Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
TAND huyện Hòa Thành xét xử lưu động: Vụ án “Thầu đề Út Tra”
Thứ ba: 06:48 ngày 16/04/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Ông trùm” đổ tội cho... vợ

TAND huyện Hòa Thành xét xử lưu động: Vụ án “Thầu đề Út Tra”
HTML clipboard

“Thầu đề Út Tra” tại phiên toà

 (BTN) - Trong phiên toà xét xử vụ án “Thầu đề Út Tra” (đăng trên Báo Tây Ninh kỳ trước), trong phần đầu phiên xét xử, ông Tạ Hoàng Phi- đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên toà đã đọc bản cáo trạng truy tố 27 bị cáo (có một bị cáo chết trước khi xét xử, nên chỉ có 26 bị cáo ra toà) trong đường dây phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc của trùm thầu đề Út Tra. Sau đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung thẩm vấn làm rõ phần hành vi phạm tội của bị cáo.

Tuy nhiên, nhận định sự có mặt của bị cáo Lê Thanh Tra có thể ảnh hưởng đến lời khai của các đồng phạm, nên chủ toạ phiên toà- Thẩm phán Hồ Văn Cường đã cho cách ly bị cáo Tra với các đồng phạm. Thế nhưng, dù là người bị thẩm vấn cuối cùng, Út Tra vẫn luôn tìm cách chối tội, đổ hết vai trò chủ mưu tổ chức đường dây thầu đề lớn nhất từ trước đến nay ở Tây Ninh cho người “đầu ấp, tay gối”- bị cáo Phạm Thị Hoa.

“NHÀ AI NẤY Ở, VIỆC AI NẤY LÀM”

Đó là lời khai của bị cáo Tra khi trả lời câu hỏi của HĐXX về mối quan hệ với bị cáo Hoa. Theo bị cáo Tra, dù đã chung sống như vợ chồng với Hoa nhưng do cả hai đều có con riêng nên không ở chung nhà, và do cả hai đều có hoạt động kinh tế riêng nên không phụ thuộc vào nhau. Tra muốn chứng minh là mình không có hưởng lợi gì từ việc tổ chức ghi đề của Hoa, đồng thời phủ nhận vai trò chủ mưu cầm đầu đường dây thầu đề này. Thế nhưng, khi HĐXX hỏi “Ai móc nối các tay em để tạo thành đường dây ghi đề?” thì bị cáo Tra thừa nhận chính mình cho số điện thoại của Hoa để các tay em liên lạc thoả thuận việc ghi số thầu đề. Tra né tránh bằng cách khai rằng mình chỉ là người giới thiệu Hoa với các tay em chứ không tham gia làm thầu đề.

Để chứng minh vai trò chủ mưu của Tra trong đường dây thầu đề, HĐXX công bố lời khai của Hoa tại cơ quan điều tra và tại phiên toà, trong đó thể hiện rõ bị cáo Tra đứng ra thoả thuận với các tay em, sau đó mới liên lạc với Hoa cho các tay em tham gia vào đường dây ghi số đề. Đồng thời, tại phiên toà, lời khai của các bị cáo Ngọc Anh, Văn Thanh, Sơn đã chứng minh được vai trò chủ mưu của Tra trong đường dây.

Biết không thể quanh co chối cãi nên Tra thừa nhận việc VKS truy tố Tra tội “Tổ chức đánh bạc” là đúng, nhưng vẫn luôn miệng nói bản thân Tra không hưởng lợi gì từ việc tổ chức đường dây thầu đề vì Tra có nguồn thu nhập kinh tế khác.

“THUẬN VỢ THUẬN CHỒNG” CÙNG PHẠM TỘI

Khác với ông trùm Lê Thanh Tra khi ra toà đều trút hết tội cho vợ mình, cặp vợ chồng bị cáo Đoàn Văn Sơn và Huỳnh Thị Thi luôn thành khẩn khai nhận vai trò của mình trong việc tổ chức ghi số đề. Sơn khai nhận bắt đầu tổ chức ghi đề từ tháng 6.2009, mỗi ngày ghi được khoảng 4 triệu đồng. Tuy nhiên, trong một lần đi uống cà phê, Sơn gặp Tra. Cùng là giới cờ bạc nên gặp Tra thì Sơn biết ngay đó là “ông trùm”. Vì vậy, Sơn xin “đầu quân” theo Tra. Khi được gia nhập đường dây cờ bạc của Tra - Hoa, “doanh số” ghi đề của vợ chồng Thi, Sơn tăng lên rõ rệt. Trước lúc gặp Tra, mỗi ngày vợ chồng Sơn chỉ ghi khoảng 4 triệu đồng, nhưng sau khi gặp Tra, “doanh số” ghi đề có ngày lên đến 36 triệu đồng.

Đông đảo người dân đến theo dõi phiên toà

Trước toà, vợ chồng bị cáo Nguyễn Thị Thuỳ Liên, Đỗ Thành Tài cũng khai nhận, do có quen biết với Tra nên Liên thoả thuận giao lại cho Tra và Hoa để hưởng hoa hồng. Hằng ngày, Liên ở nhà ghi đề, Tài làm nhiệm vụ cảnh giới, dùng điện thoại để giao phơi đề cho Tra, Hoa và Chính. Riêng vợ chồng Nguyễn Anh Tuấn, Trần Thu Nguyệt ngoài việc khai nhận có ghi đề, giao cho Tra, còn cho biết “thấy việc ghi đề không tốn sức nhiều mà lại thu nhập cao” nên Tuấn tham gia rất nhiệt tình qua việc trực tiếp chở Nguyệt đến nhà Hoa và Thuý Vân thanh toán tiền thắng thua.

 Gia đình “cờ bạc” của Đặng Thị Cẩm Bào có đến 3 người bị VKS truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc”. Tuy nhiên, khi toà án đưa vụ án ra xét xử, chỉ có 2 người có mặt, vì bị cáo Nguyễn Ngọc Trạng- chồng của Bào (là người đã cảnh giới lực lượng công an cho Bào và con là Nguyễn Thành Huy tổ chức ghi đề, giúp Bào và Huy tổng hợp phơi số đề, dùng máy Fax chuyển cho Hoa) đã chết trước khi toà án xét xử.

Bị cáo Phạm Thị Kiều Trang (em ruột Hoa) thì cho rằng do bản thân không có gia đình, nên khi bị cáo Hoa mở lời mượn nhà để làm nơi giao nhận số đề thì Trang đồng ý vì “tình nghĩa chị em”. Đồng thời, do thấy chị Hoa bận rộn giao nhận phơi đề không kịp nên Trang “vô tư” nhận giùm, chứ không hưởng lợi. Trang khai việc được Hoa trả công 100.000 đồng/ngày là tiền công chăm sóc cháu nội của Hoa chứ không phải tiền công nhận phơi đề.

Bị cáo Phan Văn Dũng cho rằng mình chỉ là người chăm sóc cây kiểng cho Tra, được trả lương hằng tháng. Vì vậy, khi Tra “nhờ đi lấy tiền” thì đi chứ không biết là tiền gì (!). Tuy nhiên, lời khai này đã không được HĐXX chấp nhận, bởi chính Dũng biết rõ Tra là thầu đề và cách nhận tiền cũng không bình thường. Còn bị cáo Hiếu cho biết trước đây có mượn tiền của Tra nhưng khi trả Tra không lấy, nên khi Tra nhờ đi giao nhận tiền thì đi giúp “vì tình nghĩa chứ không hưởng lợi”.

 Trước toà, hai chị em Thuý Vân, Bích Vân thành khẩn nhận tội. Thuý Vân khai rằng mình học nghề uốn tóc gần nhà bị cáo Nguyệt, biết Nguyệt ghi đề nên Thuý Vân xin “đầu quân làm tay em”. Còn Bích Vân phạm tội là vì trong một số lần Thuý Vân đi vắng, Bích Vân giúp Thuý Vân giao nhận tiền đề với Nguyệt.

 Còn bị cáo Phạm Ngọc Anh, và Phan Văn Thanh khai rằng, cả 2 là người quản lý nhà nghỉ Mỹ Hoa, nhưng khi được Hoa và Tra kêu đi “nhận tiền thắng thua số đề” thì cả hai đều đã đồng ý, vì Tra hứa cho phép bán hàng cho khách trong nhà nghỉ để lấy tiền xài, chứ bản thân không có bàn bạc, tổ chức gì.

HÌNH PHẠT DÀNH CHO CÁC BỊ CÁO

Bào chữa cho bị cáo Tra, luật sư Võ Văn Cò (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho rằng HĐXX cần xem xét lại vai trò của bị cáo Tra trong vụ án. Theo vị luật sư, Tra không có hưởng lợi gì từ việc thầu đề, cũng như kết luận quy buộc hành vi phạm tội của Tra là “phạm tội thu lợi bất chính rất lớn, đặc biệt lớn” là không đủ cơ sở. Hơn nữa, tại phiên toà, Hoa khai nhận số tiền thu lợi bất chính từ việc nhận làm thầu đề được sử dụng vào việc mua xe ô tô, nuôi dưỡng cha mẹ già, con cái. Việc tính toán thắng thua với các tay em cũng do Hoa thực hiện, Tra không tham gia và không biết việc nhận đề thắng thua này. Đồng thời, bị cáo Tra và Hoa chỉ là quan hệ tình cảm, nhà ai nấy ở chứ không phải là quan hệ vợ chồng.

 Sau khi xem xét các tình tiết vụ án, HĐXX tuyên phạt: Lê Thanh Tra 8 năm tù; Phạm Thị Hoa 8 năm tù; Đặng Thị Cẩm Bào 6 năm tù; Nguyễn Thành Huy 3 năm tù; Trần Thu Nguyệt 3 năm tù; Nguyễn Anh Tuấn 3 năm tù (cho hưởng án treo); Đoàn Văn Sơn 5 năm tù; Huỳnh Thị Thi 3 năm tù; Dương Hoàng Nhựt 3 năm tù; Phạm Thị Kiều Trang 2 năm tù; Trần Hoàng Duy 2 năm tù; Nguyễn Thị Thuỳ Liên 3 năm tù; Đỗ Thành Tài 2 năm tù; Trần Hoàng Duy 2 năm tù; Lê Thanh Hiếu 2 năm tù; Phan Văn Dũng 18 tháng tù; Phạm Ngọc Anh 15 tháng tù; Phan Văn Thanh 15 tháng tù; Nguyễn Thị Bích Vân 2 năm tù (cho hưởng án treo) về tội tổ chức đánh bạc. Riêng Nguyễn Ngọc Trạng đã chết trước khi xét xử nên miễn hình phạt. HĐXX còn tuyên phạt bổ sung bằng tiền đối với các bị cáo từ 10 đến 70 triệu đồng.

Nhóm các bị cáo phạm tội “đánh bạc”: Trần Văn Bảo lãnh 18 tháng tù; Võ Lê Thái 24 tháng tù (cho hưởng án treo); Nguyễn Phi Đằng 24 tháng tù (cho hưởng án treo). Riêng Phan Thanh Vượt, Vũ Đình Át, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Thanh Phương bị phạt mỗi người 24 tháng cải tạo không giam giữ.

ĐỨC TIẾN – THIÊN TÂM


Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục