Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tân Hoà - xã mới làng xưa
Thứ bảy: 00:06 ngày 19/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tân Hoà là một xã mới của huyện Tân Châu. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Tân Hoà là cứ điểm hết sức quan trọng, chính vì vậy mà mảnh đất này phải hứng chịu không ít mưa bom bão đạn. Từ sau hoà bình, nơi đây mới dần hồi sinh, từng bước thay da đổi thịt.

Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh.

Vùng đất Tân Hoà nằm chệch về hướng Ðông - Bắc của huyện Tân Châu, xa xưa nơi đây chủ yếu là rừng rậm, chỉ có vài phum nhỏ của bà con dân tộc Khmer sinh sống. Mãi đến năm 1862, khi tổng Bang Chrum được thành lập với ba làng là Prey Toch, Con Trăng và Chrum Srey (đúng ra phải là Bang Chrum Chrey), thì nơi đây mới trở thành địa danh hành chính thực sự. .

Ðến năm 1891, làng Con Trăng nhập vào Prey Toch; năm 1957 tất cả các làng này đều nhập vào xã Khedol của tổng Chơn Bà Ðen, sau đổi thành tổng Lộc An. Ðến năm 1958 xã Khedol vô cùng rộng lớn ấy lại đổi tên thành xã Tân Hưng, và cũng trong năm này, xã Tân Hưng chia làm ba xã mới là Tân Hưng, Tân Hội và Tân Long. Xã Tân Long ngày ấy chính là một phần lớn diện tích của xã Tân Hoà ngày nay.

Từ năm 1959 xã Tân Long trực thuộc quận Phú Khương. Sau năm 1975, địa giới hành chính tiếp tục có nhiều thay đổi, khu vực này một phần thuộc về Tân Biên, một phần thuộc về Dương Minh Châu. Mãi đến năm 1989, khi huyện Tân Châu được thành lập, phần đất này chính thức thuộc về huyện mới Tân Châu.

Nhưng phải đợi đến ngày 28.5.1994, cái tên xã Tân Hoà mới chính thức ra đời, với diện tích tự nhiên 262,32km2, lớn hơn cả huyện Gò Dầu và gấp ba lần diện tích thị xã Hoà Thành ngày nay. Tuy đất thưa rộng nhưng Tân Hoà rất ít dân, mật độ dân số chỉ tầm 30 người/km2. Dân cư chủ yếu tập trung ở sáu ấp là Trảng Trai, Suối Bà Chiêm, Tân Thuận, Cây Khế, Cây Cầy và Con Trăn (không còn làng Con Trăng xưa), còn lại chủ yếu là đất rẫy và đất rừng phòng hộ.

Sông Sài Gòn.

Ngày nay, muốn đến Tân Hoà không khó. Từ Bình Phước, qua cầu Sài Gòn là tới xã Tân Hoà. Còn đi từ thị trấn Tân Châu thì có hai đường chính. Thứ nhất là theo đường 785 đến ngã ba Kà Tum, rẽ qua đường 794 đi thẳng qua hết địa phận xã Suối Ngô là tới; thứ hai là từ Ðồng Pal theo đường 795 qua Suối Dây, lên Suối Ngô rồi đến Tân Hoà. Nói thì nghe nhanh gọn vậy, nhưng từ thị trấn Tân Châu vô tới Tân Hoà cũng bằng khoảng cách từ Tân Châu ra thành phố Tây Ninh chứ không ít, chạy xe máy cũng tầm 45 phút mới tới nơi.

Ấp Tân Thuận là trung tâm xã Tân Hoà. Xưa, nơi này là đỉnh đồi 95, dân cư còn rất thưa thớt. Chợ chỉ có vài ba cái sạp nhỏ, đường đi thì nhỏ hẹp, bùn lầy… Người dân không nhiều, chủ yếu là người ở nơi khác lên mua đất làm rẫy rồi về chứ không trụ lại, bởi mọi thứ ở đây đều quá thiếu thốn.

Nơi đây bốn mặt là rừng, sông Sài Gòn là ranh giới tự nhiên, địa thế hiểm yếu. Thời chiến tranh, khu đồi Sóc Con Trăng là cái yết hầu mà quân đội hai bên đều muốn làm chủ. Bởi nơi đây vừa giáp biên giới Campuchia vừa là con đường liên thông giữa mặt trận Bình Long - Phước Long với mật khu Dương Minh Châu.

Ðịch đã bố trí một lực lượng không nhỏ để chiếm giữ nơi này, bom đạn trút xuống kể sao cho hết. Trước khi dời về Tà Thiết, căn cứ Quân uỷ Miền đóng ở Sóc Con Trăng. Cụ thể, ngày 7.4.1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời Căn cứ Quân uỷ Miền từ Sóc Con Trăng về đóng tại Tà Thiết.

Do khí hậu Tà Thiết ít khắc nghiệt hơn Sóc Con Trăng và có rừng giải phóng rộng lớn. Ðặc biệt, Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự, rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Rừng đầu nguồn.

Dọc theo sông Sài Gòn, suối Bà Chiêm chiến sự hết sức ác liệt. Ngày 20.7.1974, Binh đoàn Cửu Long đã được thành lập trong rừng ven suối Bà Chiêm. Binh đoàn nổi tiếng này không những lập chiến công hãn mã giải phóng đất nước mà còn tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Ngày nay, dấu tích còn sót lại của Binh đoàn có lẽ là cái bến đò mang tên Cửu Long giáp với xã Tân Thành mà người dân hai xã thường qua lại.

Một điều lạ là xã Tân Hoà tuy phần lớn giáp sông và có nhiều con suối, nhưng lại là nơi thiếu nước sinh hoạt. Bởi mỏ đá vôi khổng lồ trầm tích ở nơi đây gây ảnh hưởng rất lớn đến mạch nước ngầm. Cận kề sông suối mà phải xây dựng nhà máy nước sạch, thật là quá khó khăn. Nhưng trong cái khó thì cũng có cái hay, đó là khai thác đá vôi chế tạo xi măng.

Và Nhà máy Xi măng Fico được xây dựng, khánh thành ngày 28.12.2009 tại khu vực hai ấp Con Trăn - Cây Cầy, với mức vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Sự xuất hiện của nhà máy này không những làm thay đổi diện mạo Tân Hoà mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hoá tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.

Tháp bảo vệ rừng phòng hộ.

Ðịa bàn rộng lớn, dân cư lại thưa, khoảng cách giữa các ấp là khá xa, đường sá lại không thuận tiện, cho nên việc di chuyển hết sức vất vả, thương nhất là các em học sinh đi học. Trước đây, Tân Hoà có ba trường tiểu học và hai trường THCS, nay sáp nhập còn lại hai trường. Hiện, Trường THCS Tân Hoà có điểm chính và điểm phụ Bưng Bàng, đều đang trong quá trình xây dựng mới theo chuẩn quốc gia.

Nói về địa hình, Tân Hoà cũng khác so với các xã khác của huyện Tân Châu. Ðất nơi đây phần nhiều là đất đỏ, chỉ phù hợp cho các loại cây như cao su, điều, mì. Nhiều năm qua, bà con tận dụng lợi thế này để trồng các loại cây công nghiệp. Bên cạnh đó, những hộ gần sông suối tận dụng nguồn nước để nuôi ba ba.

Nhưng cái khó là hệ thống đường giao thông. Vừa qua, đường 244 dài 13,1km nối hai ấp Trảng Trai và Suối Bà Chiêm được làm mới, bà con phấn khởi vô cùng. Ðặc biệt là đoạn đường 794 từ cầu Sài Gòn qua Con Trăn - Cây Cầy - Suối Ngô được đầu tư không khác gì đường cao tốc, là cơ hội cho Tân Hoà phát triển.

Ðào Thái Sơn

Tin cùng chuyên mục