Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tân Châu: Gần 600 ha mía bị cháy, người trồng bất an
2011-04-11 07:26:00

Tính tới ngày 4.4.2011, tổng diện tích mía đầu tư sản xuất trên địa bàn huyện đạt 4.671,7 ha.

Năm 2010 diện tích sản xuất mía trên địa bàn huyện Tân Châu là 8.521 ha, đạt 100,5% so với kế hoạch của UBND huyện đề ra. Trong đó mía trồng mới là 2.774,4 ha, diện tích mía chăm sóc mùa gốc là 5.746,6 ha. Năng suất bình quân đạt 72,1 tấn/ ha. Diện tích sản xuất mía trên địa bàn huyện phần lớn trồng trên đất thấp, triền trảng. Chỉ có 1.750 ha mía của Nhà máy đường Nước Trong thuộc vùng đất cao. Đa số diện tích sản xuất mía của nông dân đều có ký hợp đồng đầu tư sản xuất và tiêu thụ với các nhà máy đường trong tỉnh.

Một cánh đồng mía đang bị cháy.

Năm qua, chính quyền địa phương từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm động viên khuyến khích nhân dân phát triển diện tích trồng mía. Các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc mía đúng kỹ thuật, chọn giống mía kháng sâu bệnh và có năng suất cao; vận động nông dân đưa cơ giới hoá vào khâu chăm sóc. Các cấp các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, xử lý tình trạng ăn cắp mía, thu mua mía mót và vận động nhân dân phòng chống cháy mía, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm sản xuất; tích cực phối hợp với các nhà máy đường tổ chức rà soát quy hoạch lại vùng nguyên liệu; vận động nông dân có diện tích đất trồng lúa 1 vụ  năng suất thấp chuyển sang trồng mía; tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu mới; xây dựng và triển khai kế hoạch nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy, nâng cấp đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đi lại và vận chuyển hàng hoá nông sản, giảm chi phí vận chuyển. Năm 2010, nông dân mạnh dạn đầu tư chăm sóc nên năng suất mía tăng cao, giá mía cao, người nông dân có lãi.

Hiện Nhà máy đường Bourbon thu mua giá mía cơ bản 750.000đ/tấn mía 10 ccs tại ruộng trên phương tiện vận chuyển, cộng các khoản hỗ trợ giá cho nông dân, giá thành mỗi tấn mía đạt 1.150.000 đồng (10 ccs). Nhà máy đường Nước Trong có giá thu mua thấp hơn: 1,1 triệu đồng/tấn mía 10ccs. Nhà máy đường Biên Hoà có giá thu mua cao nhất: 1,2 triệu đồng/tấn mía 10ccs. Để khuyến khích động viên nông dân đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển thêm diện tích trồng mía, các nhà máy đã tích cực hỗ trợ người trồng mía; nông dân sản xuất giỏi được biểu dương khen thưởng và được mời đi tham quan du lịch; những hộ trồng mía bị rủi ro, thiên tai được nhà máy cho khoanh nợ, được vay vốn để tái sản xuất.

Tuy nhiên theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Châu thì việc xây dựng và phát triển hạ tầng của các vùng nguyên liệu mía còn không ít tồn tại hạn chế như: nhiều tuyến kênh mương và đường giao thông xuống cấp không được nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Một số nơi diện tích mía còn manh mún, nhỏ lẻ, đan xen với các loại cây trồng khác, gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và đó cũng là nguyên nhân cản trở việc áp dụng cơ giới hoá và thâm canh đồng bộ. Người dân trồng mía ứng dụng giống mía có năng suất chất lượng cao còn rất ít, đa số giống mía đang sử dụng hiện nay dễ canh tác, thích nghi với sinh thái nhiều vùng, nhưng năng suất chất lượng thấp, giá thành sản phẩm không cao. Công tác phối hợp giữa các nhà máy đường với địa phương chưa gắn bó chặt chẽ, các nhà máy chỉ quan tâm mở rộng diện tích trồng mía trước mắt, chưa quan tâm đến tốc độ phát triển cây mía bền vững và ổn định lâu dài. Mối quan hệ giữa các nhà máy và người dân trồng mía chưa liên kết gắn bó, chưa tích cực phát huy cao trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau. Vụ mía này giá cả vật tư nguyên liệu như phân bón, xăng dầu… tăng cao; nhân công thu hoạch mía thiếu, chi phí tốn kém làm giá thành sản xuất nguyên liệu tăng cao, làm giảm thu nhập của nông dân. Năm 2010 thời tiết nắng nóng kéo dài làm cây mía khô nhanh, không ít diện tích cây mía bị khô héo làm giảm năng suất và chất lượng, nhưng các nhà máy tổ chức thu mua chậm trễ, cầm chừng, việc điều động xe và bố trí nhân công không đáp ứng được nhu cầu. Một số nông dân trồng mía lo lắng, hoang mang đã tự đốt mía để được thu hoạch sớm. Thậm chí có diện tích mía bị cháy do rủi ro, nhưng quá 48 giờ vẫn chưa được thu hoạch, điều đó đã làm mất lòng tin của người dân trồng mía. Trong năm 2010 tổng diện tích mía bị đốt cháy trên địa bàn huyện Tân Châu có tới trên 559 ha.

Khẩn trương thu hoạch mía cháy

Khả năng diện tích sản xuất mía vụ 2011 ở huyện Tân Châu sẽ giảm so với năm 2010. Tính tới ngày 4.4.2011, tổng diện tích mía đầu tư sản xuất trên địa bàn huyện mới đạt 4.671,7 ha. Trong đó diện tích mía gốc đầu tư sản xuất là 3.576,1 ha và diện tích trồng mới là 1.095,6 ha. Theo Phòng NN & PTNT Tân Châu để phát triển vùng nguyên liệu mía ở huyện theo hướng ổn định, bền vững lâu dài cần phải có các giải pháp phù hợp. Các nhà máy đường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu mía; đầu tư xây dựng kênh mương tưới tiêu và đường sá giao thông; tăng cường đầu tư cơ giới hoá vào sản xuất, xây dựng các cơ sở chế biến sau đường; nhanh chóng đưa tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế… Quan trọng nhất là các nhà máy, ngành chức năng phải tạo mọi điều kiện để giúp nhân dân thu hoạch mía nhanh chóng, kịp thời vụ; tăng cường các chính sách hỗ trợ, đảm bảo các lợi ích nhằm nâng cao đời sống để động viên khuyến khích nông dân duy trì, mở rộng và đầu tư phát triển diện tích trồng mía.

CÔNG HUÂN

Từ khóa:
Tin liên quan