BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tận dụng máy tính cũ

Cập nhật ngày: 23/06/2011 - 02:33

Cuối cùng, bạn cũng "tậu" máy tính (PC) mới với dung lượng bộ nhớ lớn, nhiều nhân xử lý, card đồ họa hiện đại. Từ thời điểm này trở đi, chiếc PC cũ sẽ phải xếp xó – và bạn cảm thấy tội lỗi khi có ý định "sa thải" người cộng sự ngày nào. Thực ra, PC cũ vẫn có ích trong một số trường hợp.

Bạn có thể biến PC cũ thành thiết bị lưu trữ mạng với tiện ích FreeNAS

1. "Hóa thân" thành máy chủ

Nếu bạn có một mạng máy tính nội bộ (LAN) tại nhà thì việc sử dụng lại một PC cũ dưới dạng một thiết bị lưu trữ mạng (NAS - Network Attacked Storage) hoặc thậm chí dưới dạng một máy chủ thực sự có thể là giải pháp thích hợp.

Tuy nhiên, việc ghép thêm một PC cũ vào mạng không đơn giản chút nào. Hầu hết PC đều không được cấu hình để "vào vai" máy chủ hay hệ thống lưu trữ. Với nhiệm vụ đầu tiên (làm máy chủ), PC hầu như chắc chắn sẽ tiêu tốn nhiều điện. Bạn sẽ muốn thiết lập tính năng quản lý điện năng trong BIOS để vận hành quạt làm mát ở chế độ im lặng - nếu hệ thống có tùy chọn này. Bạn cũng sẽ cần thiết lập hệ điều hành để hệ thống không tắt ở những thời điểm không thuận tiện hay hoạt động ở chế độ ít tiêu thụ điện năng khi không được sử dụng.

Bạn cũng cần nhớ, nhiều khả năng bạn sẽ muốn chạy máy chủ của mình theo cách “không đầu” (không có màn hình), và không có cả bàn phím và chuột. Trong khi cần một thiết bị hiển thị và các thiết bị đầu vào để thực hiện việc cấu hình trong lúc đầu, bạn phải bảo đảm hệ thống sẽ hoạt động chính xác khi không có những thành phần đó. Cạnh đó, hệ điều hành mà PC đang dùng thường không phù hợp với các ứng dụng lưu trữ, đặc biệt cho nhiều người dùng. Windows XP, Vista hoặc Windows 7 có thể đảm nhận tốt việc lưu trữ cho vài ba người dùng, tuy nhiên bạn sẽ muốn tạo tài khoản riêng cho mỗi người dùng cần truy xuất hệ thống lưu trữ dùng chung này.

Một giải pháp tốt hơn đó là cài đặt HĐH mạng thích hợp. Một chọn lựa mà bạn có thể xem xét là Windows Home Server. Tuy nhiên, phiên bản này có giá trên 100USD và có thể yêu cầu phần cứng mới hơn.

Lựa chọn khác là phần mềm nguồn mở FreeNAS (find.pcworld.com/71101) được thiết kế để biến một PC thành một thiết bị NAS và hoạt động trên nền tảng FreeBSD, một biến thể của HĐH Unix. 2. Làm từ thiện

Nếu PC của bạn không quá cỗ thì hãy nghĩ đến việc tặng từ thiện cho một ngôi trường tại địa phương hay bất kỳ nơi đâu mà bạn thấy cần thiết. Nếu chọn cách này, bạn hãy cân nhắc mua vài phần mềm giáo dục giá rẻ và cài đặt vào máy tính trước khi đem tặng. Đồng thời, giống như khi bán hay vứt bỏ PC, bạn nên gỡ bỏ tất cả phần mềm đã được cài đặt trong PC cũ. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo cung cấp tất cả thông tin liên quan đến bản quyền của các phần mềm trên PC mà mình chuẩn bị làm từ thiện.

Tại Việt Nam, hiện có nhiều câu lạc bộ/đội nhóm, điển hình như Tin Học Xanh (www.tinhocxanh.org) đứng ra thu gom máy tính và linh kiện cũ để láp ráp lại thành những bộ máy hoàn chỉnh, sau đó mang tặng cho những nơi cần thiết, vùng xâu vùng xa.

Bạn có thể trải nghiệm Ubuntu trên PC cũ mà không ngại làm hỏng toàn bộ hệ thống

3. Biến PC cũ thành hộp "thí nghiệm"

Thực tế cho thấy, việc cố gắng tạo ra một hệ thống khởi động đôi (chạy cùng lúc 2 HĐH) sẽ đẩy PC "chủ công" đến bờ vực của sự nguy hiểm. Do đó, với PC cũ, bạn có thể thoải mái cài đặt và thử nghiệm mọi tính năng của Linux, từ HĐH cho đến ứng dụng trong khi vẫn giữ lại HĐH Windows hiện hữu.

Bạn có thể chọn Ubuntu (ubuntu.com), một phiên bản "gợi cảm" của Linux. Điều đáng quan tâm đối với Linux là tất cả thành phần tích hợp đều hỗ trợ các phần cứng đời cũ, vì thế việc cài đặt thường dễ dàng – thực tế, cài đặt Ubuntu đôi khi đơn giản hơn so với cài đặt Windows. Cạnh đó, có nhiều phần mềm Linux đang chờ đợi người dùng trải nghiệm.

Ngoài ra, người dùng có thể chọn vài HĐH trên nền tảng Unix như FreeBSD hay PC-BSD (dựa trên phiên bản Berkeley Unix) cho đến OpenSolaris, phiên bản Unix của Sun Microsystem.

4. Tặng cho người thân

Nhiều người chọn cách này với PC cũ. Đôi khi, PC cũ với card đồ họa tầm trung hay phổ thông của bạn lại có thể là "người hùng" đối với những nhu cầu sử dụng đơn giản như duyệt web hay ứng dụng văn phòng. Trong khi đó, với trẻ nhỏ, nhiều khi PC cũ của bạn lại không được "chào đón" bởi chúng thường đòi hỏi hiệu năng cao hơn để chơi game, giải trí đa phương tiện.

Ngoài ra, tặng máy cho thành viên gia đình cũng đồng nghĩa từ bây giờ bạn đã trở thành người hỗ trợ kỹ thuật (tham khảo thêm kinh nghiệm của công việc này tại địa chỉ find.pcworld.com/70375).

Giống khi tặng máy cho trường học, bạn cũng sẽ muốn xóa sạch mọi dữ liệu có trên đĩa cứng và cài đặt lại HĐH. Nếu PC cũ của bạn là máy hãng thì bạn có thể khôi phục lại tình trạng nguyên thủy từ phân vùng gốc hay đĩa khôi phục hệ thống đi kèm. 

Bạn có thể "tặng" PC cho các dự án điện toán phân tán như Folding@Home.

5. Tặng PC cho dự án điện toán phân bố

Bạn muốn làm một điều tốt gì đó cho cộng đồng? Bạn nghĩ gì về việc tặng PC cũ của mình cho một trong những dự án xử lý phân tán công cộng? Nổi tiếng nhất trong những dự án dạng này là Folding@Home (http://folding.stanford.edu/Vietnamese/Main), tập hợp tài nguyên điện toán trên toàn thế giới để giúp đỡ việc nghiên cứu "xoắn" protein, một phần tử thiết yếu trong việc hiểu cơ chế của nhiều loại bệnh. Ngoài ra, bạn có thể tham gia dự án SETI@HOME, chuyên nghiên cứu sự thông minh ngoài trái đất cũng như các dự án nghiên cứu khác (tham khảo thêm tại địa chỉ find.pcworld.com/71059).

6. Hoạt động như máy chủ game

Bạn có một game dạng nhiều người chơi (multiplayer) ưa thích nào không? Nếu có, bạn xem thử có phải đây là loại game mà bạn có thể tạo một máy chủ (server) trên PC hiện tại của mình không. Nếu phải, hãy biến PC cũ thành máy chủ chơi game chuyên dụng, tuy nhiên bạn cần lưu ý đến vấn đề hiệu năng.

7. Chơi game “xưa”

Liên quan đến ý tưởng tạo máy chủ cho game, bạn có thể xem xét việc thay đổi mục đích sử dụng của PC cũ để chơi game “cũ mà hay”. Ví dụ, bạn có thể cài Windows 98 để chơi các trò chơi cũ trên nền Windows 95 hay trò chơi trên nền DOS. Các dịch vụ trực tuyến như Steam và Impulse cung cấp các game cũ nhưng đã được viết lại để có thể chơi trên các HĐH mới, trong khi đó DOSBox cho phép bạn giả lập một môi trường DOS vì thế bạn có thể "sống lại" cùng các game cổ điển.
Có lẽ website cung cấp các game dành cho PC cũ hoàn chỉnh nhất chính là Good Old Game (www.gog.com). GOG cung cấp nhiều tựa game cũ, tất cả có thể chạy tốt trên các HĐH mới.

Bạn yêu thích game dạng arcade? Hãy cài đặt một phần mềm giả lập máy chơi game dạng arcade (MAME - Multiple Arcade Machine Emulator) như ExtraMAME (tải về tại địa chỉ find.pcworld.com/71102). Phần mềm này sẽ cho phép bạn chơi game dạng arcade và game được viết cho các hệ console cũ với điều kiện là bạn có thể truy xuất các tập tin ROM và tập tin liên quan để khởi chạy trò chơi.

Bạn có thể chơi các game dạng arcade nhờ tiện ích MAME

 

8. Máy chủ dự phòng

Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số và thường sử dụng tiện ích 3dsmax, Adobe After Effects hoặc Sony Vegas thì việc có thêm một PC để trợ giúp các tác vụ dựng hình (render) có thể thực sự đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án phức tạp.

Mỗi tiện ích đều có khác biệt nhỏ, do đó bạn cần tham khảo kỹ tài liệu. Thông thường, bạn cài tiện ích "nhẹ" nhất trên PC cũ, có nhiệm vụ nhận dữ liệu từ PC chính để xử lý và sau đó gửi trả kết quả khi đã hoàn tất. Trên PC chính, tiện ích chính sẽ có nhiệm vụ tổng hợp và nối kết các kết quả dựng hình từ nhiều hệ thống phụ trên mạng khác.

Trò chơi Team Fortress 2 cho phép tạo máy chủ để nhiều người cùng "tác chiến"

9. Máy chủ dữ liệu cho mạng gia đình

Nhiều gia đình thường để một PC ở phòng khách hay phòng sinh hoạt chung để duyệt web, kiểm tra email hay dùng cho trẻ nhỏ làm bài tập. Với PC cũ, bạn dễ dàng làm được điều này. Bạn có thể biến PC cũ thành một máy chủ dữ liệu dùng chung cho toàn bộ mạng trong nhà, vì thế mọi người có thể truy xuất tập tin bất kể đang sử dụng máy tính cá nhân hay máy tính dùng chung. Với PC này, bạn cần trang bị phần mềm bảo mật để ngăn chặn các phần mềm nguy hại xâm nhập hệ thống.

10. Tận dụng phần cứng cũ

Nếu bạn có khuynh hướng tự ráp máy tính thì có thể bạn sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí cho PC mới bằng cách tận dụng nhiều linh kiện từ PC cũ như thùng máy (case), ổ quang, bộ nguồn và thanh nhớ (RAM).

Tùy thuộc vào mức độ sử dụng lại các linh kiện phần cứng, thì sự khác biệt giữa PC mới và PC được nâng cấp sẽ hình thành. Nếu thay bộ xử lý, bo mạch chủ, bộ nhớ và đĩa cứng mới nhưng giữ lại thùng máy, ổ quang thì theo bạn đó là PC mới hay nâng cấp? Bằng cách này, bạn sẽ còn thừa vài món phần cứng cũ, và có thể bạn sẽ sử dụng lại chúng vào một dịp khác trên một chiếc PC cũ nào đó.

11 Bán "ve chai"

Tại Mỹ, nhiều người dùng thường mang PC cũ lên eBay để rao bán. Còn tại Việt Nam, nếu quen một tiệm sửa chữa vi tính nào, hãy nhờ họ bán giúp bạn PC cũ của mình - dĩ nhiên, giá sẽ rất rẻ. Do đó, vài người dùng có thói quen "lưu kho" PC cũ để có thể thay thế PC đang dùng nếu chẳng may có sự cố đột ngột như hư đĩa cứng, nhiễm virus v.v

H.T (st)


 
Liên kết hữu ích