Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tân Châu: Tập trung xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu mía
2009-08-31 07:24:00

Diện tích mía ở huyện Tân Châu có lúc đạt đến hơn 13.000 ha, chiếm gần phân nửa tổng diện tích mía toàn tỉnh. Thế nhưng, trong những năm gần đây, diện tích mía Tân Châu giảm sút nghiêm trọng.

Huyện Tân Châu là huyện có diện tích mía lớn nhất tỉnh. Có lúc, diện tích mía ở huyện Tân Châu đạt đến hơn 13.000 ha, chiếm gần phân nửa tổng diện tích mía toàn tỉnh. Thế nhưng, trong những năm gần đây, diện tích mía Tân Châu giảm sút nghiêm trọng. Năm 2009, Tân Châu tiếp tục nỗ lực khôi phục lại vùng nguyên liệu mía, trong đó công việc mà huyện tập trung trước tiên là xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu.

Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết năm 2008 vừa qua diện tích mía ở Tân Châu chỉ còn khoảng hơn 7.800 ha, chỉ hơn phân nửa tổng diện tích mía toàn huyện trước đây. Sự suy giảm diện tích cây mía trên địa bàn huyện có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó nguyên nhân chủ yếu là trồng mía không cho thu nhập cao bằng trồng những loại cây khác. Sở dĩ trong những năm qua cây mía cho thu nhập thấp là do năng suất còn quá thấp, bình quân chỉ đạt trên dưới 50 tấn/ha, mặc dù diện tích mía được chuyển xuống vùng thấp ngày càng nhiều hơn, đến nay đã chiếm đến hơn 2/3 tổng diện tích mía toàn huyện.

Còn vấn đề năng suất mía bình quân chưa được nâng cao đúng mức cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng theo đánh giá của huyện Tân Châu thì trong đó có nguyên nhân cơ bản là việc đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu mía chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Cụ thể như mía đưa xuống vùng thấp nhằm tăng năng suất nhưng hệ thống thuỷ lợi nội đồng tiêu úng nước thì quá hạn chế, thậm chí có một số vùng chưa có kênh tiêu thoát nước. Từ đó mà trong vùng nguyên liệu mía có nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ trong mùa mưa khiến cho cây mía khó phát triển, năng suất và chữ đường thấp, nông dân sản xuất bị lỗ.

Kênh thoát nước vùng nguyên liệu mía Tân Châu đã được nạo vét.

Năng suất mía đã không tăng mà chi phí sản xuất mía thì lại ngày càng cao. Một trong nguyên nhân khiến chi phí sản xuất mía cao là do đường giao thông nội đồng có vùng chưa có- đặc biệt là những vùng đất thấp. Từ đó, việc vận chuyển mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy gặp khó khăn, chi phí “tăng bo” ngày càng cao. Chính những yếu tố này đã làm hiệu quả sản xuất mía giảm và sức cạnh tranh kém hơn so với cây trồng khác.

Từ nhận định trên, năm 2009 UBND huyện Tân Châu quyết định tập trung vào lĩnh vực xây dựng giao thông nội đồng, đồng thời triển khai nạo vét và làm mới một số tuyến kênh tiêu thoát nước trong vùng nguyên liệu mía. Tuy nhiên, vấn đề nan giải trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng nguyên liệu mía là vốn đầu tư bởi vì nguồn ngân sách của huyện rất hạn chế, không thể nào có đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu mía.

Còn về phía các nhà máy chế biến thì trong những năm qua cũng có bỏ vốn đầu tư, nhưng thực tế cũng không đáp ứng được bao nhiêu. Nguyên nhân cơ bản khiến cho các nhà máy chưa tập trung xây dựng hạ tầng trong vùng nguyên liệu mía là vì trong vùng còn xen canh nhiều loại cây trồng khác, nếu bỏ vốn đầu tư sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, trong cùng một vùng nguyên liệu nhưng có nhiều nhà máy cùng tham gia đầu tư trồng mía nên không nhà máy nào muốn bỏ vốn xây dựng hạ tầng cho các nhà máy khác hưởng lợi. Từ đó việc đầu tư xây dựng kênh mương và đường giao thông vùng nguyên liệu mía ở Tân Châu bị hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất cây mía.

Để giải quyết tình trạng khó khăn về vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, huyện Tân Châu đã đề ra giải pháp hợp lý, hợp tình là vận động các nhà máy chế biến có đầu tư vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện Tân Châu đóng góp cùng huyện phát triển hạ tầng vùng nguyên liệu. Để công bằng, các nhà máy đóng góp kinh phí xây dựng hạ tầng tính trên diện tích đầu tư với định mức là 100.000 đồng cho mỗi ha. Huyện là đầu mối tập trung vốn đầu tư, lập kế hoạch và triển khai thực hiện xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu mía, không phân biệt là thuộc nhà máy nào. Giải pháp này được các nhà máy đồng tình. Huyện thành lập Ban điều phối cấp huyện và xã, trong đó có cả đại diện của các nhà máy, vừa tổ chức thực hiện vừa quản lý công tác phát triển hạ tầng vùng nguyên liệu từ nguồn vốn do các nhà máy đóng góp đầu tư.

Hiện nay, ở huyện Tân Châu có nhiều tuyến kênh trong vùng nguyên liệu mía đã được nạo vét và làm mới để tiêu thoát nước trong mùa mưa năm nay, đồng thời một số tuyến đường giao thông nội đồng cũng đã chuẩn bị thi công. Công việc tập trung phát triển hạ tầng vùng nguyên liệu mía ở huyện Tân Châu đã thực sự mang lại hiệu quả mà trước mắt là năm 2009 diện tích cây mía ở Tân Châu đã được nâng lên hơn 9.500 ha, tăng hơn năm trước gần 2.000 ha.

Sơn Trần

Từ khóa:
Tin liên quan