Xã hội   Xã hội

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Châu nỗ lực phòng, chống dịch 

Cập nhật ngày: 11/08/2021 - 00:30

BTN - Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Tân Châu, các địa phương trong huyện nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ hơn.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Khu phố 1, Thị trấn Tân Châu.

Từ ngày 18.7, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thị trấn Tân Châu lập 4 chốt chặn ngay các ngõ vào để kiểm soát người đến địa phương. Hiện nay, bên cạnh các chốt cố định, Thị trấn còn tổ chức các đội lưu động kiểm tra đối với những người ra đường.

Ðặc biệt, tăng cường kiểm soát tại chốt đi vào các xã Suối Dây, Tân Thành- hai địa phương đang ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong huyện. Việc kiểm soát nghiêm tại các chốt giúp giảm lượng người ra đường, ngăn người dân các vùng khác đến Thị trấn mà không có lý do chính đáng. Thị trấn Tân Châu cũng là địa phương đầu tiên của huyện thực hiện phát phiếu đi chợ theo ngày cho người dân.

Theo ông Trịnh Ðình Hà- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Châu: “Những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, UBND Thị trấn cho các đoàn đi kiểm tra, nhắc nhở, sau đó mới xử phạt trường hợp làm trái quy định. Sau gần 20 ngày (tính đến ngày 6.8) thực hiện Chỉ thị 16, người dân đã quen và thực hiện tốt quy định”.

Ngày 3.8, UBND huyện Tân Châu chỉ đạo thực hiện test nhanh đối với tiểu thương chợ Tân Châu, qua đó phát hiện ca dương tính, phải phong toả khu vực chợ để phục vụ công tác khoanh vùng, điều tra, truy vết.

Ông Hà cho biết, trên địa bàn Thị trấn còn 4 điểm phong toả do có ca nhiễm. UBND thị trấn huy động toàn hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng, chống dịch, kể cả cán bộ, viên chức tại UBND Thị trấn cũng tham gia trực các chốt. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn thị trấn cùng chung tay hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cũng như thực phẩm cho người dân. 

Thị trấn Tân Châu có khá đông người từ các xã lân cận đến mua lương thực, giao dịch ngân hàng, chứng nhận giấy tờ. Vì vậy, tuỳ tình hình dân cư mà Thị trấn có những giải pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Ðối với các xã không có trụ ATM, không có chợ, người dân nơi đó sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để giao dịch, mua hàng hoá; các dịch vụ khác chuyển sang giao dịch trực tuyến để giảm lượng người dồn về Thị trấn trong những ngày này.

Ðối với cư dân Thị trấn sống bằng nghề kinh doanh, địa phương tạo điều kiện để người dân buôn bán tại nhà nhưng có kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch, nếu không bảo đảm các điều kiện sẽ xử lý theo quy định.

Anh Ðặng Văn Thành, ngụ khu phố 1, thị trấn Tân Châu chia sẻ, khi buôn bán, anh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Anh hy vọng các biện pháp phòng dịch được thực hiện tốt, không phát sinh ca nhiễm mới, dịch bệnh bị khống chế và chợ được gỡ phong toả, việc kinh doanh sớm trở lại bình thường.

Chị Phạm Thị Hương, người dân ngụ khu phố 2, Thị trấn làm nghề bán vé số, thời gian này chị phải nghỉ do ảnh hưởng dịch bệnh. Thường ngày, chị hiếm khi ra khỏi nhà, thực phẩm thì được hỗ trợ nên cuộc sống cơ bản ổn định. Theo chị Hương, “việc chính quyền áp dụng lệnh phong toả là cần thiết, làm giảm sự lây lan của dịch trong cộng đồng”.

Suối Dây là một trong hai xã bị phong toả toàn bộ, vì là vùng có nguy cao trên toàn huyện. Theo ông Hoàng Bá Trình- Chủ tịch UBND xã Suối Dây, từ ngày 2.8, toàn xã phong toả theo chỉ đạo của UBND huyện, vì thời điểm đó, trên địa bàn xã có đến 25 ca cộng đồng.

Khi thực hiện phong toả, xã đã tăng cường thêm 5 chốt kiểm soát cùng với 8 chốt trước đó để kiểm soát chặt chẽ người dân ra ngoài không cần thiết. Ðến giờ, nhân lực làm nhiệm vụ cơ bản vẫn đáp ứng công việc.

Một góc chợ Tân Châu trong thời gian phong tỏa.

Tuy nhiên, khi thực hiện phong toả, trên địa bàn xã có một số khó khăn nhất định. Ông Trình cho biết, do Trạm Y tế xã có ca nhiễm, toàn bộ nhân viên là F1, bị cách ly nên thiếu lực lượng y tế làm nhiệm vụ. Hiện công tác điều tra, truy vết, lấy mẫu đều do tình nguyện viên đảm nhận, Trung tâm Y tế huyện tăng cường một nhân viên vào hỗ trợ.

Mặt khác, do khởi phát bệnh tại chợ, phải phong toả khu vực chợ nên người dân lo lắng vì chưa kịp mua lương thực. Mới đây, UBND xã cho phép một số cửa hàng thực phẩm thiết yếu được bán, và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện phối hợp tổ chức bán hàng bình ổn giá, đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể địa phương cũng ra sức vận động hỗ trợ người dân. Theo chị Phạm Thị Kim Hoàn- Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Dây, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, cùng với những đoàn thể khác, Hội LHPN xã vận động được 10 tấn rau củ quả, 4 tấn gạo hỗ trợ địa phương chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Vi Xuân