Kinh tế   Kinh tế

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tận tâm với công việc 

Cập nhật ngày: 22/07/2020 - 06:54

BTN - “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều điển hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực. Mỗi việc làm và hành động của họ đã góp phần truyền lửa, để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cô Trần Thị Thuỳ Trinh trao đổi với các học viên.

Nữ giảng viên tâm huyết trong ngành nông nghiệp

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp có những chuyển biến tích cực, đóng góp to lớn vào sự phát triển của tỉnh. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Trần Thị Thuỳ Trinh (sinh năm 1975)- Trưởng khoa Trồng trọt - Bảo vệ thực vật thuộc Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh luôn truyền cảm hứng cho học viên qua những giờ đứng lớp.

Bằng những kinh nghiệm và kiến thức của mình, cô Trinh tham mưu cho Ban giám hiệu mở rộng các mã ngành, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế của ngành nông nghiệp, thu hút nhiều học viên.

Ngoài việc khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên của Khoa học tập nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong dạy học, cô Trinh còn hỗ trợ tìm việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.

Thời gian qua, cứ mỗi năm trường có 2 khoá tốt nghiệp, cô Trinh đều liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tận trường để phỏng vấn, tạo cơ hội cho học viên tìm được việc làm đúng sở trường và chuyên môn mình đã học.

Với tinh thần sáng tạo, ham học hỏi và tâm huyết với công tác đào tạo ngành nghề nông nghiệp của Trường cũng như sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, cô Trinh đã có nhiều đề tài, sáng kiến như:

Dự án ảnh hưởng lượng phân kali đến độ brix và tỷ lệ ăn được của trái thanh long ruột đỏ tại vườn thực nghiệm Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật; Theo dõi sinh trưởng và phát triển của giống mướp hương TN 263 bằng phương pháp tưới nhỏ giọt; Khảo sát thành phần sâu hại và thiên địch trong mô hình trồng bổ sung hoa với cây khổ qua; Theo dõi sinh trưởng, phát triển của giống ớt chuông trên nền canh tác hữu cơ...

Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền, cô Trinh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Trong 5 năm qua, cô Trinh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 3 bằng khen. Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự cố gắng của cô trong thời gian qua, đồng thời cũng là động lực để cô phấn đấu, tiếp tục có những sáng tạo góp phần phát triển ngành nông nghiệp.

Chàng kỹ sư công trình thuỷ lợi tận tuỵ với nghề

Anh Phan Hữu Đức (sinh năm 1983)- Kỹ sư công trình thuỷ lợi, chuyên viên Phòng Quản lý dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ phụ trách theo dõi hai dự án kênh tiêu Hội Thành và Hội Thạnh, từ giai đoạn lập dự án đến khi triển khai thi công.

Đồng thời, anh còn được phân công tham gia công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn huyện Châu Thành và giám sát thi công xây dựng công trình gói thầu số 7,15, 20 của dự án này.

Anh Đức cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, anh luôn suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan, trao đổi học tập thêm từ các đồng nghiệp, để nâng cao năng lực chuyên môn vận dụng vào thực tiễn công tác.

Hai dự án kênh tiêu Hội Thành và Hội Thạnh có khối lượng đất đào rất lớn, nếu để tại chỗ san thành bờ sẽ chiếm rất nhiều diện tích, làm tăng chi phí đền bù của cả dự án. Trong giai đoạn thiết kế lập dự án, anh Đức đã đề xuất phối hợp các đơn vị liên quan cùng chính quyền địa phương tổ chức họp dân triển khai lấy ý kiến, vận động nhân dân, 100% đồng ý hiến đất lòng mương cũ không đền bù, tiết kiệm được chi phí cho dự án.

Ngoài ra, anh Đức còn đề xuất phương án tận dụng một phần đất đào kết hợp làm đường giao thông nông thôn một bên kênh với chiều rộng mặt đường 4m. Khối lượng đất dư sẽ lập dự toán chung với gói thầu xây lắp để thực hiện việc thi công kết hợp khai thác khoáng sản theo hướng xã hội hoá phần đào kênh để các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia đấu thầu thi công, lúc này doanh nghiệp vừa có đăng ký ngành nghề khai thác khoáng sản, vừa có ngành nghề xây dựng công trình thuỷ lợi.

Việc đưa vào khai thác tận dụng đất dôi dư sẽ làm giảm chi phí đền bù do không phải đền bù đất để chứa đất dôi dư của dự án và giảm được chi phí của gói thầu xây lắp từ nguồn thu khai thác đất dôi dư.

Anh Phan Hữu Đức - kỹ sư công trình thuỷ lợi tận tuỵ với nghề.

Anh cũng thường xuyên bám sát hiện trường để kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu thi công đạt chất lượng, đúng tiến độ và thực hiện tốt an toàn lao động, vệ sinh môi trường; kịp thời giải quyết các vướng mắc trong công tác mặt bằng và các thay đổi điều chỉnh thiết kế để bảo đảm tiến độ của các gói thầu nói riêng và của cả dự án nói chung; kiên quyết xử lý, yêu cầu đập bỏ làm lại các sản phẩm thi công không đạt chất lượng để chấn chỉnh các đơn vị thi công.

Anh Đức chia sẻ thêm, từ trước đến nay, việc thi công kênh lát mái hình thang khó khăn nhất là khâu đầm chặt bê tông và xoá mặt bê tông nên bê tông sau khi được hoàn thiện thường không phẳng và khoan kiểm tra thường bị rỗng, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng bê tông.

Vì vậy, trong quá trình mời thầu, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện thi công bê tông lát mái kênh bằng ván khuôn trượt và đầm dùi để bảo đảm bê tông sau khi hoàn thiện đặc chắc và bề mặt phẳng đẹp.

Anh Đức bày tỏ, để đạt được những kết quả như trên, ngoài cố gắng của bản thân, anh nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, sự hỗ trợ của lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự hỗ trợ hết lòng của đồng nghiệp và các đơn vị có liên quan. Đó là sự động viên, cổ vũ rất lớn về mặt tinh thần để anh vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhi Trần