BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Hoà: Bài trường ca… thiếu nước

Cập nhật ngày: 27/02/2011 - 11:09

Giếng nước gia đình ông Mười phải hạ mô tơ xuống 5- 6 mét

Ông Vũ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) cho biết: “Hiện nay hầu hết người dân ấp Cây Cầy đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Chúng tôi đã tìm được nguồn nước ngầm rất mạnh nhưng phải chờ đến mùa khô này để kiểm tra lại”.

Nhiều giếng nước bắt đầu cạn

Ông Trần Văn Đổi, 56 tuổi, ngụ ấp Cây Cầy mở nắp giếng nước phía sau nhà cho chúng tôi xem, cái giếng sâu khoảng 14 mét chỉ còn lại một ít nước.

Ông Đổi cho biết, từ hàng chục năm nay, năm nào cũng vậy, cứ khoảng sau Tết Nguyên đán là giếng nước nhà ông bắt đầu cạn. Thời điểm này mỗi ngày ông còn có thể bơm được một khối nước nhưng chỉ khoảng một tháng nữa thôi là phải lấy gàu vét từng tí một, và đến khoảng tháng 3 âm lịch là giếng hoàn toàn khô cạn. Từ đó đến mùa mưa năm sau ông phải mua nước để sử dụng. Ông Đổi nhớ lại: “Năm ngoái, trung bình mỗi ngày tôi phải mua 1,5m3 nước về xài. Giá nước lúc đó từ 30.000 đồng – 40.000 đồng/m3”. Cũng vì thiếu nước nên bao năm qua, gia đình ông Đổi không dám trồng cây gì, chỉ nuôi một vài con bò, heo để cải thiện kinh tế gia đình.

Tôi gặp anh Nguyễn Văn Hai, 37 tuổi, ngụ cùng ấp Cây Cầy khi anh vừa điều khiển xe máy kéo chở nước sinh hoạt về nhà. Anh kể: 7 năm  nay, anh đều dùng xe máy kéo nhỏ đi mua nước ở nơi khác về, vừa để dùng trong nhà vừa bán lại cho bà con trong xóm. Nước anh phải mua với giá 10.000 đồng/m3, bán lại 30.000 đồng - 40.000 đồng/m3. Trừ chi phí, mỗi khối nước anh kiếm được 15.000 đồng. Mỗi ngày anh bán được 7 - 8m3  nước. Theo lời anh: “Những năm trước, nhiều khi nước không đủ để bán, tôi phải dành ưu tiên cho những gia đình có đám tiệc. Những nhà còn lại không mua được nước, chửi om sòm”.        

Gia đình ông Nguyễn Văn Mười, trưởng ấp Cây Cầy cũng không thoát cảnh “khát nước” triền miên trong mùa khô như nhiều bà con khác trong ấp. Mới nay mà cái giếng nước trước sân nhà ông đã sắp cạn. Ông phải hạ mô tơ xuống khỏi miệng giếng khoảng 5 – 6 mét, gần như bơm tối ngày vậy mà vẫn không đủ nước để dùng. Nhà ông cũng như nhiều nhà khác, cứ mùa khô hằng năm, lại phải mua nước để ăn, uống, tắm giặt… Ông cho biết: “Trong ấp hiện có 217 hộ dân với hơn 720 nhân khẩu, hầu hết đều thiếu nước sinh hoạt. Trước đây, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng cho ấp Cây Cầy một trạm cung cấp nước sạch nhưng công suất nhỏ và không có đường ống dẫn chính nên không đáp ứng đủ nhu cầu. Mùa khô, không đủ nước, người dân phải chờ lấy nước từng thùng một đem về dùng. Việc thiếu nước tắm, giặt có phần làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Các loại cây trồng như mía, mì và một số loại cây ăn trái khác do không có nước tưới nên năng suất không cao. Nguyện vọng thiết tha của bà con nhân dân trong ấp từ bao năm nay là mong được Nhà nước đầu tư xây dựng trạm cung cấp nước sạch”.

Sắp tới, Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh sẽ mở rộng khai thác vùng nguyên liệu 100 ha trên khu vực giáp ranh ấp Cây Cầy. Khi ấy, sẽ thu hút thêm nhiều lao động đến đây. Khu dân cư mở rộng chắc chắn càng làm tăng thêm áp lực về nhu cầu nước sinh hoạt, đó là điều cần phải tính đến.

Le lói hy vọng

Nước của Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh cung cấp cho ấp Con Trăn

Nhìn từ xa, xã Tân Hoà toạ lạc trên một vùng đất cao. Về địa chất, Tân Hoà là vùng đất đá vôi. Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa khô, không chỉ ấp Cây Cầy, mà các ấp Cây Khế, Con Trăn và Tân Thuận của Tân Hoà đều bị khô hạn. Những năm trước, 4 ấp trên đã được huyện Tân Châu đầu tư xây dựng 6 trạm cung cấp nước sạch (3 trạm tại chỗ, 3 trạm có đường truyền). Nhưng vì đặc thù địa chất của Tân Hoà là đá vôi nên các trạm cung cấp nước này mau bị tắt nghẽn, dẫn đến công suất ngày càng giảm. Năm 2010, Cây Cầy và Con Trăn là hai ấp gặp khó khăn nhiều nhất về nước sinh hoạt. Trong đó, ấp Con Trăn có khoảng 200 hộ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đã được Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh chia sẻ từ nguồn nước sản xuất của nhà máy (tương đương với 200m3 nước/ngày). Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, vấn đề căn cơ lâu dài là phải làm sao tìm được nguồn nước độc lập cho hai ấp. Năm qua, UBND xã Tân Hoà đã liên kết doanh nghiệp tư nhân Sơn Anh chuyên khai thác nước ngầm (ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) để tiến hành khoan thăm dò và tìm được mạch nước ngầm có trữ lượng khá cao.

Ông Vũ Văn Minh phấn khởi cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy mạch nước ngầm và đã khoan thử hai giếng với độ sâu 70 mét, ở ấp Cây Cầy. Kết quả, mỗi giếng đạt công suất hơn 10m3/giờ. Tuy nhiên, thời điểm bơm thử là vào mùa mưa nên chưa đánh giá chính xác trữ lượng nước của mạch nước ngầm, phải chờ đến đỉnh điểm của mùa khô (vào khoảng cuối tháng 4) sẽ bơm thử lại một lần nữa. Nếu bơm suốt 15 ngày đêm mà nước vẫn không cạn thì chúng tôi sẽ đề xuất lên UBND huyện cho xây dựng một trạm cung cấp nước sạch tại đây”. Theo ước tính ban đầu, nếu trạm nước ấy được xây dựng thì sẽ có công suất 600m3/ngày đêm, đủ khả năng cung cấp nước sạch cho khoảng 3.000 dân của hai ấp Cây Cầy, Con Trăn trong tương lai. 

Hãy tự “cứu lấy mình”

Trên thực tế cho thấy, tình hình thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô không chỉ xảy ra với người dân xã Tân Hoà, mà còn có ở nhiều nơi khác. Chẳng hạn như ở 3 xã cánh Tây của huyện Trảng Bàng và một số xã biên giới huyện Bến Cầu. Ở những xã kể trên, mọi người biết cách “sống chung với tình trạng thiếu nước” bằng cách xây bồn hoặc đặt nhiều lu, khạp to để trữ nước mưa sử dụng vào mùa khô. Thiết nghĩ, trong khi chờ “giải hạn” cho bài “trường ca thiếu nước” cứ đến hẹn lại lên, bà con địa phương xã Tân Hoà có thể khắc phục khó khăn bằng cách xây bồn tích trữ nước mưa như nhiều nơi khác đã làm.

Dương Việt Đông