Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài và những ưu tiên
Thứ năm: 08:25 ngày 16/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ông Hoàng Tuần Tài chính thức nhậm chức thủ tướng Singapore - đại diện thế hệ lãnh đạo trẻ dẫn dắt đảo quốc này.

Chiều 15-5, Phó Thủ tướng Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) chính thức nhậm chức thủ tướng Singapore, kế nhiệm ông Lý Hiển Long. Cuộc chuyển giao quyền lực tại quốc đảo sư tử này đánh dấu thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 20 năm đầy thành công của ông Lý, cũng là bước chuyển mình để thế hệ lãnh đạo trẻ dẫn dắt đất nước, đứng đầu là ông Hoàng.

Ưu tiên sự ổn định và liên tục

Ngay trước lễ nhậm chức hai ngày, ông Hoàng đã công bố danh sách nội các mới. Bên cạnh cương vị thủ tướng, ông Hoàng còn kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Tài chính Singapore, theo hãng tin Nikkie Asia.

Theo ông Hoàng, tính liên tục, ổn định, và nhu cầu tránh gián đoạn trong giai đoạn chuyển tiếp là lý do khiến ông không thực hiện những thay đổi lớn ở cấp bộ trưởng.

“Tính liên tục và ổn định là những cân nhắc quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta sắp kết thúc nhiệm kỳ chính phủ [của ông Lý Hiển Long]. Để tránh bất kỳ sự gián đoạn nào, tôi đã quyết định giữ các bộ trưởng nội các hiện tại cho đến hết nhiệm kỳ” - ông Hoàng nêu quan điểm.

Tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài phát biểu tại buổi lễ nhậm chức hôm 15-5. Ảnh: CNA

Ông Hoàng có thể tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Tài chính cho đến cuộc cải tổ nội các tiếp theo sau cuộc tổng tuyển cử, hoặc vào khoảng giữa nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông. Theo kênh Channel News Asia, việc ông Hoàng tiếp tục giữ chức bộ trưởng tài chính cho thấy ông muốn duy trì sự quản lý tổng thể đối với các chính sách tài chính của đất nước.

Nội các mới sẽ có hai phó thủ tướng cùng làm việc trong nhiệm kỳ này là ông Vương Thụy Kiệt (cũng là phó thủ tướng dưới thời lãnh đạo tiền nhiệm) và ông Nhan Kim Dũng (kiêm nhiệm Bộ trưởng Công thương Singapore). Bên cạnh đó, ông Lý Hiển Long cũng sẽ ở lại nội các Singapore với tư cách Bộ trưởng Cấp cao và vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp.

Giới phân tích cho rằng việc ông Hoàng chọn hai nhân vật trên làm cấp phó là một sự lựa chọn an toàn cho Singapore và đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền trong giai đoạn bất ổn về địa chính trị và kinh tế, khi nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 18 tháng tới.

“Chúng tôi luôn tìm cách để các nhóm đối lập đến gần với nhau, gắn kết với nhau, lắng nghe quan điểm của nhau cũng như tìm tiếng nói chung và thỏa hiệp. Và sau đó nghĩ xem đâu là cách tốt nhất để Singapore tiến lên mà không làm rạn nứt xã hội” - tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài.

Ưu tiên lèo lái đất nước

Tân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài đánh giá Singapore đang bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo “ở mức độ cao hơn nhiều” so với trước đây và sẽ phải “đột phá nền tảng mới”.

“Ngày nay chúng ta đang ở vị thế mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong quá khứ. Nền kinh tế của chúng ta đã ở mức độ phát triển cao. Nếu bạn nhìn vào bất kỳ lĩnh vực xã hội nào, nhà ở, y tế, giáo dục, giao thông và bạn tìm thấy các chỉ số để so sánh, chúng tôi có thể xếp hạng khá cao trong từng lĩnh vực này” - theo ông Hoàng.

Về đối nội, với tư cách là thủ tướng, ông Hoàng ​​sẽ tiếp tục cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo trước đây nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Singapore như một trung tâm tài chính, thương mại và công nghệ cao trong khu vực, đồng thời tăng cường các chương trình hỗ trợ xã hội để giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng, theo Nikkei Asia.

Với chi phí sinh hoạt được coi là mối quan tâm hàng đầu của người dân Singapore, ông Hoàng cam kết tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và mở các chương trình đào tạo kỹ năng cho người dân, Đây được coi là một phần của chiến lược quốc gia tập trung vào giải quyết bất bình đẳng thu nhập, theo hãng tin Bloomberg.

Kế đó là vấn đề lao động nước ngoài tại Singapore. Trong nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long, tỉ lệ lao động nước ngoài ở Singapore tăng vọt 135%, phần nào khiến người dân trong nước bất mãn. Để giải quyết những lo ngại đó, chính phủ tìm cách tạo ra mang đến cơ hội việc làm tốt hơn và nhiều hơn cho người dân địa phương; tìm cách giữ giá nhà ở mức giá phải chăng thông qua các khoản trợ cấp và điều chỉnh thuế trước bạ bất động sản.

“Chính phủ của ông Hoàng có thể sẽ tiếp tục, nếu không muốn nói là mở rộng, những sáng kiến ​​này” - bà Tamara Henderson, chuyên gia kinh tế Đông Nam Á tại Bloomberg Economics, nhận định.

Theo tờ The Straits Times, vị tân thủ tướng muốn Singapore trở thành một nơi có nhiều con đường dẫn đến thành công khác nhau, với người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội được đảm bảo về những nhu cầu cơ bản – như nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhu cầu hưu trí – miễn là họ làm việc ổn định.

Về đối ngoại, theo vị tân thủ tướng Singapore, thế giới đang thay đổi một cách rất hỗn loạn và khó đoán, mô hình toàn cầu hoá hiện nay cũng rất khác trước đây. Do đó, Singapore chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì những diễn biến này, vì đảo quốc sư tử vốn là một nền kinh tế mở với quy mô thương mại gấp ba lần tổng sản phẩm quốc nội, theo Channel News Asia.

Với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Thủ tướng Hoàng nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của Singapore không phải là tìm kiếm sự cân bằng giữa hai siêu cường mà trước hết phải dựa trên lợi ích quốc gia của chính Singapore.

Về hoạt động nội khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Hoàng chủ trương tập trung thực hiện những bước đi đúng đắn và tăng cường hội nhập và thống nhất ASEAN, từ đó giúp Singapore tiếp tục phát triển ngay cả trong một thế giới đầy khó khăn và biến động khó lường.

Thủ tướng Hoàng tin tưởng dù môi trường địa chính trị khó lường đặt ra nhiều thách thức song cũng có những cơ hội tốt để Singapore khai thác để tiến lên, trở thành một đất nước đáng tin cậy ở khu vực Đông Nam Á.

Nhiều thách thức phía trước

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc (hai quốc gia có ảnh hưởng lớn tới Singapore) vẫn chưa giảm bớt, trong khi các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine cũng tác động đến nền kinh tế tập trung vào thương mại của quốc đảo và gây ra nỗi bất an trong nền văn hóa đa dạng về sắc tộc và tôn giáo của Singapore. Tất cả những điều đó sẽ đè nặng lên tâm trí cử tri khi ông Hoàng lãnh đạo đất nước.

Bà Nydia Ngiow - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh BowerGroupAsia ở Singapore nhận định rằng ông Hoàng “phải đối mặt với thách thức chưa từng có trong việc điều hướng Singapore giữa tình hình nhiều biến động, cử tri đa dạng hơn và kỳ vọng ngày càng cao về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình”.

Ông Hoàng còn phải đối mặt với những kỳ vọng lớn trong việc tìm cách kế thừa di sản của những người tiền nhiệm, những người đã đưa Singapore thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất châu Á, theo Nikkie Asia.

Ngoài ra, ông Hoàng cũng được kỳ vọng phải vạch ra con đường riêng trong các lĩnh vực từ kinh tế, an sinh xã hội đến ngoại giao, và có các di sản của chính mình tương tự các đời thủ tướng tiền nhiệm đã có.

“Việc chuyển đổi lãnh đạo hiện nay có chút rủi ro, không chỉ vì đội ngũ mới có thể bị thúc ép rất nhanh để giải quyết các thách thức kinh tế, chẳng hạn như nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc gây hạn chế cho khu vực rộng lớn hơn, mà còn vì Singapore có thể bị kéo vào các cuộc cạnh tranh địa chính trị và thậm chí xung đột” - bà Meredith Weiss, GS Khoa học chính trị tại ĐH bang New York (Mỹ), nhận định.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục