại thuốc như sau: Comite 73 EC dùng 0,3 – 1,0 lít/ha; Nissorun 5 EC dùng 0,4 – 0,6 lít/ha; Rufast 3 EC dùng 0,3 – 0,5 lít/ha. Khi dùng thuốc cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn lao động và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
Thực tế qua kiểm tra cho thấy đa số những rẫy mì bị nhện đỏ phá hại là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn nhưng không được phun nước tưới thường xuyên, hoặc khi mì chuẩn bị thu hoạch thì ngưng không tưới và không kiểm tra. Đến khi phát hiện thì đã quá muộn lá mì bị rụng gần hết. Điển hình như 4 ha mì của ông Nguyễn Văn Châu ở xã Tân Hội trước đây rất xanh tốt, ông tổ chức phun nước tưới liên tục, nhưng đến khi chuẩn bị thu hoạch ông ngưng không tưới và cũng không kiểm tra. Thế là chỉ sau 9, 10 ngày thôi, rẫy mì của ông Châu đã bị nhện đỏ tấn công làm rụng gần hết há. Trước đó chưa đầy một tháng lái mua mì trả giá 75 triệu đồng/ha ông Châu không bán, đến nay ông kêu bán lái chỉ trả 55 triệu đồng/ha, ông cũng đành phải bán vì không để lâu được, củ mì sẽ bị sượng, chữ bột giảm còn rất thấp. Hiện nay ở các xã có mì bị nhện đỏ phá hại người dân khó khăn phải vay mượn tiền để đầu tư chăm sóc mì. Bởi lẽ nếu không được chăm sóc tưới tiêu đầy đủ, mì bị rụng hết lá, cây mì rất xấu, khó khăn lại càng khó khăn thêm.
CÔNG HUÂN