Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trước thực trạng cây khoai mì trên địa bàn Tân Châu bị bệnh khảm lá nặng, chưa khống chế được, nông dân cần nghiên cứu lựa chọn một số loại cây trồng để trồng xen canh với nhau.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Châu, nhiều gia đình đã mạnh dạn chủ động chuyển đổi sang các loại cây ăn quả như bưởi, chuối, mít, sầu riêng… bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khả quan, giúp nền nông nghiệp trên địa bàn được đa dạng, phong phú và phát triển bền vững hơn.
Ngoài việc lựa chọn chuyển sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm, có giá trị kinh tế cao thì hiện nay, người dân cũng lựa chọn một số loại cây trồng ngắn ngày như bắp, khoai lang… để luân canh sản xuất. Trước mắt, người dân đã thu được lợi nhuận cao hơn so với việc đầu tư sản xuất cây khoai mì như trước đây.
Thu hoạch khoai lang.
Điển hình như hộ ông Lê Hoài Thanh (ngụ tại xã Tân Đông). Ông Thanh đã chuyển đổi sang trồng khoai lang với tổng diện tích lên đến 60 ha. Sau thời gian 5 tháng kể từ ngày xuống giống, ông Thanh đã thu hoạch phần diện tích trên 20 ha, năng suất khoai lang bình quân thu được 25 tấn/ha, với giá thương lái thu mua tại ruộng là 10.000 đến 10.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng, ông Thanh thu lợi nhuận trên 180 triệu đồng.
Ông Thanh cho biết thêm, cây khoai lang rất dễ trồng, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ sau 5 tháng trồng là đã cho thu hoạch; đồng thời cây khoai lang có khả năng thích nghi rộng, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, do vậy, nếu phát triển trồng khoai lang trên vùng đất Tân Châu có thể xem là một hướng đi mới phù hợp để người dân thực hiện.
Theo ông Thanh, trước thực trạng cây khoai mì trên địa bàn đang bị bệnh khảm lá nặng, chưa khống chế được, nông dân cần nghiên cứu lựa chọn một số loại cây trồng để trồng luân canh với nhau, cụ thể như gia đình ông đã chọn cây khoai lang để trồng luân canh với cây khoai mì, nhằm hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất trồng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.
Thanh Phương-Chí Thành