Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tân quan, tân chính sách
Thứ hai: 10:59 ngày 23/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sự kiện khiến cả thế giới quan tâm nhất tuần qua là lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cùng với sự bàn tán quan tâm đến những động thái đầu tiên của ông, sự rời khỏi nhà trắng của ông Obama cũng khiến nhiều người tiếc nuối.

Ông Donald Trump ký vào quyết định bổ nhiệm chính mình ở Capitol, Washington ngày 20/1/2017. 	Ảnh: AFP

Ông Donald Trump ký vào quyết định bổ nhiệm chính mình ở Capitol, Washington ngày 20/1/2017. Ảnh: AFP

Mỹ sẽ rút khỏi TPP?

Thứ Sáu ngày 20/1 vừa qua, ông Donald Trump chính thức nhậm chức, trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45. Ngay sau khi lễ nhậm chức được tiến hành, ông Trump đã có những động thái đầu tiên để “dỡ bỏ” di sản của người tiền nhiệm Barack Obama. 

Không ngoài dự đoán, sắc lệnh đầu tiên nhắm vào luật bảo hiểm - bệnh tật hay còn được gọi là Obamacare. Việc dỡ bỏ luật này đã được ông Trump hứa hẹn từ hồi còn vận động tranh cử. Tuy không thể ngay lập tức hủy bỏ Obamacare nhưng sắc lệnh mà ông Trump vừa ký yêu cầu các cơ quan liên bang “giảm bớt trọng lượng” của luật này trong lúc chờ đợi đạo luật thay thế được thông qua.

Obamacare được áp dụng từ năm 2010 và cũng đã gặp phải nhiều phản đối từ phía đảng Cộng hòa bởi mức độ tốn kém của nó. Bây giờ chỉ cần chờ Quốc hội Mỹ - đa số ghế do đảng Cộng hòa nắm giữ - bỏ phiếu thông qua là việc xóa bỏ Obamacare sẽ được thực hiện. 

Ngoài Obamacare thì 2 vấn đề khác cũng được Tổng thống Donald Trump “nhắm đến” chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức: Quyền của cộng đồng LGBT và biến đổi khí hậu. Một thay đổi lớn được ghi nhận trên trang web của Nhà Trắng kể từ sau khi ông Trump nhậm chức.

Các chuyên mục con về quyền cho cộng đồng LGBT và biến đổi khí hậu đã bị gỡ khỏi trang web. Mặc dù 2 vấn đề này không gây nhiều chú ý như Obamacare trên chính trường Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ tạo nhiều dư luận xã hội và khiến cộng đồng quốc tế lưu tâm. Ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ hủy bỏ chương trình “Hành động vì khí hậu” được thông qua trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Obama.

Tổng thống thứ 45 của Mỹ tuyên bố sẽ “loại bỏ những chính sách không cần thiết, thậm chí có hại như kế hoạch hành động vì khí hậu và nguồn nước”. Lập luận của Nhà Trắng về vấn đề này cho rằng “dỡ bỏ những cấm vận này sẽ giúp người lao động Mỹ được tăng lương khoảng 30 tỷ USD trong vòng 7 năm tới”. Tuy nhiên, Nhà Trắng không đả động gì đến hiệp định Paris. 

Động thái mới nhất của ông Trump là công bố một video trong đó khẳng định: Sẽ rút Mỹ ra khỏi TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương). Mặc dù Mỹ đã ký kết hồi tháng 2/2016 cùng 11 nước châu Á - Thái Bình Dương, nhưng để thực sự có hiệu lực thì TPP vẫn đang phải chờ sự thông qua của Quốc hội. Tuy nhiên, với màn chuyển giao quyền lực từ Obama sang Trump, tương lai của TPP có vẻ không mấy sáng sủa. 

Edward Snowden được gia hạn lưu trú ở Nga

Thứ Tư ngày 18/1, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga thông báo trên Facebook rằng, giấy phép cư trú của Edward Snowden đã được nước này gia hạn thêm 2 năm. 

Edward Snowden. 	Ảnh: BBC

Edward Snowden. Ảnh: BBC

Edward Snowden là cựu nhân viên của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và đã gây ra vụ bê bối thông tin cực lớn vào năm 2013 khi tiết lộ về hệ thống giám sát viễn thông và Internet trên phạm vi toàn thế giới của Mỹ. Tiết lộ động trời này đã khiến Mỹ lao đao một phen với các mối quan hệ đồng minh và Edward Snowden trở thành “kẻ tội đồ” bị truy lùng và treo án 30 năm tù giam. Cũng trong năm đó, Snowden đã đến Nga tị nạn và được cấp giấy lưu trú trong vòng 3 năm. Lúc đó, mối quan hệ Nga - Mỹ đang cực kỳ căng thẳng lại như “thêm dầu vào lửa”. 

Thông báo gia hạn lưu trú cho Snowden được đưa ra vài tiếng đồng hồ sau khi ông Obama ký lệnh ân xá cho một “tội đồ” khác - Chelsea Manning. Người này bị kết án 35 năm tù và đã ở tù được 7 năm vì đã tuồn 700.000 tài liệu mật cho WikiLeaks. Nhờ lệnh ân xá trước khi rời nhiệm sở của ông Obama, Manning sẽ được phóng thích sau 5 tháng nữa. Động thái này được cả WikiLeakds và Edward Snowden hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, Tổng thống mới nhậm chức Donald Trump không có vẻ gì là sẽ nương tay với Snowden.

Ông Trump từng nói Snowden là “tên phản bội ô nhục” và rất có thể sẽ truy lùng Snowden ráo riết hơn ông Obama. Nhiều tổ chức phi chính phủ và nhiều người nổi tiếng đã từng đề nghị ông Obama có động thái nhân đạo với trường hợp của Snowden. Tuy nhiên, điều này gặp phải nhiều vướng mắc về pháp lý bởi Snowden chỉ đang bị phát lệnh bắt chứ chưa chính thức bị kết án. Trong khi đó, lệnh ân xá của Tổng thống chuẩn bị rời nhiệm sở chỉ áp dụng cho đối tượng bị tòa án liên bang kết án. 

Tuy nhiên, Tổng thống mới nhậm chức Donald Trump luôn được cho là khá có thiện cảm với Nga sẽ nghĩ gì về việc Nga gia hạn lưu trú cho Edward Snowden? Liệu việc này có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của ông Trump? Khó có thể đoán trước được dự định của vị Tổng thống khó lường này, nhưng có lẽ Edward Snowden sẽ chưa vội khiến ông bận tâm khi mà trước mắt vẫn còn nhiều di sản quan trọng của ông Obama mà tân Tổng thống muốn xóa bỏ. 

Nguồn BNA

Tin cùng chuyên mục