Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ở bậc trung học cơ sở, Tân Thành là một trong 15 xã nằm trong nhóm nguy cơ rớt chuẩn phổ cập. Nhiều em học sinh nghèo đã được nhà trường và địa phương vận động tài trợ học bổng, xe đạp nhưng các em được hỗ trợ vẫn cứ bỏ học.

Ở bậc trung học cơ sở, Tân Thành là một trong 15 xã nằm trong nhóm nguy cơ rớt chuẩn phổ cập. Theo Phó Chủ tịch xã Bùi Văn Nhẫn, nhiều em học sinh nghèo đã được nhà trường và địa phương vận động tài trợ học bổng, xe đạp nhưng các em được hỗ trợ vẫn cứ bỏ học.
Tân Hoà là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Tân Châu. Do địa bàn rộng nên Tân Hoà có đến hai trường trung học cơ sở, 4 trường tiểu học (chưa kể hai điểm lẻ). Là xã được hưởng chế độ dành cho các vùng khó khăn (theo Chương trình 134 và 135 của Chính phủ) nên học sinh và giáo viên đang công tác tại xã này được hưởng nhiều ưu đãi. Được hưởng phụ cấp đặc biệt nên thu nhập của giáo viên đang công tác trên địa bàn xã Tân Hoà cao hơn nhiều so với đồng nghiệp ở các vùng nội địa. Học sinh ở đây cũng được miễn, giảm học phí và còn được các tổ chức xã hội hỗ trợ, tiếp sức đến trường. Một vị Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: hiện nay Quỹ Khuyến học của xã có khoảng 100 triệu đồng. Học sinh nào chăm ngoan, đạt thành tích cao trong học tập đều được địa phương khen thưởng, động viên kịp thời. Tuy nhiên, những người làm công tác giáo dục tại Tân Hoà vẫn đang đau đầu với tình trạng học sinh bỏ học. So với các địa phương trong huyện thì Tân Hoà vẫn là xã có số lượng học sinh bỏ học cao hơn. Năm học trước, có trường trong xã đã bị rớt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đầu năm học này, chính quyền xã, ấp đã chung tay với nhà trường để vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, nhờ vậy, trường bị rớt chuẩn đã được công nhận đạt chuẩn trở lại. Tuy nhiên, việc sĩ số học sinh có được duy trì một cách bền vững hay không hiện vẫn chưa thể khẳng định được. Bên cạnh đó còn là vấn đề chất lượng dạy học. Những trường có đông học sinh người dân tộc thiểu số, giáo viên dạy vất vả hơn nhiều, vì ngôn ngữ của các em học sinh còn hạn chế. Các em đến trường với vốn tiếng Việt… bập bẹ, về nhà thì chỉ toàn nói tiếng dân tộc nên nhiều em lên bậc trung học cơ sở vẫn chưa thể nói thông tiếng Việt. Nói đã khó, nghe thầy giảng lại càng khó hơn, do vậy, học lực các em thuộc đối tượng này thường chỉ đạt mức trung bình hoặc yếu.
![]() |
Học sinh Trường tiểu học Tân Hoà C giờ tan trường |
Thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số xếp loại học lực yếu còn ở mức khá cao, khoảng 14% so với tỷ lệ chung (hơn 4%) của toàn tỉnh. Một giáo viên của Trường tiểu học Tân Hoà C cho biết, sự chuyên cần của các em học sinh ở địa phương còn thấp nhưng thực ra, không hẳn là do các em lười học mà vì nhà ở quá xa trường, có em xa gần chục cây số. Phần lớn các em được người nhà đưa đến trường. Nếu hôm nào anh chị, hay cha mẹ bận việc không đưa đi được coi như các em bỏ học hôm đó. Thậm chí có nhiều phụ huynh không đưa con đi học chỉ vì… ớn tiền xăng xe.
Cách nay vài năm, Báo Tây Ninh có bài viết về một ngôi trường nằm tít trong rừng sâu thuộc ấp Suối Bà Chiêm của xã Tân Hoà. Cho đến nay, ngôi trường “cô độc” ấy về cơ bản vẫn giữ nguyên trạng. Không thể xây mới, cũng chưa được di dời để thầy trò có nơi dạy và học ổn định. Do quá xa trường trung học cơ sở nên phần lớn học sinh của trường thường chỉ học hết lớp 5 là giã từ sách vở.
Cùng với Tân Hoà, ở xã Tân Thành công tác giáo dục cũng đang gặp những thách thức không dễ gì giải quyết. Ông Bùi Văn Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, địa bàn của xã Tân Thành rộng lớn nhưng chỉ có một trường mầm non (gồm 2 điểm) nên việc huy động học sinh mầm non ra lớp gặp rất nhiều khó khăn. Năm học này, chỉ có khoảng 70% cháu đến tuổi ra lớp. Một bộ phận phụ huynh lo làm ăn, không có thời gian để đưa con đi nhà trẻ và đón về. Ông Nhẫn cũng cho biết thêm, cơ sở vật chất của 2 điểm trường mầm non còn nghèo nàn, khuôn viên nhà trường thì chật hẹp. Riêng ở bậc tiểu học, có những em học sinh 11 - 12 tuổi mới biết lần đầu tiên đi học là gì. Đó thường là con em của những hộ Việt kiều hồi hương từ Campuchia hoặc những hộ di cư từ nơi khác đến. “Vận động được những em này ra lớp và giữ được các em ở trường là cả một vấn đề” - ông Nhẫn nói!
Ở bậc trung học cơ sở, Tân Thành là một trong 15 xã nằm trong nhóm nguy cơ rớt chuẩn phổ cập. Cũng theo Phó Chủ tịch xã Bùi Văn Nhẫn, nhiều em học sinh nghèo đã được nhà trường và địa phương vận động tài trợ học bổng, xe đạp nhưng các em được hỗ trợ vẫn cứ bỏ học.
Theo cô Trần Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Rùm, hiện nay trường này đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Phòng học cấp 4 đã xuống cấp, mái nhà lợp tôn rất nóng, trong khi mấy chiếc quạt do phụ huynh góp tiền mua cho thì đã hư hỏng gần hết! Mỗi khi mùa mưa về, sân trường ngập úng nên không gian chơi của học sinh không có. Nhiều giáo viên của trường phải trú ngụ trong những căn nhà tạm. Được biết, Trường THCS Đồng Rùm không có trong danh sách các trường được kiên cố hoá giai đoạn 2008 - 2012.
ĐẠI DƯƠNG – VIỆT ĐÔNG