Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 20.6.1969, tại một căn cứ vùng biên giới (nay thuộc xã Lộc Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập trường Thiếu sinh quân Lê Văn Tám.

(BTNO)- Ngày 25.6, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tân Châu, Ban liên lạc truyền thống Trường Thiếu sinh quân Lê Văn Tám đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày thành lập trường đồng thời tổng kết 10 năm đóng góp xây dựng quỹ Nghĩa tình đồng đội. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trưởng ban liên lạc Thiếu sinh quân miền Nam và đại diện lãnh đạo huyện Tân Châu cùng gần 200 cựu cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường đã về dự buổi họp mặt.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã được nghe ôn lại truyền thống 42 năm của nhà trường: Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn vô cùng gay go và quyết liệt, Mỹ - nguỵ liên tục tổ chức càn quét, bình định, đánh phá nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng. Nhiều cơ sở cách mạng nội ngoại thành và vùng ven đô - nơi đứng chân của lực lượng cách mạng bị địch khủng bố, nhiều cán bộ chiến sĩ, cơ sở cách mạng bị hy sinh hoặc bị bắt.
|
Toàn cảnh buổi họp mặt |
Để làm thất bại âm mưu của kẻ thù, mặt khác nhằm xây dựng và phát triển lực lượng tại chỗ nhằm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ chiến sĩ và cơ sở cách mạng yên tâm công tác và chiến đấu, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy các LLVT Sài Gòn - Gia Định, mà đứng đầu là nguyên Thiếu tướng Tư lệnh Trần Hải Phụng đã quyết định thành lập Trường Thiếu sinh quân Lê Văn Tám. Với nhiệm vụ giáo dục cho học viên về lòng yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc Mỹ và bọn tay sai bán nước, quyết tâm học giỏi để sẵn sàng nhận nhiệm vụ cách mạng giao. Ngày 20.6.1969, tại một căn cứ vùng biên giới (nay thuộc xã Lộc Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập trường và khai giảng khoá học đầu tiên với 40 học viên, trong đó có 10 nữ. Khi đó nhà trường chỉ có vỏn vẹn 3 giáo viên, 3 cán bộ quản lý.
Sau ngày thành lập, cơ sở của Trường Thiếu sinh quân Lê Văn Tám luôn bị chính quyền Mỹ - nguỵ bắn phá ác liệt. Đến tháng 4.1971 nhà trường chuyển về xây dựng căn cứ ở huyện Tân Biên. Tháng 4 năm 1975, trong đoàn quân điệp trùng tiến về giải phòng Sài Gòn có cả những chiến sĩ nhỏ quân giải phóng là học viên của Trường thiếu sinh quân Lê Văn Tám phục vụ chiến đấu, góp phần vào ngày đại thắng mùa xuân 1975 của dân tộc.
40 năm đã trôi qua, nhưng trong sâu thẳm trái tim thầy và trò Trường Thiếu sinh quân Lê Văn Tám không bao giờ quên những năm tháng chiến tranh ác liệt. Sau ngày đất nước hoà bình, những chiến sĩ nhỏ năm xưa trở về với cuộc sống đời thường là những cán bộ công chức, những công dân mẫu mực. Từ năm 1995, Ban liên lạc truyền thống Trường Thiếu sinh quân Lê Văn Tám được thành lập nhằm tiếp tục động viên, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ban liên lạc đã phát động trong toàn thể hội viên phong trào đóng góp xây dựng quỹ Nghĩa tình đồng đội nhằm giúp đỡ cho các hội viên đồng chí, đồng đội gặp khó khăn, đau ốm, bệnh tật. Qua 10 năm, cuộc vận động xây dựng quỹ Nghĩa tình đồng đội đã bàn giao được 16 căn nhà cho hội viên các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và TP.HCM, đồng thời đến thăm hỏi, động viên anh chị em ốm đau, chia sẽ cùng gia đình của hội viên đã qua đời…
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trưởng ban liên lạc thiếu sinh quân miền Nam khẳng định: ngày nay, dù ở bất cứ nơi đâu, ở cương vị nào, các học viên của Thiếu sinh quân Lê Văn Tám năm xưa vẫn tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục duy trì cuộc vận động xây dựng quỹ Nghĩa tình đồng đội trong những năm tiếp theo để tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên còn khó khăn trong cuộc sống. Tại buổi họp mặt, các đại biểu tham dự đã ủng hộ quỹ Nghĩa tình đồng đội được trên 10 triệu đồng.
Công Điều