BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Châu: Một vụ vỡ nợ, có dấu hiệu lừa đảo?

Cập nhật ngày: 24/09/2010 - 10:03

Kỳ 1: Vì sao lại ngăn cản, không cho sang nhượng đất?

Chỉ với một mảnh đất ruộng ven đường 785, thuộc địa bàn xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Lê Thị Đảm đã dùng nó để trừ nợ cho nhiều người với số tiền lên đến con số hơn 2 tỷ đồng. Điều đáng nói là, trong khi mắc nợ rất nhiều người chưa trả được, với tài sản thế chấp là mảnh đất thì vợ chồng ông Dũng, bà Đảm lại thầm lặng sang nhượng mảnh đất đó cho “chỉ một người”. Hợp đồng sang nhượng đất đã được công chứng, chỉ chờ ngày ra “giấy đỏ”. Nhiều chủ nợ vội viết đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị ngăn cản hành vi “tẩu tán tài sản” của vợ chồng ông Dũng, bà Đảm, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Tân Châu đã ra tay ngăn chặn kịp thời nhưng…

Công chứng rồi, nhưng...…

Mảnh đất “đóng băng” của bà Đảm sẽ được tháo gỡ?

Người “mua” mảnh đất nói trên và đã làm thủ tục sang nhượng là vợ chồng ông Lê Đức Thọ, ngụ tổ 14, ấp Tân Tây, xã Tân Hưng, Tân Châu. Không hiểu ông Thọ có biết vợ chồng bà Đảm đã dùng mảnh đất nêu trên thế chấp cho nhiều người hay không, nhưng khi nghe vợ chồng bà Đảm bán đất, ông Thọ vội vay nóng tiền để mua mảnh đất trên với giá 420.000.000đ, hằng ngày phải trả lãi trên 500.000đ. Tuy nhiên, việc hợp đồng sang nhượng đất đã được công chứng nhưng bị các ngành chức năng Tân Châu ngăn cản không cho ra “giấy đỏ” đã làm ông bức xúc gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, trong đó có Báo Tây Ninh. Sự thật vấn đề này như thế nào?

Theo như trình bày của ông Thọ, ngày 5.5.2010, ông mua 6 thửa đất lúa của vợ chồng bà Đảm với diện tích 11.750m2, đất toạ lạc tại ấp Tân Đông, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Hợp đồng sang nhượng đất đã được công chứng tại Phòng công chứng số 1. Tuy nhiên, khi đến UBND xã Tân Hưng làm thủ tục sang nhượng, cán bộ địa chính xã không giải quyết và ghi vào hồ sơ với lý do: “Hồ sơ của bà Đảm đã có đơn khiếu nại bà bán đất cho nhiều người. Và bà Đảm có mượn tiền, đã có đơn khiếu nại nên chuyển về ấp giải quyết. Do đó hồ sơ này không được giải quyết”. Tuy nhiên, sự thật không đơn giản như vậy (!?)

Ngăn cản không đúng luật?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết ngày 13.4.2010, Chi cục THADS huyện Tân Châu có công văn yêu cầu UBND xã không xác lập hợp đồng giao dịch tài sản của ông Nguyễn Văn Dũng và bà Lê Thị Đảm, lý do vợ chồng bà Đảm còn phải thi hành 2 quyết định của TAND huyện Tân Châu với số tiền gần 67 triệu đồng. Tiếp đến ngày 4.6.2010, Chi cục THADS huyện lại có Công văn số 239/THA cho biết, vợ chồng bà Đảm đã thực hiện xong 2 quyết định nêu trên, nhưng lại “còn bị một số người khác khởi kiện, được TAND huyện Tân Châu thụ lý giải quyết”. Công văn này được gửi UBND huyện, Phòng công chứng số 3, Phòng đăng ký và quản lý QSD đất, UBND xã Tân Hưng, đề nghị “giải quyết theo quy định pháp luật”. Cùng khoảng thời gian này, TAND huyện cũng có công văn gửi các đơn vị nêu trên cho biết, TAND huyện đang thụ lý 4 vụ kiện đòi nợ vợ chồng bà Đảm của các đương sự Huỳnh Thị Lệ Quyên, Phạm Thị Mạng, Phan Thị Thuỷ, Lê Thị Hà, với số tiền trên 700 triệu đồng.

Do Công văn 239/THA của Chi cục THADS huyện Tân Châu gây khó khăn cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng thời Quyền Trưởng Chi cục THADS huyện Tân Châu- Đoàn Văn Muôn ra công văn nêu trên là trái thẩm quyền, ông Thọ khiếu nại về Cục THADS tỉnh. Tại Quyết định số 587/QĐ-GQKN ngày 28.7.2010 của Cục THADS tỉnh, do Cục Trưởng Nguyễn Văn Hoá ký khẳng định, ông Muôn ra văn bản trên là vi phạm pháp luật, không đúng theo Luật Thi hành án. Bởi vì “tại thời điểm ban hành công văn, phần nghĩa vụ của ông Dũng, bà Đảm đã thi hành xong và chưa có bản án nào có hiệu lực pháp luật”. Cũng tại quyết định này, Cục THADS tỉnh đề nghị, “ông Đoàn Văn Muôn phải ra văn bản thu hồi Công văn số 239/THA”. Tuy nhiên, chẳng những không ra quyết định thu hồi, ngày 6.8.2010, Chi cục THADS huyện Tân Châu lại tiếp tục ra Quyết định số 02/QĐ-THA gửi các cơ quan có liên quan với nội dung “tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của bà Lê Thị Đảm để bảo đảm thi hành án”.

Thu hồi quyết định của thi hành án, tức là cấp “giấy đỏ”?

Việc Chi cục THADS huyện Tân Châu ra Quyết định nêu trên và các công văn trước đã thật sự gây khó khăn cho việc vợ chồng bà Đảm chuyển nhượng QSDĐ cho ông Thọ, mặc dù hợp đồng chuyển nhượng đã được Phòng công chứng số 1 Tây Ninh công chứng ngày 5.5.2010.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Cục THADS tỉnh, ngày 17.9.2010, Chi cục THADS huyện Tân Châu đành phải ra quyết định thu hồi Quyết định số 02/QĐ-THA về việc tạm dừng giao dịch hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 5.5.2010 đối với ông Dũng, bà Đảm. Sau khi Quyết định 02/QĐ-THA bị thu hồi, ông Thọ đã nhanh chóng đến UBND xã Tân Hưng làm thủ tục ra “giấy đỏ”, các chủ nợ của vợ chồng bà Đảm là bà Quyên, bà Mạng, bà Thuỷ, bà Hà… lo lắng cho rằng, nếu UBND huyện Tân Châu cấp “giấy đỏ” cho ông Thọ, xem như việc tẩu tán tài sản của vợ chồng bà Đảm đã xong, vì thực chất việc mua bán, sang nhượng đất giữa ông Thọ và vợ chồng bà Đảm “không bình thường”, không đúng với giá trị thật của mảnh đất. Điều làm các chủ nợ lo ngại là khi bản án có hiệu lực thì vợ chồng bà Đảm sẽ không còn tài sản để trả nợ.

Như vậy, sau khi Chi cục THADS huyện Tân Châu “giải toả” quyết định ngăn cản việc chuyển nhượng đất nêu trên thì UBND huyện Tân Châu đương nhiên được quyền cấp “giấy đỏ” cho ông Thọ? Nếu vậy, công văn của TAND huyện Tân Châu gửi các ngành chức năng huyện thông báo đang thụ lý 4 vụ kiện liên quan đến bà Đảm có giá trị như thế nào? Đây là câu hỏi cần được các cơ quan chuyên môn của huyện Tân Châu làm rõ, trước khi cấp “giấy đỏ” cho ông Lê Đức Thọ.

ĐỨC TIẾN

(Còn tiếp)