Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Ở Khu di tích Căn cứ Xứ uỷ Nam bộ (X40)- Đồng Rùm (thuộc ấp Đồng Rùm, xã Tân Thành, huyện Tân Châu) từng có một khu an táng 6 hài cốt liệt sĩ. Hiện nay, tuy 6 hài cốt liệt sĩ đã được cất bốc, nơi này vẫn còn lại 6 ngôi mộ tượng trưng, nhưng đã bị phá phách hoang tàn, gây phản cảm đối với người dân.

|
Ông Lê Văn Chận- 67 tuổi, nguyên Bí thư Chi bộ ấp Đồng Rùm dẫn chúng tôi vào xem khu mộ. Trước mắt chúng tôi là một đám mì rộng khoảng 2 ha. Trong đám mì đó có một khoảnh đất khoảng 20 mét vuông không trồng mì, nhưng cây dại mọc um tùm. Trong lùm cây dại đó có 6 ngôi mộ giả, hầu hết đã bị sứt mẻ, hư hỏng.
Ông Chận kể, năm 1976, nơi đây thuộc Nông trường mía 22.12 của huyện Dương Minh Châu. Năm 1978, có một công ty vào đây khai hoang. Trong quá trình khai hoang, nhân viên công ty phát hiện có 5 ngôi mộ. Trước các ngôi mộ có cặm trụ lục, trên đó có khắc tên người đã hy sinh cùng với số hiệu đơn vị.
Biết đấy là khu mộ liệt sĩ, các nhân viên khai hoang chừa lại phần đất này cùng với một số cây rừng. Năm 1980, trong quá trình cày đất, những người khai hoang thấy lòi lên một bọc ni lông đen, mở ra thấy có bộ xương người với mái tóc dài, cùng với những vật dụng như gương, lược, nhưng không có tên. Nghi là hài cốt của một nữ liệt sĩ, nhân viên khai hoang đem về chôn cất cạnh 5 ngôi mộ liệt sĩ này, tạo thành một khu 6 nấm mồ.
Năm 1990, Quân khu 7 đến đây đưa 6 bộ hài cốt này về nghĩa trang chôn cất. Tuy nhiên, để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông Phạm Văn Dạnh- Giám đốc Nông trường mía 22.12 lúc bấy giờ vẫn cho giữ lại phần đất này, đồng thời cho xây lại 6 ngôi mộ giả như một khu di tích lịch sử.
Ông còn cho dựng một tấm bia bằng xi măng, trên đó khắc một bài thơ với đại ý: Không biết quê các anh ở nơi nào trên dải đất từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Chỉ biết các anh đã hy sinh trên mảnh đất này, như những người con của quê hương Tây Ninh...
Năm 1997, Nông trường mía 22.12 giải thể, UBND tỉnh giao phần đất này lại cho UBND huyện Tân Châu quản lý, sau đó cho xây dựng một Trại Cải tạo lao động. Sau một thời gian, Trại Cải tạo lao động cũng giải tán. Hiện nay, phần đất này thuộc Dự án trồng rừng 661 của hồ Dầu Tiếng.
Những ngày cuối tháng 3.2015, khi chúng tôi đến đây thì thấy các cây rừng đã bị biến mất. Trên khu mộ này chỉ còn duy nhất một cây săng đá, đường kính khoảng 40 cm, đứng trơ trọi giữa đồng.
Bản thân cây săng đá cũng đã bị kẻ xấu “ken” gốc, chưa biết cây còn sống bao lâu nữa. 6 ngôi mộ giả cũng bị hư hỏng nặng, trong đó có mộ chỉ còn là đống gạch vụn. Xung quanh các ngôi mộ rác thải, cỏ dại mọc đầy, trông rất thảm thương.
Khu di tích Căn cứ Xứ uỷ Nam bộ (X40)- Đồng Rùm là một di tích có bề dày lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc chống Mỹ. Nơi đây từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Năm 1950- 1951, từ U Minh - Đồng Tháp, Xứ uỷ Nam bộ chuyển về Đồng Rùm lập căn cứ, đặt phiên hiệu là X40, hay còn gọi là căn cứ Lê Duẩn (do đồng chí Lê Duẩn- Bí thư Xứ uỷ Nam bộ đã ở và làm việc ở đây vào năm 1950).
|
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây tiếp tục được chọn để xây dựng căn cứ của Xứ uỷ (1954- 1960) sau đó là Trung ương Cục miền Nam; một bộ phận của Mặt trận Dân tộc giải phóng; Bộ chỉ huy Miền;
Đồng thời là nơi thành lập công trường 9 (Sư đoàn 9)- Sư đoàn Anh hùng lực lượng vũ trang, đơn vị chủ lực đầu tiên ở Nam bộ. Mùa xuân năm 1966- 1967, quân chủ lực của ta mở trận tập kích đánh vào căn cứ quân sự của Mỹ tại trảng Đồng Rùm, tiêu diệt 1 lữ đoàn.
Năm 1999, Căn cứ Xứ uỷ Nam bộ (X40)- Đồng Rùm được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, ở Căn cứ Xứ uỷ Nam bộ (X40)- Đồng Rùm đã được xây dựng bia tưởng niệm để khắc ghi công ơn những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Khu mộ liệt sĩ nêu trên là một phần quan trọng của Khu di tích Căn cứ Xứ uỷ. Mặc dù hiện nay, khu mộ này đã được bốc cốt, nhưng 6 nấm mồ tượng trưng còn lại là tấm lòng tôn kính của người dân dành cho những anh hùng liệt sĩ.
Nên chăng, khu mộ này cần được trùng tu, tôn tạo và bảo quản để góp phần nhắc nhở, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nếu không thì cho phép giải toả chứ không thể để tan hoang như thế này bởi sẽ gây phản cảm cho người dân.
Đại Dương - Thái Hoà