BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Châu: Xây dựng kênh tiêu là giải pháp quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển  

Cập nhật ngày: 15/05/2021 - 08:18

BTN - Thời gian qua, tỉnh chú trọng công tác đầu tư công trình hạ tầng thuỷ lợi, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà, trong đó có nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Ðơn vị thi công khẩn trương để công trình kênh tiêu Hội Thạnh hoàn thành vào cuối tháng 8.2021.

Hiệu quả thiết thực

Việc tỉnh đầu tư nhiều dự án hệ thống kênh tiêu trên địa bàn các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu nhằm giải quyết tình trạng ngập úng tại các vùng đất này vào mùa mưa- vốn tồn tại nhiều năm qua- làm người dân địa phương hết sức phấn khởi. Dự án bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực; người dân bắt đầu chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây có giá trị kinh tế cao.

Tại huyện Tân Châu có 2 dự án kênh tiêu được tỉnh triển khai đầu tư gồm hệ thống kênh tiêu Hội Thành - Hội Thạnh (xã Tân Hội) và Tân Phú - Tân Hưng. Ðến nay, công trình kênh tiêu Hội Thành đã thi công hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Người dân xã Tân Hội cho biết, trước đây khu vực này trồng cây mì là chính. Hằng năm, khoảng tháng 7 đến tháng 9, mưa nhiều, khu vực này bị ngập, có lúc ngập sâu từ 0,5-1m, kéo dài từ 1-1,5 tháng. Vì vậy, nếu mùa mưa đến sớm, người dân phải nhổ mì chạy ngập, củ mì còn non không đạt chất lượng; thậm chí có trường hợp không kịp nhổ, cây mì bị ngập nặng phải bỏ, nông dân lỗ nặng.

Hệ thống kênh tiêu hoàn thành đã phát huy hiệu quả. Ðang mùa mưa nhưng các vùng ngập trước đây không còn bị ngập, tuyến kênh tiêu thoát nước triệt để. Một số hộ dân đã chuyển sang trồng cây ăn trái và trồng mì, bước đầu kết quả khả quan, nông dân rất phấn khởi.

Riêng hệ thống kênh tiêu Hội Thạnh, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh, hệ thống kênh tiêu theo thiết kế có tổng chiều dài các tuyến kênh 16.118m, thi công hoàn thiện 9.860m, đạt 62%. Ban Quản lý và đơn vị thi công đang đẩy mạnh thi công để công trình có thể hoàn thành vào ngày 30.8.2021, kịp thời tiêu thoát nước cho mùa mưa năm nay.

Anh Nguyễn Văn Khanh, ngụ ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội- nơi dự án đang triển khai, vừa theo dõi tiến độ thi công, vừa mở điện thoại cho chúng tôi xem cảnh vào mùa mưa năm trước, tại vị trí đang thi công bị ngập đến gần 0,5m. Còn năm nay, dù đã có nhiều cơn mưa lớn nhưng theo anh Khanh, có thể do nước mưa thoát xuống kênh tiêu đã thi công nên khu vực này không bị ngập.

Anh Khanh cho biết, khi tình trạng ngập úng vào mùa mưa tại vùng đất này chấm dứt, anh sẽ nghiên cứu chuyển đổi 2 ha trồng mì, đậu phộng trước đây sang những loại cây ăn trái có hiệu quả cao về kinh tế.

Cảnh ngập úng tại khu vực ấp Hội Thạnh vào mùa mưa năm 2018 (ảnh do người dân cung cấp).

Vẫn còn khó khăn

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh, trong quá trình triển khai 2 hệ thống kênh tiêu Hội Thành - Hội Thạnh (xã Tân Hội) và Tân Phú - Tân Hưng vẫn còn một số khó khăn, trong đó có công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo đó, phần lớn hộ dân có đất vướng vào dự án hệ thống kênh tiêu Hội Thạnh đã được chi trả tiền đền bù. Tuy nhiên, vẫn còn 2 hộ dân chưa thực hiện xong công tác đền bù; trong đó 1 hộ đã nhận 50% kinh phí đền bù và 1 hộ nhận chưa đủ tiền đền bù do chi sai một phần qua 2 hộ liền kề.

Dự án kênh tiêu Tân Phú - Tân Hưng được tỉnh đầu tư xây dựng mới tuyến kênh tiêu thoát vào kênh chính Tân Hưng có chiều dài 5,869km, tiêu nước cho lưu vực 1.485 ha, tiêu thoát nước cho khu dân cư và đất nông nghiệp. Trong đó, kênh tiêu chính có tổng chiều dài 5,869km; điểm đầu tại Trảng Sơn cắt qua đường ÐT 785 đến Bàu Tà Mun, cặp theo đường ÐT 785 và thoát vào kênh chính Tân Hưng. Dự án được triển khai thi công trong giai đoạn 2018-2020.

Hiện dự án đã triển khai thi công được 22/27 hạng mục công trình. Trong đó đoạn kênh máng bê tông cốt thép đã thi công được 276m/326m (còn lại 50m do vướng mặt bằng của một hộ dân); đoạn kênh hộp bê tông cốt thép đã thi công được 289m/313m và việc đào kênh triển khai được 5,3/5,8km.

Dự án này cũng gặp khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó có 1 hộ không nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá bồi thường thấp và 14 hộ điều chỉnh bổ sung; bổ sung bồi thường đối với phần diện tích đất không thể canh tác và diện tích mương (cũ) của 7 hộ dân; bổ sung một số hạng mục theo đề nghị của UBND các xã Tân Phú và Tân Hưng, đồng thời gia cố lát mái để bảo vệ nhà dân tránh sạt lở.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để các dự án sớm hoàn thành, đưa vào phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hệ thống cống qua đường 785, đoạn xã Tân Hưng vẫn chưa thể thông do còn vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Tân Châu sẽ ðẩy mạnh chuyển ðổi cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Thành- Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, dự án kênh tiêu Hội Thành - Hội Thạnh sẽ tiêu thoát nước cho khoảng 800 ha và dự án Tân Phú - Tân Hưng tiêu thoát nước diện tích khoảng 500 ha trên địa bàn xã Tân Phú và Tân Hưng. Ðịa phương đang tích cực giải quyết dứt điểm tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng để công trình thi công kịp tiến độ.

Huyện Tân Châu đang có định hướng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa điểm trên, khuyến khích người dân áp dụng nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ðối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 4522/QÐ-UBND ngày 21.11.2017 về kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của huyện. Trong đó có việc quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời khuyến khích người dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu thị trường; xác định cây trồng theo thứ tự ưu tiên như cao su, mía, mì, cây ăn quả chất lượng cao, rau VietGAP; vật nuôi chủ lực như bò thịt, trâu thịt, heo thịt, dê, gà.

Ngày 22.4.2021, UBND huyện Tân Châu ban hành Kế hoạch 77/KH-UBND về việc thực hiện giải pháp đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: trồng trọt theo hướng công nghệ cao và chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, quy mô công nghiệp và bán công nghiệp.

Thế Nhân