Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tân Châu-Tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ bảy: 11:45 ngày 24/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Huyện Tân Châu là địa bàn trọng điểm và có tiềm năng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tỉnh đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, huyện Tân Châu là địa bàn trọng điểm và có tiềm năng đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham quan các gian hàng trưng bày tại lễ khánh thành giai đoạn 1 Dự án chăn nuôi công nghệ cao DHN của Liên doanh Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus Việt Nam tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

Hạ tầng cơ sở ngày càng phát triển

Tân Châu là huyện biên giới phía Bắc của tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 36km, là địa phương có thế mạnh về đất đai rộng lớn, hệ thống thuỷ lợi được đầu tư tương đối hoàn thiện, thuận lợi trở thành vùng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ, cũng như bảo đảm các yếu tố, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn.

Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, Tân Châu xác định xây dựng kết cấu hạ tầng là yếu tố đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã tập trung rà soát, xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông của huyện đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, các tuyến đường trục xã, liên xã, xóm, ấp, đường trục chính nội đồng được đầu tư cứng hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hoá, nông sản gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Hệ thống thuỷ lợi được xây dựng, nâng cấp (kênh tiêu Tân Phú - Tân Hưng, Hội Thành, Hội Thạnh, Tân Hiệp… đã đưa vào sử dụng, đang triển khai kênh tiêu suối Nước Đục), đáng chú ý là Dự án Sửa chữa hồ chứa nước Tha La khi đưa vào vận hành, ngoài phục vụ trực tiếp vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện, còn đáp ứng tốt hoạt động sản xuất của nhân dân các vùng lân cận. Ngoài ra, hệ thống trường học, trạm y tế, cơ quan làm việc đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Mạng lưới bưu chính, viễn thông, điện… phát triển rộng khắp, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, nhân dân.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì phát triển. Toàn huyện hiện có 17 nhà máy chế biến tinh bột mì với tổng công suất thiết kế 2.505 tấn sản phẩm/ngày; 10 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế là 350 tấn/ngày; 1 nhà máy chế biến đường với tổng công suất thiết kế là 8.000 tấn/ngày. Trên địa bàn huyện còn có nhà máy xi măng Fico với công suất thiết kế 1,5 triệu tấn/năm; Cụm công nghiệp Tân Hội 1 với 10 doanh nghiệp đang hoạt động và 6 nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Cán bộ nhân viên Công ty TNHH MTV Thanh niên Xung phong Tây Ninh kiểm tra chất lượng bông xoài.

Loạt dự án nông nghiệp “khủng”

Với quyết tâm và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, trong những năm gần đây, huyện Tân Châu đang là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp UDCNC. Đáng chú ý, ngày 19.5.2024 vừa qua, Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1, Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, với tổng nguồn vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 12.3.2014, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã đưa vào vận hành cụm trang trại xanh hiện đại nuôi heo công nghệ cao Hải Đăng (cụm trại Hải Đăng) tại Tây Ninh. Đây là cụm siêu trang trại có quy mô lớn nhất của doanh nghiệp này, với công suất 5.000 heo nái, 60.000 heo thịt. Cùng ngày, BAF khánh thành trang trại xanh nuôi heo công nghệ cao Tân Châu với quy mô 30.000 heo thịt.

Theo thông tin từ BAF, cụm trại Hải Đăng áp dụng những công nghệ chuồng hầm hiện đại với các trang thiết bị, hệ thống quản lý tự động và xử lý nước thải được nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ. Trong đó, phân sẽ được xử lý bằng hệ thống cào, sau đó chuyển đến các tháp ủ phân. Tại đây, chất thải được ứng dụng công nghệ sinh học, tạo ra nước tưới cây, phân hữu cơ bón lúa (một sản phẩm khác của Tập đoàn Tân Long, công ty mẹ của BAF), góp phần giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam.

Tháng 9.2023, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án trang trại chăn nuôi gà theo mô hình trại lạnh khép kín do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao miền Đông Nam làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 350.000 con gà/lứa (5 lứa/năm), xây dựng trên diện tích 67.394,8m2 tại huyện Tân Châu với tổng mức vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Dự kiến dự án khởi công trong năm 2024, hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 5.2025.

Trang trại nuôi gà lông màu trên địa bàn xã Suối Ngô, huyện Tân Châu.

Nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, những năm qua, UBND huyện Tân Châu đã tập trung triển khai thực hiện gắn với Chương trình đột phá của huyện về lĩnh vực nông nghiệp, gồm trồng trọt theo hướng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, quy mô công nghiệp và bán công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2023, luôn duy trì đà tăng trưởng trên 1,81%/năm, riêng năm 2023 tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện đạt 5.241 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu Nguyễn Thị Phượng, hiện toàn huyện có 60 dự án trồng trọt (30 dự án trồng đinh lăng, 14 dự án trồng nấm, 16 dự án trồng trọt hỗn hợp), trong đó, có 8 dự án trồng trọt áp dụng VietGAP với diện tích trên 122 ha; hơn 602 ha cây trồng triển khai cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc; phối hợp ngành chuyên môn đề xuất cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho 1 cá nhân (chuối già Nam Mỹ, xã Tân Đông), cấp mã vùng nội địa cho 1 tổ chức/sản phẩm trái cây mãng cầu (Hợp tác xã Minh Trung, xã Tân Hưng).

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân trên bàn huyện đã chuyển đổi trên 200 ha sầu riêng, 600 ha chuối… đều sử dụng công nghệ cao để canh tác, hệ thống nhà màng trồng rau, cây ăn quả cũng đang hình thành.

Trên địa bàn huyện hiện có 51 dự án chăn nuôi đã được phê duyệt chủ trương đầu tư (33 dự án chăn nuôi heo, 18 dự án chăn nuôi gà), hiện có 26 dự án đã đi vào hoạt động (quy mô khoảng 2,23 triệu con), 10 dự án đang triển khai xây dựng (quy mô khoảng 605 ngàn con).

Trong thời gian tới, khi các dự án đang đầu tư đi vào hoạt động, tổng đàn gia cầm, heo trên địa bàn huyện sẽ còn tăng mạnh và đóng góp đáng kể vào tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện (hiện bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 4.900 tỷ đồng/năm).

Bên cạnh đó, vừa qua, huyện Tân Châu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận Vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Newcastle và Cúm gia cầm, đây là tiền đề rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chăn nuôi hướng tới xuất khẩu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm.

Theo quy hoạch đến 2025, trên địa bàn huyện Tân Châu có 2 vùng được quy hoạch cho các dự án trồng trọt kết hợp chăn nuôi, gồm đất của Công ty cao su 1.5 và Nông trường Thanh niên Xung phong tại xã Suối Dây, vùng chăn nuôi xã Suối Ngô quy mô 40.000 con heo thịt. Giai đoạn 2025-2030, huyện thực hiện quy hoạch 1 vùng trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi trên phần diện tích đất công ty mía đường tại xã Tân Hội và 1 vùng trồng cây công nghiệp, cây dược liệu là đất của Công ty cao su 1.5 tại xã Tân Đông được giao về địa phương quản lý.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục