Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tân Châu: Tập trung các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Thứ bảy: 07:27 ngày 21/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài các loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ, người chăn nuôi nên mua thêm vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm

Tiêm phòng vắc xin cho heo con.

Hiện đang là mùa mưa, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng. Để bảo vệ đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo cơ quan thú y các địa phương tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho dịp tết nguyên đán sắp tới.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định, không phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm, như: lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục trâu, bò; bệnh heo tai xanh, cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi... Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi nên chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, bảo vệ đàn vật nuôi.

Nhờ áp dụng triệt để các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng, bảo vệ đàn vật nuôi tránh sự xâm nhập của mầm bệnh từ môi trường bên ngoài, hộ ông Nguyễn Đức Loan (ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu) duy trì đàn heo phát triển ổn định trong những năm qua.

Ông Loan cho biết, lúc cao điểm, đàn heo của gia đình ông có hơn 110 con heo thịt và 6 con heo nái. Để bảo vệ đàn heo, ông luôn tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học do Trạm Chăn nuôi và Thú y phổ biến, trong đó, chú trọng công tác vệ sinh, sát trùng chuồng trại thường xuyên (mỗi tuần 2 lần) nhằm hạn chế mầm bệnh phát sinh.

Đàn heo sắp xuất chuồng của gia đình ông Nguyễn Đức Loan.

Theo ông Loan, hơn 10 năm nuôi heo, ông đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và rút ra kinh nghiệm là trong chăn nuôi, quan trọng nhất là phải phòng ngừa chứ không đợi bệnh xuất hiện rồi mới điều trị. Vì vậy, từ khi heo mới sinh đến lúc xuất chuồng, ông đều chủ động tiêm ngừa đầy đủ những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: tụ huyết trùng, tai xanh…

Ông Đỗ Đức Lưu, ngụ ấp 2, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu cho biết, gia đình ông có một trại nuôi khoảng 200 con heo thịt. Để bảo đảm hiệu quả chăn nuôi, toàn bộ số heo giống đều được mua từ những trang trại lớn, có xuất xứ rõ ràng, trong quá trình nuôi, ông mua vacccine về tiêm ngừa đầy đủ.

Khoảng 2 ngày ông phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh để ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập, nhờ vậy, đến thời điểm này, đàn heo của gia đình ông phát triển rất tốt.

Người chăn nuôi còn nhiều khó khăn

Hiện nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực tái đàn chuẩn bị cho dịp cuối năm, tuy nhiên, diễn biến thị trường những ngày gần đây có nhiều bất lợi khiến một số người dân không còn thiết tha tái đàn.

Ông Nguyễn Đức Loan cho biết, gia đình ông mới xuất bán hơn 60 con heo thịt, giá dao động trên dưới 50.000 đồng/kg, còn lại khoảng 40 con, trọng lượng trung bình khoảng 80kg/con, sắp xuất chuồng, nhưng giá heo những ngày gần đây tiếp tục giảm nên ông sẽ không tái đàn.

Gia đình ông Đỗ Đức Lưu đang dọn dẹp, sát trùng khu chuồng mới xuất bán heo để nhập về khoảng 100 con heo giống, chuẩn bị cho dịp tết. Tuy nhiên, ông không khỏi lo lắng khi giá heo hơi xuất chuồng đang xuống thấp, ông Lưu cho biết, theo thông tin từ thương lái, hiện nay, giá heo hơi tại các trang trại lạnh, quy mô lớn trên 50.000 đồng/kg, ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giá heo xuất chuồng khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg, thậm chí, thương lái còn không đến xem. “Tôi hy vọng, với nhu cầu thực phẩm tăng cao dịp cuối năm, giá heo hơi sẽ khởi sắc trở lại”- ông Lưu cho biết thêm.

Nguy cơ dịch bệnh còn rất lớn

Theo ông Dương Văn Phụng- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu, hiện nay, trên địa bàn có 16 trang trại lạnh, khép kín đã đi vào hoạt động (gồm 8 trang trại gà, và 8 trang trại heo), đều được đầu tư quy mô lớn, quy trình chăn nuôi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ trên địa bàn lại giảm khoảng 50% so với trước, đa số đều có ý thức phòng, chống dịch bệnh rất tốt, tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương trong công tác vệ sinh thú y.

Từ nay đến cuối năm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền đến người dân về Luật Chăn nuôi, trong đó, yêu cầu các hộ phải đăng ký và báo cáo với cơ quan chức năng địa phương về việc tái đàn, nguồn gốc con giống…

Sau khi nhận đủ vacccine và thuốc sát trùng được cấp, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện sẽ phối hợp với các xã, thị trấn đồng loạt triển khai đợt vệ sinh, tiêu độc sát trùng và tiêm phòng vắc xin lần 2 năm 2023, tiêm đến đâu cấp phát thuốc phun xịt sát trùng đến đó, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.

Ông Dương Quốc Hoàng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, thời điểm này là lúc người chăn nuôi heo tái đàn chuẩn bị cho thị trường cuối năm, đây cũng là thời điểm chuyển mùa, mưa nhiều, độ ẩm trong không khí cao, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, một số loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh, dễ phát sinh những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi, như: bệnh dại, bệnh tai xanh, bệnh dịch tả lợn, cúm gia cầm…

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin để phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi.

Trong đó, người chăn nuôi cần chú ý tiêm đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan Thú y, như: tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tai xanh, cúm gia cầm, bệnh dại...

Ngoài các loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ, người chăn nuôi nên mua thêm vaccine tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, Chi cục Chân nuôi và Thú y khuyến cáo người dân nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, nuôi nhốt đúng mật độ; thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại; hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi.

Định kỳ khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột. Con giống khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, bảo đảm chất lượng; thường xuyên quan sát, kiểm tra đàn vật nuôi, khi thấy có hiện tượng bất thường cần tách riêng để theo dõi, điều trị.

Minh Dương - Nhật Quang

Báo Tây Ninh
Điều cần biết nhận thức sau đột quỵ
Tin cùng chuyên mục