Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trên địa bàn huyện Tân Châu có trên 14.800 ha trồng khoai mì. Thời điểm hiện tại cao điểm mùa khô, nắng nóng, khô hạn, là điều kiện thuận lợi phát sinh và phát triển mạnh một số dịch hại trên cây khoai mì, đặc biệt là nhện đỏ (nông dân gọi là rầy lửa).
Cây khoai mì ở xã Tân Hà bị nhện đỏ gây hại.
Qua kiểm tra đồng ruộng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu cho biết, hiện nay, nhiều diện tích khoai mì trên địa bàn đã bị nhện đỏ gây hại. Triệu chứng gây hại của nhện đỏ: bắt đầu phát sinh gây hại ở mặt dưới của những lá già, gần dưới gốc, sau chuyển dần lên các lá phía ngọn.
Khi quần thể tăng trưởng, nhện đỏ phân bố cả hai bề mặt của lá, thậm chí cả thân cây phần ngọn non. Nhện đỏ chích hút nhựa, tạo những vệt chạy dọc theo gân lá, lúc đầu có màu vàng sau chuyển nâu, khô và rụng đi, nếu thân cây bị nhện chích ngọn sẽ teo lại, cây sinh trưởng kém.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu khuyến cáo, biện pháp phòng trừ tốt nhất là tưới nước đầy đủ và thường xuyên bằng hệ thống tưới phun béc cố định hoặc dây phun để khống chế sự phát sinh và phá hại của nhện. Khi nhện phát sinh gây hại với mật số cao, có thể dùng một trong các loại thuốc hoá học như: dầu khoáng, Propargite (Comite 73EC, Saromite 57 EC, Superrex 73 EC,...), Fenpyroximate (Ortus 5SC), Diafenthiuron (Pegasus 55SC, Redmine 500SC...)...
Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc hoá học thường xuyên vì sẽ làm cho nhện đỏ phát sinh nhiều hơn, do hầu hết các thuốc hoá học không trừ được trứng nhện, lại diệt cả thiên địch trên đồng ruộng, nhện tiếp tục nở ra và tái nhiễm trở lại liên tục.
Chí Thành