BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Đông: Từ những trường hợp nghi nhiễm chất độc da cam

Cập nhật ngày: 17/07/2009 - 04:34

Theo người nhà của anh Sống (bên phải) thì có lẽ anh chẳng sống được bao lâu nữa

Ông Nguyễn Văn Hào, thương binh 4/4, từng sống và chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Vợ chồng ông có được 7 người con. Trong số đó có 3 người con trai sinh sau chiến tranh đều có những biểu hiện không bình thường về mắt. Tháng 5.2009, ông Hào đưa đứa con trai út là Nguyễn Trọng Hiếu, 13 tuổi, đi khám tại Trung tâm Y tế Tân Châu, được cho biết là Hiếu đang bị mờ dần. Trước đó khoảng năm 2005, ông Hào có đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Tân Châu xin làm thủ tục giám định sức khoẻ để được hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam theo quy định của Nhà nước, tuy nhiên, ông chủ tịch Hội cho biết chưa có đợt giám định. Ông cũng đã báo với Ban Lao động – Thương binh và Xã hội của xã nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy gì.

Trường hợp thứ hai là của ông Nguyễn Hoàng Tấn, cũng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1975, hai ông bà sinh được một người con trai, tên là Nguyễn Hoàng Sống. Khi mới sinh ra, cậu bé cũng bình thường nhưng càng lớn lên càng có những biểu hiện bất thường. Hiện tại, chân tay của anh Sống bị dị tật, ngón tay co rút, trí não phát triển không bình thường, việc ăn uống, đi lại rất khó khăn, đã thế lại còn bệnh tật triền miên. Cứ mỗi tuần, ông Tấn lại phải cho con trai vô nước biển để duy trì sức khoẻ. Chỉ riêng việc cho đứa con 34 tuổi ăn thôi cũng đã đủ mệt với người cha thương binh 3/4.

Trường hợp tương tự là của ông Nguyễn Ngọc Hưng. Thời chiến tranh, ông Hưng là y sĩ quân y, đóng quân ở vùng Sông Bé. Ông Hưng tham gia bộ đội từ năm 1961, đến 1981 thì ra quân. Ông có tất cả 6 người con: 5 trai, 1 gái. Trong số đó, chỉ duy nhất có một cậu con trai là hoàn toàn bình thường (hiện anh này đang làm giáo viên) còn lại những người con khác đều ít nhiều có biểu hiện bất thường. Riêng người con trai tên Nguyễn Ngọc Trúc Huỳnh, sinh năm 1987 là bị nặng nhất. Từ khi sinh ra đến nay, anh Huỳnh chưa hề biết gọi tiếng mẹ, tiếng ba! Hằng ngày gia đình phải cử người trông coi, vì anh hay đi lang thang.

Ông Hưng cho biết, ông đã hơn một lần ra báo với Ban Lao động – Thương binh và Xã hội của xã Tân Đông để xin đưa con đi giám định sức khoẻ nhưng chưa lần nào có câu trả lời cụ thể. Đến nay, con ông vẫn chưa được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào.

Chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng Ban LĐTB&XH xã Tân Đông và được cho biết, xã đã ghi nhận 3 trường hợp này, nhưng chưa nhận được hồ sơ xin đi giám định các trường hợp nêu trên.

Bà Ngô Thị Lợi, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Châu nói rằng, nếu đúng cả ba trường hợp trên đều là nạn nhân chất độc da cam, cán bộ chức năng của xã cần sớm lập hồ sơ kê khai. Sau khi kê khai xong, hội đồng xét hồ sơ của xã sẽ xem xét bước đầu. Nếu hồ sơ đủ điều kiện thì xã sẽ chuyển về Phòng LĐ-TB&XH Tân Châu. Sau đó Phòng sẽ chuyển tiếp về tỉnh. Tiếp theo, mới tổ chức đưa đi giám định xem có đủ điều kiện được hưởng trợ cấp hay không.

Một số cán bộ khác đang làm việc tại xã Tân Đông như ông Bùi Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, ông Phạm Văn Đảo - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh đều nói rằng, việc cả ba cựu chiến binh sống và kháng chiến trong vùng địch rải chất khai hoang là không có gì phải nghi ngờ, những đứa con sinh ra bị tật nguyền vẫn còn đó. Tháng 3.2009, Hội Chữ thập đỏ đã lập danh sách con của nạn nhân nghi bị nhiễm chất độc da cam đưa sang Ban LĐ-TBXH của xã nhưng được trả lời là “chưa có đợt”. Ông Đảo cho rằng, các ngành chức năng, đặc biệt là Phòng LĐTB&XH huyện Tân Châu cần tích cực hơn nữa để đưa các nạn nhân đi giám định càng sớm càng tốt.

Theo chúng tôi, những đề nghị của các cựu chiến binh và các cán bộ cơ sở là chính đáng. Cần sớm xúc tiến các thủ tục cần thiết để có câu trả lời rõ ràng về các trường hợp nghi nhiễm chất độc da cam nêu trên. Không nên để kéo dài sự thắc mắc, bức xúc của những người trong cuộc. Trong số 3 gia đình mà chúng tôi tiếp xúc, trừ gia đình ông Hưng đời sống không đến nỗi nào, còn 2 gia đình ông Hào và ông Tấn đang rất khó khăn chật vật. Những người con của ông Hào thì mắt cứ suy yếu dần, còn con trai ông Tấn thì sức khoẻ quá kém, có thể không sống được bao lâu nữa.

VIỆT ĐÔNG