Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Chiều 23/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ cương vị Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 với 476/477 phiếu tán thành (99,79%). Ngay sau khi tuyên thệ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chia sẻ trước Quốc hội: "Có người muốn hỏi, muốn biết tâm trạng tôi lúc này như thế nào. Tôi nói thực là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được Quốc hội và nhân dân tin cậy yêu mến, lo làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước".

Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định đây là thời khắc lịch sử. Tổng bí thư được bầu làm Chủ tịch nước là một động thái cho thấy sự nhất quán trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định, Tổng bí thư làm Chủ tịch nước sẽ có những tác động tích cực đến đường lối đối ngoại và vị thế quốc tế của Việt Nam cũng như tiếp tục đẩy mạnh những vấn đề trọng yếu trong nước: chống tham nhũng và cải cách tư pháp.


Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ trước Quốc hội chiều 23/10. Ảnh: Ngọc Duy.

Vị thế Việt Nam

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phân tích: Về đối ngoại, với bản lĩnh chính trị và uy tín trong thời gian dài của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông làm Chủ tịch nước thì vị thế ngoại giao của Việt Nam cũng sẽ được nâng lên.

Đồng quan điểm, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ có vị thế để gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu quốc gia khác, tiến tới các thỏa thuận thực chất dưới dạng tuyên bố chung.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS, Mỹ), cũng nhắc lại chuyến thăm Mỹ vào năm 2015 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

“Từ đây về sau, tôi tin rằng các chuyến công du nước ngoài của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ càng thuận lợi hơn”, ông Hiebert nói với Zing.vn.

Tiến sĩ Nicholas Chapman, chuyên gia về chính trị Châu Á thuộc Đại học quốc tế Nhật Bản, đúc kết: “Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, cấu trúc chính trị Việt Nam trở nên tương thích hơn để hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Trước đây, theo thông lệ ngoại giao, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không có một người đồng cấp ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Anh… Với cương vị mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể công du nước ngoài nhiều và các thủ tục ngoại giao cũng sẽ suôn sẻ hơn”.

Chống tham nhũng

Về công tác phòng chống tham nhũng, ông Vũ Mão cho rằng Tổng bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là mô hình tốt, thời gian qua đã đem lại hiệu quả nhất định. “Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì quyền lực là cao nhất, là tổng tư lệnh chỉ đạo trên mặt trận chống tham nhũng”, ông Vũ Mão nói với Zing.vn.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc chiến chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng với hai từ khóa "lò nóng" và "củi tươi". Các chuyên gia quốc tế cho rằng sự nhất quán trong công cuộc chống tham nhũng đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực từ dư luận trong nước cũng như giới đầu tư nước ngoài.

Giáo sư Zachary Abuza, Học viện chiến tranh Mỹ, nói: "Kể từ tháng 12/2016, thời điểm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động công cuộc chống tham nhũng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức mạnh và ổn định. Hiện nay, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi ấn tượng với nhấn mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ ‘cấp chiến lược’. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang mạnh tay xử lý hàng loạt quan chức cao cấp sai phạm, từ trung ương tới địa phương”.

Chống tham nhũng được dự báo sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy

Giáo sư Thayer nói: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống quan liêu giấy tờ và đưa các chính sách đi vào triển khai nhanh hơn. Ông Nguyễn Phú Trọng cam kết sâu sắc đối với việc chấm dứt nạn tham nhũng và chiến dịch chống tham nhũng trong hàng ngũ quan chức cấp cao chắc chắn sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn”.

Tiến sĩ Chapman đúc kết: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn là người cam kết sâu sắc với cuộc chiến chống tham nhũng. Tôi cũng tin rằng ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh khôi phục đạo đức trong Đảng. Triệt tiêu mọi mâu thuẫn lợi ích là cực kỳ tối quan trọng để ngăn ngừa tham nhũng. Tôi tin rằng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ đặt trọng tâm vào việc triệt tiêu mọi mâu thuẫn và lợi ích nhóm ngáng đường công cuộc chống tham nhũng”.

Song song đó, các chuyên gia cũng nhận định, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp, vốn được quy định trong thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Ông Chapman nhận định: “Cải cách tư pháp là một công cuộc lâu dài. Tôi cho rằng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ là người gieo trồng hạt giống cho công cuộc làm sạch này và xây dựng những trụ cột chống đỡ cho động lực chống tham nhũng. Cải cách tư pháp không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai trong khi những nỗ lực chống tham nhũng thì dễ thấy hơn. Dù vậy, tôi vẫn trông chờ ông Trọng sẽ có những cải cách sâu rộng hơn”.

Với việc đắc cử chức danh Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành vị lãnh đạo trải qua 3 chức danh chủ chốt, gồm Chủ tịch Quốc hội (từ 6/2006 đến 7/2011), Tổng bí thư (từ 1/2011), Chủ tịch nước (từ 23/10/2018).

Nguồn Zing