Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tản văn: Đám giỗ quê
Thứ sáu: 11:23 ngày 22/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong cái ồn ã, đua chen, hỗn tạp của thời hội nhập, việc chắt chiu gìn giữ những nét văn hoá đẹp đẽ mang đậm cái hồn dân tộc là điều cần thiết.

Đám giỗ (còn gọi là đám kỵ cơm, cát kỵ) là một nét văn hoá đậm đà bản sắc của người Việt Nam. Đấy là một dịp quan trọng để người sống tưởng nhớ đến người đã chết, là ngày sum họp gia đình, họ hàng thân thuộc và là buổi gặp gỡ giao lưu tình nghĩa xóm giềng với nhau. Hồi nhỏ tôi sống với ngoại, mỗi lần nhà có đám giỗ là nôn nao trước mấy ngày. Nhà ngoại thuộc loại khá nhất xóm, nhà ngói ba gian hai chái, riêng gian nhà trên là nơi thờ phụng nên thường xuyên đóng cửa, không gian mờ mờ ảo ảo khiến chúng tôi thường bị “quíu” chân mỗi lần ngoại sai thắp nhang vào buổi chiều tối. Có cảm giác những cặp mắt từ ảnh ông bà trên bàn thờ cứ nhìn chằm chằm theo chúng tôi, làm đứa nào đứa nấy nghe gai gai ở sống lưng. Vậy mà những ngày có đám giỗ, cửa chính, cửa phụ nhà trên được mở toang, ngôi nhà sáng bừng ra, gương mặt của ông bà trong ảnh thờ cũng trở nên hiền từ phúc hậu. Rồi thì cái không khí rộn ràng tiếng nói cười, tiếng dao thớt, mùi nhang thơm bảng lảng quyện với hương hoa quả tạo thành một thứ dư vị da diết cả đời.

Gói bánh tét cho ngày giỗ kỵ (ảnh minh hoạ)

Mỗi vùng miền có cách tổ chức đám giỗ khác nhau nhưng kiểu đám giỗ ở quê tôi vẫn có gì đó rất gần gũi, mộc mạc và thân tình. Ngày giỗ, nhà cửa, bàn thờ được quét dọn sạch sẽ, tinh tươm. Trên mỗi bàn thờ bày một đĩa trái cây, một bình hoa mới, một ngọn đèn, hai cái ly. Chính giữa nhà đặt một cái bàn hình chữ nhựt dành cúng đất đai dương trạch để tưởng nhớ các bậc tiền hiền, những người có công khai phá, gầy dựng làng xóm từ thuở xa xưa. Ngoài hiên nhà (hoặc ngoài sân) cũng bày một bàn cúng các chiến sĩ trận vong và những người chẳng may chết bờ chết bụi không nơi nương náu. Đây cũng chính là một cách hành xử rất nhân văn, thể hiện tính cách hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài, khoáng đạt đặc thù của dân Nam bộ. Khách mời đến dự thường mang theo chút lễ vật đơn sơ để cúng kiến người đã khuất. Món ăn nấu trong ngày đám giỗ không quá cầu kỳ. Thường là món hầm, kho, xào, cà ri, gỏi, chả giò chiên, bì cuốn… được chế biến từ nguồn nguyên liệu như gà, vịt, cá nuôi sẵn trong nhà, rau trồng ở vườn, chỉ mua thêm vài thứ gia vị hoặc thịt heo ở chợ. Đặc biệt, trong đám giỗ ở quê tôi không thể thiếu bánh tét, bánh ú, bánh ít, những thứ bánh rất đơn sơ quê kiểng mà đậm đà hương vị ruộng đồng. Mỗi lần nhà tôi có giỗ, mấy bà chị về thấy má lui cui gói bánh một mình, cằn nhằn: “Làm chi cho cực vậy hổng biết. Má mua ít bánh chợ về cúng là được rồi”. Má bảo: “Cực gì bây. Bánh nhà gói mới ngon, lại tiết kiệm được chút nào hay chút đó, bây à!”. Nói là vậy nhưng chúng tôi biết má gói bánh là để nhớ cái công việc đã quen thuộc từ xưa, một thời của kỷ niệm giờ đã xa ngái miệt mù. Ngày giỗ, các chị, các dì trong xóm kéo đến từ sớm, mỗi người một tay cùng nhau nấu nướng, bày biện. Đó là lúc những câu chuyện trong làng ngoài ngõ râm ran, người xưa tích cũ theo nhau hiện về lấp lánh, bàng bạc trong cái không gian vô cùng sinh động. Mùi thức ăn xào nấu sực nức và quyến rũ réo gọi dạ dày, làm bầy trẻ nhỏ đang đùa giỡn ngoài sân thêm nôn nao. Món ăn nào làm xong là được bày lên tấm phản theo hàng lối ngay ngắn, sau đó được mấy cậu thanh niên khoẻ tay khoẻ chân bưng dọn lên cúng theo sự chỉ huy của chủ gia. Khi những món ăn cuối cùng được “an vị” trên bàn thờ cũng là lúc các dì, các chị xong việc nghỉ tay, miếng trầu, ly nước rôm rả chuyện trò. Nhà trên, nghi lễ cúng đã bắt đầu. Nhang được thắp lên, tuần rượu đầu tiên rót vào ly, người cao tuổi có vai vế lớn nhất đảm trách việc khấn vái. Đầu tiên là mâm đất đai dương trạch, câu khấn thường là mời các đấng tiền hiền có công khai sơn phá thạch về nhậm tiệc nhân ngày cúng cơm, đồng thời phù hộ, độ trì cho gia đình được bình an vô sự, làm ăn ngày càng tấn tới. Sau đó là bàn thờ tổ tiên, rồi đến người được cúng giỗ, cuối cùng là mâm chiến sĩ trận vong… Trong không khí trang nghiêm, thành kính, khói hương nghi ngút, ta có cảm giác như quá khứ, hiện tại hoà quyện vào nhau và hình bóng người đã khuất cũng đang về vui vầy với người còn sống. Hết ba tuần rượu, đến tuần trà là nghi lễ cúng kết thúc. Mâm cỗ được dọn xuống, đàn ông lớn tuổi hoặc có vai vế lớn tập trung ngồi ở mâm giữa, các dì, các chị ngồi ở bộ ván ngựa, cánh thanh niên có thể chọn địa điểm ngoài trời dưới bóng cây mát rượi để thoải mái “một hai ba… dô!”. Đám trẻ con thì đã có sẵn đệm trải ở nhà sau mặc tình ăn uống. Cái trật tự ngồi ăn giỗ như một thứ luật bất thành văn mà ai đến dự cũng tự giác tuân theo, nếu làm trái đi là không thuận lẽ. Cuối buổi tiệc mặn là những món ăn tráng miệng với trà thơm, rồi mọi người kiếu gia chủ ra về. Lúc này, người nhà đã chuẩn bị sẵn những túi quà nho nhỏ gồm mấy cái bánh ú, bánh ít, vài thứ trái cây… gửi về cho sắp nhỏ ở nhà. Đó là thứ quà quê mà ngày xưa bọn trẻ chúng tôi rất mê và chờ đợi mỗi khi có người nhà đi ăn đám giỗ. Thứ quà đơn sơ, bình dị mà rất ngon lành vì nó mang đậm cái tình người quê chân chất.

Thế nhưng, đám giỗ quê hiện nay có nhiều hình ảnh chưa đẹp do ảnh hưởng ít nhiều của xu thế thời đại. Đó là nạn uống rượu quá chén, say sưa tổn hại sức khoẻ, gây gổ mất đoàn kết, có khi còn xảy ra án mạng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Rồi từ khi cái kiểu cách sống của người thị thành lan toả về vùng quê theo đà phát triển kinh tế, đám giỗ với nét văn hóa thuần Việt đã bị biến tướng đi nhiều. Một số người trở nên giàu có bèn tổ chức đám giỗ linh đình, mâm cỗ ê hề, toàn cao lương mỹ vị đặt sẵn ở những dịch vụ nấu ăn. Khách mời đông như đám cưới, quà cáp rộn ràng sang trọng. Đám giỗ trở thành dịp để họ chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, chưng bày sự giàu sang của mình. Lễ nghi làm qua quýt cho có, chủ yếu là ăn uống nhậu nhẹt tưng bừng, rượu Tây, bia bọt tràn lan nhưng nghĩa tình thì nhạt nhẽo. Hoặc có người muốn thể hiện sự hiếu để, thương nhớ với người đã khuất bằng cách đốt nhiều vàng mã đắt tiền hết sức phung phí. Có người còn làm đám giỗ kéo dài đến hai, ba ngày, hết tiên thường đến chính giỗ rồi lại hậu thường… biến lễ giỗ trở thành dịp để cấp dưới trả lễ, hoặc đối tác quan hệ công việc làm ăn “lại quả”, làm mất đi ý nghĩa và sự thiêng liêng của một ngày quan trọng.

Trong cái ồn ã, đua chen, hỗn tạp của thời hội nhập, việc chắt chiu gìn giữ những nét văn hoá đẹp đẽ mang đậm cái hồn dân tộc là điều cần thiết.

PHƯỚC HỘI

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục