BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tận thu sản phẩm phụ từ cây mì: Vừa có thu nhập vừa góp phần bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 02/04/2011 - 09:39

Từ nhiều năm nay, cây khoai mì được coi là loại cây dễ trồng nhất trong tất cả các loại cây nông nghiệp, và thuộc vào hàng cây “thế mạnh” của tỉnh Tây Ninh. Diện tích cây mì ngày càng tăng, và có phần lấn lướt diện tích của các loại cây trồng khác, nhất là từ năm 2009 đến nay, giá củ mì tươi luôn tăng cao. Về phía các cơ sở chế biến củ mì tươi cũng tích cực đầu tư công nghệ xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, giải quyết được nhược điểm lớn nhất của việc chế biến sản phẩm tinh bột khoai mì, tạo được sự đồng thuận của dân cư nói chung.

Chị Mua, tại sân phơi xác mì ở Thạnh Tây, Tân Biên

Sản phẩm từ cây mì, không chỉ dừng lại ở việc chế biến tinh bột từ củ mì, mà tất cả các sản phẩm phụ từ cây mì đều được “tận thu” tạo ra lợi nhuận cho người trồng mì, chủ cơ sở chế biến củ mì và cả người lao động phổ thông cũng được hưởng lợi từ chỗ có việc làm ổn định, có thu nhập. Ngoài đội ngũ công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các nhà máy, cơ sở chế biến củ mì, còn một đội ngũ người lao động chuyên làm những việc thu lượm, sơ chế những sản phẩm phụ từ cây mì. Những năm 1990 trở về trước, xác củ mì sau khi đã lấy hết tinh bột, trở thành phế phẩm, đồ bỏ đi. Có cơ sở chế biến củ mì tươi, không còn chỗ chứa xác mì, kêu người đến cho đem làm phân bón ruộng rẫy, không ai lấy. Nhưng ngày nay, xác mì lại là một nguồn thu không nhỏ của các cơ sở chế biến củ mì tươi. Nhiều nơi, xác mì được đem phơi khô, đóng bao đem bán cho các cơ sở chế biến thức  ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Nhiều người có việc làm ổn định, có thu nhập khá từ “nghề” phơi xác mì, và cũng không ít người trở nên khá giả nhờ vào việc kinh doanh xác củ mì. Bà Huỳnh Thị Mua (quê từ Thanh Bình, Đồng Tháp), được người quen “giới thiệu” lên xã Thạnh Tây, Tân Biên làm nghề phơi xác mì mướn. Từ năm 2000 đến nay, cả dòng họ của bà Mua có tới 5 hộ, 16 lao động chính chuyên làm nghề phơi xác mì cho một chủ thầu. Với diện tích sân phơi gần 2 ha, được chủ thầu trang bị vải mủ, bao bố, cào… 5 gia đình cất nhà ở tại chỗ để làm nghề phơi xác mì. Cứ khoảng 6 tấn xác mì ướt, một lao động phơi trong 3 ngày thì được 1 tấn xác mì khô, được chủ thầu trả tiền công 150.000 đồng. Giá xác mì khô hiện nay được các cơ sở chế biến thức ăn gia súc thu mua từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/tấn. Vỏ củ mì từ các cơ sở chế biến thủ công, được phơi khô để làm thức ăn cho trâu, bò có giá từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg. Ngay cả lá cây mì sau thu hoạch, được phơi khô cũng có giá từ 3.000 đến 3.500 đồng/kg. Do vậy hiện nay, nhiều nơi đang rộ lên việc thương lái thu mua gốc cây mì tươi (phần trên củ, dưới thân cây). Giá thu mua tại rẫy mì từ 300 đồng đến 500 đồng/kg gốc tươi, gốc cây mì tươi được “băm” nhỏ như củ mì lát, có giá mua tại “vựa” từ 800 đến 850 đồng/kg. Người thu mua cho biết: “Loại này bán cho cơ sở ở thành phố để họ ủ làm biogas (?), họ chỉ mua gốc cây mì còn tươi, gốc đã khô, héo không mua. Nếu có sẵn gốc, một người một ngày có thể băm được 400 kg gốc cây mì, cũng có thu nhập được hơn 30.000 đồng. 

Các cơ sở chế biến củ mì tươi có trang bị công nghệ tiên tiến hiện nay hầu hết đã trang bị hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas; công nghệ này không chỉ xử lý chất thải, ít gây ô nhiễm môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ cơ sở từ việc khai thác nguồn khí biogas để đốt lò sấy bột, chạy máy phát điện...

Trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, thiếu năng lượng, nhiên liệu, việc tận thu các sản phẩm phụ từ sản xuất, tạo ra nguồn năng lượng phục vụ tại chỗ rất cần được khuyến khích.

KHẮC LUÂN

 


 
Liên kết hữu ích