Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tân Hội, Tân Châu: Hoà giải thành vụ tranh chấp 5 ha mía
Thứ bảy: 02:22 ngày 31/12/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trước những lời hơn lẽ thiệt, có lý có tình, cuối cùng các bên đã vui vẻ, thống nhất với đề nghị trên và ký vào biên bản hoà giải.

Ngày 27.12.2011, tại trụ sở UBND xã Tân Hội (Tân Châu) Hội đồng hoà giải của xã đã đưa ra hoà giải một vụ tranh chấp thu hoạch 5 ha mía toạ lạc tại ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, theo đơn đề nghị ngăn chặn hành vi “cố ý chiếm đoạt tài sản người khác” của bà Nguyễn Thị Lợi (SN 1966, thường trú ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội). Hội đồng hoà giải do ông Nguyễn Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã chủ trì và đại diện các ban ngành, đoàn thể của xã. Các đương sự có liên quan được UBND xã mời đến để hoà giải gồm có bà Nguyễn Thị Lợi, bà Lê Thị Thuý (SN 1960, thường trú ấp Tân Trung, xã Tân Hà). Bà Võ Thị Hồng Cẩm (thường trú ấp Tân Xuân, xã Tân Phú) và ông Nguyễn Văn Đạo (thường trú ấp Hội Phú, xã Tân Hội).

Trong đơn đề nghị giải quyết, bà Lợi trình bày: Vào ngày 5.2.2008, bà Thuý có sang nhượng cho bà Lợi 5 ha đất với giá trị 1 tỷ đồng, cùng ngày này bà Lợi đã đưa trả trước cho bà Thuý 532 triệu đồng, còn lại 468 triệu đồng hai bên thoả thuận thống nhất đến ngày 19.2.2008 bà Lợi sẽ trả tiếp 100 triệu đồng để bà Thuý đến Ngân hàng Đông Á rút sổ đỏ về sang tên cho bà Lợi… Khi làm giấy tờ và nhận đặt cọc 532 triệu đồng, bà Thuý đồng ý cho bà Lợi đổ ngọn trồng 5 ha mía, và bà Lợi đã trồng, chăm sóc, thu hoạch mía từ năm 2008 đến nay. Nhưng do việc trao trả tiền bạc nhập nhằng rối rắm nên việc sang nhượng đất không thành. Riêng cây mía trồng trên diện tích 5 ha bà Lợi vẫn chăm sóc. Nhưng vừa qua, bà Thuý lại tự ý bán mía cho bà Võ Thị Cẩm Hồng với giá 112 triệu đồng, bà Hồng đã đặt cọc cho bà Thuý 12 triệu đồng và đã cho công chặt, bốc vác được 1 xe tải mía. Bà Lợi đã đến ngăn chặn không cho chặt mía và không cho xe chở mía chạy đi, đồng thời bà làm đơn đề nghị UBND xã giải quyết giúp đỡ.

Hội đồng hoà giải xã Tân Hội hoà giải thành vụ tranh chấp thu hoạch 5 ha mía

Bà Lê Thị Thuý trình bày: bà Lợi nói như thế nhưng thực tế chưa trả tiền cho bà đồng nào cả, không thực hiện đúng hợp đồng sang nhượng đất. Vì vậy bà đã không làm thủ tục chuyển QSDĐ cho bà Lợi và ngăn chặn không cho bà Lợi trồng mía, chăm sóc mía trên đất của bà. Có điều đáng lưu ý diện tích đất 5 ha trong đó có thửa đất số 15 diện tích 30.720m2 thuộc tờ bản đồ số 109 cơ quan Thi hành án huyện Tân Châu đã kê biên và niêm phong ngày 18.2.2011, lý do là theo quyết định của 2 Bản án số 64/2010/DSST ngày 7.9.2010 của TAND huyện Tân Châu và số 25/2010/QĐ-PT ngày 22.11.2010 của TAND tỉnh Tây Ninh thì ông Trần Văn Huyền (chồng bà Thuý) cùng bà Lê Thị Thuý và con trai là Trần Văn Quy (thường trú xã Tân Hà, Tân Châu) phải thi hành hoàn trả cho bà Châu Thị Tuyết (thường trú xã Thạnh Bắc, Tân Biên) số tiền là 342.940.000đ và phải hoàn trả cho ông Văn Phú Bình, thường trú xã Tân Hà số tiền là 144.432.000đ; ngoài ra ông Huyền, bà Thuý và ông Quy còn phải nộp án phí là 24.268.600đ. Nhưng ông Huyền, bà Thuý và ông Quy không tự nguyện thi hành quyết định của toà án. Bà Thuý còn tự ý sang nhượng diện tích đất 30.720m2 (thửa đất số 15) cho ông Nguyễn Văn Đạo với số tiền là 1 tỷ 10 triệu đồng và ông Đạo đã trả cho bà Thuý 910 triệu đồng. Ngày 18.5.2011, bà Thuý đem giấy CNQSDĐ cùng ông Đạo đến Phòng Công chứng số 3 tỉnh Tây Ninh để được xác nhận hợp đồng sang nhượng đất; nhưng khi đem hồ sơ về UBND xã Tân Hội để xin xác nhận thì bị phát hiện là đất đang được cơ quan Thi hành án niêm phong, cho nên UBND xã đã không xác nhận và nhắc nhở bà Thuý phải chờ phán quyết của toà án, không được làm điều sai trái vi phạm pháp luật. Vậy mà bà Thuý vẫn sang nhượng đất cho ông Đạo và giao cho ông Đạo chăm sóc mía luôn.

Về phía ông Đạo, ông trình bày: Ông Đạo hoàn toàn không biết việc đất đang bị toà án niêm phong, ông thấy đất của bà Thuý có sổ đỏ nên ông mua, còn mía khi bà Thuý giao lại cho ông thì rất xấu, cỏ mọc um tùm, ông đã bỏ ra 50 triệu đồng mua phân, thuê công làm cỏ chăm sóc cho mía. Điều  ngạc nhiên là bà Thuý lại đứng ra bán 5 ha mía với giá 112 triệu đồng và nhận tiền đặt cọc của bà Võ Thị Cẩm Hồng là 12 triệu đồng.

Bà Lợi trình bày mía là hoa màu tài sản trên đất, gia đình bà vẫn bón phân, làm cỏ chăm sóc. Đến mùa thu hoạch bà Thuý tự ý đem bán là sai. Nếu ông Đạo có đầu tư chăm sóc mía thì bà sẽ trả cho ông Đạo 20 triệu đồng, còn mía là của gia đình bà, bà không bán mía cho bà Hồng. Ông Đạo không đồng ý và yêu cầu bà Lợi phải chia đôi số tiền bán mía, ông và bà Lợi mỗi người hưởng 50%. Còn bà Hồng (người mua mía) thì yêu cầu bà Thuý cùng ông Đạo phải trả cho bà 12 triệu đồng tiền đặt cọc, cộng thêm 8 triệu đồng tiền bà đã thuê xe, thuê công chặt mía… Tại buổi hoà giải, các bên tranh nhau nói, không ai nhường ai và đều khẳng định nếu không thực hiện theo ý kiến của cá nhân mình thì đề nghị chuyển lên Toà án giải quyết.

Trên cơ sở lý và tình, ông Nguyễn Thanh Cường và đại diện các ban ngành, đoàn thể đã tôn trọng, lắng nghe ý kiến của các bên và phân tích hoà giải: về tranh chấp đất đai phải chờ phán quyết của Toà án. Tại buổi hoà giải này chỉ bàn bạc giải quyết về 5 ha mía. Nếu các bên cứ khăng khăng bảo lưu theo ý kiến của mình và yêu cầu gửi lên Toà án giải quyết thì cũng được; nhưng mọi người phải tốn thời gian đi lại nhiều vất vả, phải hầu toà phức tạp. Đồng thời Toà án sẽ kê biên, niêm phong 5 ha mía để điều tra và xét xử. Thời gian nhanh hay chậm không thể nói trước được. Hiện nay thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, mía đã bị khô héo, nếu để một hoặc hai tháng nữa thì 5 ha mía sẽ bị khô héo hết. Thậm chí nếu rủi ro mía bị cháy thì chỉ có bỏ đi. Khi đó không ai được lợi lộc gì… Ông Nguyễn Thanh Cường đề nghị: bà Lợi nên trả công chăm sóc mía cho ông Đạo là 30 triệu đồng. Bà Hồng được lấy xe ô tô mía đem đi bán để bù đắp vào số tiền đã đặt cọc, và ông Đạo cùng bà Thuý phải trả thêm cho bà Hồng 5 triệu đồng. Số mía còn lại trên đất là của bà Lợi, bà Lợi toàn quyền thu hoạch. Ban ngành, đoàn thể phân tích hoà giải lời hơn lẽ thiệt, có lý có tình và thoả đáng đảm bảo quyền lợi cho các bên. Cuối cùng các bên đã vui vẻ, thống nhất với đề nghị trên và ký vào biên bản hoà giải.

CÔNG HUÂN

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục