Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người dân bức xúc vì hằng ngày, hằng giờ họ phải tiếp xúc với mùi hôi thối bởi bãi phơi xác mì vẫn cứ ngang nhiên hoạt động.

Trong những năm gần đây, khi giá mì tăng cao, diện tích trồng mì cũng tăng theo. Đời sống của nhiều bà con nông dân nhờ vậy cũng ngày càng khấm khá hơn. Không ít hộ nghèo kiếm sống được bằng nghề phơi xác mì. Tuy nhiên, từ đó cũng kéo theo tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Gia đình bà Phan Thị Thơi ở gần bãi phơi xác mì tại khu phố 4, thị trấn Tân Châu. Cả nhà rất khốn khổ vì mùi hôi thối của xác mì cứ xộc vào khiến mọi người luôn thấy khó thở.
Theo quan sát của chúng tôi bãi phơi nói trên có diện tích gần 4 ha, xác mì được phơi trên bạt nhựa PP, hai bên có rãnh thu nước nhưng không chống thấm, nước rỉ từ xác mì cộng với nước mưa tự thấm không qua xử lý, tất yếu gây ô nhiễm không khí và không loại trừ khả năng ô nhiễm đến nguồn nước sinh hoạt. Chính vì vậy các hộ dân xung quanh bãi phơi rất bức xúc, lo lắng cho sức khoẻ của mình và người thân. Một người dân cho biết: “Xác mì ở đâu được đưa về đây ủ và phơi bốc mùi hôi thối, khó chịu, có hôm mùi chua như phân mèo, phân chó, khổ nhất là những ngày mưa, mùi càng nặng và khó chịu hơn”.
![]() |
Một bãi phơi xác mì gần khu ở Kp4, thị trấn Tân Châu |
Theo quy định của ngành chức năng, các hộ gia đình dùng đất nông nghiệp làm sân phơi xác mì buộc phải đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh ngành nghề phơi xác mì và lập hồ sơ môi trường trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường xem xét. Đất phơi xác mì phải cách khu dân cư 1.000m, không cho phép các gia đình, cá nhân phơi xác mì khi không có biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua cuộc kiểm tra của ngành chức năng huyện Tân Châu thì chủ bãi phơi xác mì kể trên không hề có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Chủ sử dụng không thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường như chống thấm sân phơi, rãnh thu nước cũng không có thiết kế chống thấm, nước rỉ xác mì không qua xử lý. Về khoảng cách thì bãi phơi xác mì này cách nhà dân gần nhất chỉ khoảng 100m.
Anh Triệu Trần Hiền - trưởng khu phố 4, thị trấn Tân Châu cho biết: “Việc phơi xác mì gây hôi thối ở đây đã được người dân phản ánh nhiều lần lên chính quyền các cấp và ngành chức năng qua các lần tiếp xúc cử tri, qua đơn thư phản ánh, nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết”.
Không chỉ ở thị trấn Tân Châu, nhiều nơi khác trên địa bàn huyện Tân Châu, việc phơi xác mì của các hộ có bãi phơi cũng không bảo đảm vệ sinh môi trường - cả môi trường không khí lẫn môi trường nước. Qua kết quả kiểm tra của đoàn thanh tra ngành chức năng huyện Tân Châu ngày 27.9 vừa qua ở 18 bãi phơi xác mì thì có 18/18 đơn vị không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề phơi nông sản và cũng ngần ấy đơn vị chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất chuyên dùng. Chính việc phát triển một cách tự phát như thế đã làm ảnh hưởng nặng nề tới môi trường xung quanh, không chỉ gây nguy hại trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài về sau, đặc biệt là việc gây ô nhiễm nguồn nước.
Người dân bức xúc vì hằng ngày, hằng giờ họ phải tiếp xúc với mùi hôi thối bởi bãi phơi xác mì vẫn cứ ngang nhiên hoạt động. Nhiều chủ bãi phơi đưa ra nhiều lý do để biện hộ cho việc gây ô nhiễm của mình. Lý do lớn nhất thường được vin vào là họ đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương và nếu như không phơi làm sao giải quyết được xác mì sau khi chế biến? Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính đáng để có thể dựa vào đó mà thản nhiên vi phạm các quy định của Nhà nước và làm tổn hại đến môi trường sống cũng như sức khoẻ của người.
Đình Vũ