BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tản mạn mùa điều 

Cập nhật ngày: 26/03/2023 - 06:44

BTN - Mùa điều không chỉ là ký ức vui vui, dễ nhớ mà nó còn là những sự ủ ê, chực khóc khi phải còm lưng nhặt quả điều mà mắt lại ngóng nhìn mấy đứa trẻ hàng xóm vui chơi.

Quả điều treo như đèn lồng.

Trước tết, trên đường, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những cây điều đơm hoa, chợt nghĩ mùa điều đã sắp về. Sau tết, khi thấy những trái treo lủng lẳng trên cao, trong những mâm hoa quả tại các chợ, tôi biết mùa điều đã về. Mùa điều bắt đầu từ độ tháng 2 đến tháng 5 dương lịch, giữa nắng nóng và những cơn mưa đầu mùa.

Đã lâu lắm rồi, trong những xóm nhỏ, cây điều dần vắng bóng. Điều đã bị thay thế bằng những cây trồng có giá trị hơn. Tuỳ theo thời điểm mà người ta thay điều bằng nhãn, xoài, mãng cầu, mít hay sầu riêng. Những rẫy điều cũng thưa thớt hơn vì không còn giá trị kinh tế cao bằng nhiều loại cây khác.

Điều chủ yếu thu hái thủ công nên cũng bất tiện và không còn được ưa chuộng. Những năm này, do thời tiết mà người trồng điều cũng nhiều nỗi lo ngay tại những vùng chuyên canh như Bình Phước, Đồng Nai hay Tây Nguyên.

Tại Tây Ninh, những năm qua, điều đã dần vắng bóng. Thỉnh thoảng có thể bắt gặp tán điều lẫn trong vườn cây xanh mát nhà ai đó, trong những khoảnh vườn đã bị trồng xen kẽ những loại cây ăn quả khác. Điều thưa đi, những mùa điều cũng chỉ còn lại trong ký ức vài thế hệ người vùng quê, một thời gắn bó với những vườn điều rộng.

Tôi nhớ gần 30 năm trước, sau vườn nhà tôi và nhà hàng xóm đều rợp mát nhờ những tán điều. Những loại cây khác cũng chỉ là được trồng tô điểm thêm. Mỗi năm sau tết, vào mùa điều, những trái điều màu vàng, đỏ xinh đẹp như đèn lồng treo trên những tán cây cao, râm mát. Trái điều không chỉ đẹp, chúng còn có hương và vị riêng khó lẫn. Người thích thì sẽ nhớ mãi, người không thích thì lắc đầu cho qua.

Mùa điều đến, với trẻ nhỏ quê tôi mỗi buổi trưa sau giờ học hay những ngày đầu hè sẽ hăng hái đi thọt trái, rồi túm tụm chẻ những quả mọng nước chấm chén muối ớt đỏ au, rồi cùng nhau hít hà sặc sụa chảy cả nước mắt. Nhưng vui lắm!

Ông Sang bán điều tại chợ Bàu Năng (Dương Minh Châu).

Mùa điều, bọn trẻ con cũng có thể “khởi nghiệp” bằng cách vặn hạt điều rơi dưới gốc khi chưa được thu lượm để tích luỹ trong gô hay những chiếc túi. Vẫn nhớ, sau mỗi cơn giông làm rụng trái, bọn trẻ con chúng tôi lại tranh nhau ra vườn vặn hạt, rồi cùng mong ngóng những gánh ve chai đến để bán hạt lấy tiền.

Chỉ được vài ngàn đến hơn chục ngàn mỗi lần nhưng cũng đủ để no nê quà bánh. Nhờ vậy, với những đứa trẻ quê, mùa điều còn là mùa “khởi nghiệp” với niềm vui được “tự chủ” tiền quà vặt.

Mùa điều còn là nỗi nhớ cái mùi thơm lừng, vị béo ngậy của hạt điều nướng trui. Đám trẻ quê chúng tôi có thể gom mớ lá rụng, vài nhành cây khô là có thể nướng trui mớ hạt điều vừa nhặt được. Sự thơm ngon của hạt điều khi vừa tách vỏ vừa thổi bay hơi nóng để ăn ngon vô cùng, khó gì sánh được.

Sau này, không chỉ nướng vùi tro, hạt điều còn được các mẹ, các bà bỏ lên chảo rang. Trưa hè nắng nóng, mùi hạt điều thơm lan toả không gian, nên dẫu nhiệt độ của nắng hoà cái nóng của lửa làm nhễ nhại mồ hôi cũng không giảm đi nỗi mong chờ được thưởng thức của lũ trẻ.

Hạt điều ngoài nướng còn được má cất lại, đến Tết Đoan Ngọ lại tỉ mỉ chẻ để gói bánh tét, bánh ú, vừa thơm vừa bùi. Với hạt điều, bọn trẻ con sẽ đủ trò nghịch, không chỉ hạt già khô, hạt xanh cũng được hái trộm và chẻ ra ăn vừa giòn, vừa ngọt lại béo cũng thích mê. Và lũ trẻ chúng tôi cũng không ít lần phải “trả giá” vì những vết lở do nhựa hạt điều.

Mùa điều không chỉ là ký ức vui vui, dễ nhớ mà nó còn là những sự ủ ê, chực khóc khi phải còm lưng nhặt quả điều mà mắt lại ngóng nhìn mấy đứa trẻ hàng xóm vui chơi. Hay những lần tranh thủ sáng đi nhặt quả, vặn hạt, chiều đi học khi điều rộ mùa.

Tuổi thơ bọn trẻ xóm tôi khi đó trôi qua cùng những mùa điều trong ký ức, khó thể nào quên. Rồi những mùa điều cũng dần lùi xa khi vườn điều bị thay thế.

Những ngày này, một sáng lang thang tới chợ Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, chợt ngoái đầu khi thấy manh quả điều được bày bán dưới đất. Những quả điều đỏ, vàng chín rực rỡ như gợi nhớ những ngày xưa.

Ghé, rồi trò chuyện với người bán điều là ông Nguyễn Thanh Sang, 60 tuổi, ngụ ấp 1, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Ông Sang buôn theo mùa, mỗi mùa mỗi món- khi thì măng, khi thì nấm. Và từ khoảng Rằm tháng Giêng đến nay ông chỉ buôn điều.

Ông Sang nói rằng, chắc tầm khoảng 10 ngày nữa là trên chỗ ông sẽ hết điều, ông lại tìm món khác để bán. Mỗi ngày khi 4-5 giờ sáng ông Sang đã chở những sọt điều đi các chợ từ Tân Châu xuống thành phố Tây Ninh, Dương Minh Châu để bỏ mối.

Đến chợ nào, khi còn tầm 20 ký là ông dừng lại để bán lẻ; nên mỗi ngày sẽ ở mỗi chợ khác nhau. Vừa bỏ mối vừa bán lẻ với ông Sang cũng là một niềm vui. Hơn tám giờ sáng, hai mươi ký điều của ông Sang đã bán gần hết.

Hiện nay, giá bán điều tầm 25 ngàn đồng/kg quả. Nhưng lúc đầu mùa, theo ông Sang, có thể bán 70 ngàn đồng/kg quả. Những quả điều đủ cỡ, có quả sần sùi nhưng được ông Sang bảo đảm vị ngọt ngon vì chính là giống điều vườn xưa chứ không phải điều cao sản.

Theo ông Sang, những năm gần đây, để tìm mua điều cũng khó khăn hơn rồi. Trước đây, nhà ông Sang cũng có vườn điều nhưng sau này phải nhường chỗ cho cây cao su có giá trị kinh tế hơn. Trồng cao su nhàn rỗi hơn nên ông chuyển sang đi buôn. Ông cười nói: “Cũng vì cây điều bây giờ ít nên mình mới bán được, chứ như trước đây nhà nhà đều có thì mình bán được cho ai đâu”.

Bà Ca Thị Ngọc Lan, 67 tuổi, ấp Ninh An, xã Bàu Năng đang cặm cụi lựa những quả điều chỗ ông Sang. Vừa lựa bà vừa nói, mua điều về nấu canh chua, kho sả khi ăn chay hay kho với khô dành ăn mặn hoặc có thể chấm muối ớt tươi ăn sống.

Tuỳ mục đích dùng mà bà chọn điều có độ chín khác nhau. Với kinh nghiệm nhiều năm, bà chia sẻ: khi kho với sả thì phải chọn điều chưa chín quá, ăn sẽ giòn hơn; khi kho cũng cần vắt cho khô nước mới ngon; nấu canh chua chủ yếu lấy vị ngọt nước, mùi thơm nên mỗi nồi canh tầm hai quả chín là đủ; khi kho với khô dùng điều chín không vắt nước để thấm vào khô cho thơm. Bà Lan cho biết nhà mình không có điều nhưng nhiều năm qua khi mùa điều đến, mỗi lần đi chợ bà lại mua về ăn cũng thành thói quen.

Vi Xuân