BAOTAYNINH.VN trên Google News

TAND tỉnh: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) 

Cập nhật ngày: 24/09/2023 - 08:27

BTNO - Chiều 20.9, TAND tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân chủ trì hội nghị.

Ông Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; bà Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách đơn vị tỉnh tham dự hội nghị.

Dự hội nghị có ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh; bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo TAND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, các phòng, toà chuyên trách thuộc TAND tỉnh.

Tổng kết 8 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý về việc xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án; tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Toà án; tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao; việc phân chia các ngạch Thẩm phán; chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cần tăng cường hơn; cơ chế bảo vệ cho các thẩm phán, Toà án… Do đó, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014 là khách quan và cần thiết.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 9 chương, 151 điều; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. 

Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hoá 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2.6.2023. Bố cục của dự thảo luật gồm những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; hội đồng tư pháp quốc gia; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; hội thẩm; tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của TAND; điều khoản thi hành.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung nội hàm quyền tư pháp vào dự thảo luật là hết sức cần thiết nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức về nội hàm quyền tư pháp được ghi nhận trong Hiến pháp và thể chế hoá Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, đa số ý kiến đồng ý quy định như dự thảo vì cho rằng trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Toà án thu thập chứng cứ có thể dẫn đến việc thu thập chứng cứ có lợi hoặc bất lợi cho một trong các bên đương sự, ảnh hưởng đến nguyên tắc công bằng, vô tư, khách quan của Toà án và không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng. Tuy nhiên, trường hợp đương sự là người yếu thế trong xã hội hoặc để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thì việc đặt ra trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ của Toà án là cần thiết.

Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân chủ trì hội nghị  lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về quy định TAND sơ thẩm chuyên biệt, Hội đồng tư pháp quốc gia. Về nhiệm kỳ của thẩm phán, đa số ý kiến đồng ý như dự thảo để thể chế hoá Nghị quyết 27-NQ/TW “đổi mới thời hạn bổ nhiệm đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đối với đội ngũ thẩm phán, tăng cường tính độc lập của thẩm phán. Hiện nay, các quy định ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán đã đầy đủ và chặt chẽ. Trường hợp thẩm phán có vi phạm thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, bãi nhiệm theo quy định của pháp luật.

Những ý kiến, kiến nghị tại hội nghị này sẽ được TAND tỉnh ghi nhận, tổng hợp và báo cáo đầy đủ với TAND tối cao.

Thiên Di