Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngoài công việc chuyên môn ở bệnh viện, bác sĩ Bề còn thường xuyên tham gia các chuyến đi khám bệnh từ thiện cho người dân nghèo trong tỉnh.
Ngoài công việc chuyên môn ở bệnh viện, bác sĩ Bề còn thường xuyên tham gia các chuyến đi khám bệnh từ thiện cho người dân nghèo trong tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bề với công việc thường ngày ở bệnh viện |
(BTN) - Tốt nghiệp y sĩ đa khoa, chấp hành sự phân công của tổ chức, chị về công tác tại Bệnh viện A2 (tên gọi trước đây của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Tây Ninh bây giờ). Đến khi có được tấm bằng bác sĩ, chị vẫn bám trụ nơi mình đã đến lúc ban đầu. Chị quan niệm: đã là thầy thuốc thì ở đâu cũng làm công việc cứu người.
Chị là bác sĩ Nguyễn Thị Bề, sinh năm 1962, hiện là Trưởng khoa Khám cấp cứu của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Bệnh viện Lao TN ). 29 năm tuổi nghề, chị Bề được xem là một trong những người kỳ cựu, đã gắn bó với nơi này nhiều năm nhất. Một ngày đầu tháng 3, tôi đến Bệnh viện Lao TN. Nhìn quanh, từ bác sĩ, nhân viên y tế cho đến người đi khám bệnh, người nằm viện đều đeo khẩu trang y tế một cách nghiêm túc, bởi đây là nơi điều trị những căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao.
Bác sĩ Bề công tác tại Bệnh viện Lao TN từ năm 1984 đến nay. Theo lời chị kể: trước kia, cơ sở vật chất của bệnh viện còn rất cũ kỹ, ọp ẹp, trang thiết bị lại thiếu thốn, việc điều trị cho bệnh nhân lao cũng còn rất khó khăn. Các y, bác sĩ công tác ở A2 còn phải đối mặt với sự “dè chừng” của mọi người bởi chỉ cần nghe nói làm việc ở A2 là ai cũng ngại, không dám tiếp xúc vì sợ lây bệnh! Vượt qua mọi trở ngại tâm lý và mọi khó khăn trong cuộc sống, bác sĩ Bề vẫn bám trụ nơi mình công tác với tất cả sự tận tuỵ trong nghề.
Điều trị bệnh nhân lao, bác sĩ Bề còn đảm nhiệm việc điều trị cho những người vừa mắc bệnh lao vừa lây nhiễm HIV. Vì vậy, trong công việc chuyên môn hằng ngày, chị luôn rất cẩn trọng, phòng ngừa việc bị lây nhiễm bệnh cho bản thân và những người xung quanh. Chị cũng luôn chú trọng khâu tuyên truyền cho người bệnh và thân nhân họ cách phòng ngừa lây nhiễm các loại bệnh. Chị cho biết: “Ngày xưa, bệnh lao được xem là một trong những bệnh nan y. Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của y học, bệnh lao có thể điều trị khỏi hẳn, nếu người bệnh tuân thủ đúng quy trình điều trị. Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh lao ở Tây Ninh đến điều trị tại bệnh viện thường là người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ăn uống thiếu thốn, sức đề kháng yếu, nên việc điều trị cũng gặp không ít trở ngại…”.
Mới đây, Bệnh viện Lao TN được đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, thành lập thêm Khoa Khám cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Thị Bề được chọn làm trưởng khoa. Cả khoa hiện có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng. Với vai trò của mình, nữ bác sĩ trưởng khoa cố gắng sắp xếp sao cho hoạt động của khoa đi vào nề nếp, thực hiện đúng các quy định chuẩn mực của ngành trong việc tiếp xúc với người bệnh, phục vụ tốt việc chăm sóc sức khoẻ cho họ.
Ngoài công việc chuyên môn ở bệnh viện, bác sĩ Bề còn thường xuyên tham gia các chuyến đi khám bệnh từ thiện cho người dân nghèo trong tỉnh. Hết giờ làm ở bệnh viện, chị lại trở về tổ ấm riêng của mình ở ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành. Chồng chị Bề trước đây cũng là nhân viên của Bệnh viện Lao. Hiện anh đã nghỉ việc để ở nhà giúp vợ chăm sóc con. Niềm mong ước của bác sĩ Bề hiện tại là luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ quan và giữ được mái ấm gia đình hạnh phúc.
KN