BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng cường phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây lan qua biên giới 

Cập nhật ngày: 10/04/2023 - 05:15

BTN - Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Lực lượng kiểm tra phương tiện qua lại tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nền nhiệt trong môi trường cao, một số nơi xuất hiện những cơn mưa trái mùa làm suy giảm sức đề kháng của các loại vật nuôi.

Trong khi đó, tình hình dịch cúm gia cầm A(H5N1) tại tỉnh Prey Veng, Campuchia - giáp ranh với Tây Ninh diễn biến phức tạp, các hoạt động giao thương của người dân khu vực biên giới khó kiểm soát, nhất là khu vực có đường mòn, lối mở, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là một trong những biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả, trong đó có bệnh cúm gia cầm H5N1.

Bà Lê Thị Hồng Thu, ngụ ấp A, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, gia đình bà nuôi hơn 1.000 con gà thịt, ngay từ khi nhập gà con về, bà đã tiêm vaccine ngừa đầy đủ tất cả các loại bệnh thường gặp như: tụ huyết trùng (chết toi gà); cầu trùng, đậu gà, Gumboro (viêm túi huyệt truyền nhiễm); Newcastle (gà rù); bệnh cúm gia cầm…

Bên cạnh đó, bà cũng thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi mỗi tuần một lần theo khuyến cáo của cán bộ thú y địa phương. Vì vậy, sau hơn 3 năm chuyển sang nuôi gà chuyên nghiệp, gia đình bà chưa gặp phải trường hợp dịch bệnh nào.

Theo bà Thu, trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất vẫn là khâu phòng ngừa dịch bệnh, một khi đàn vật nuôi xảy ra bệnh thì việc điều trị sẽ rất khó. Thêm vào đó, khi sử dụng nhiều thuốc điều trị, gà chậm lớn, việc chăn nuôi tốn kém nhiều hơn.

Ông Võ Văn Phận, ngụ ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên cho biết, năm 2007, hơn 1.000 con vịt chạy đồng của gia đình ông đột ngột lăn đùng ra chết do mắc bệnh cúm gia cầm, số vốn đầu tư gần 50 triệu đồng mất trắng, từ đó đến nay, ông chuyển qua nuôi gà thả vườn. Rút kinh nghiệm, dù quy mô nhỏ nhưng ông vẫn tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng vaccine phòng bệnh và phun xịt thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi thường xuyên.

Trước thông tin về trường hợp tử vong do mắc cúm gia cầm A(H5N1) tại Campuchia, ông Phận khá lo lắng, vì sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, các cửa khẩu được mở cửa, hoạt động giao thương, qua lại của người dân hai nước được nối lại nên nguy cơ mầm bệnh cúm gia cầm xâm nhiễm là rất cao, nhất là khu vực biên giới.

Ông Phận cho biết đã mua hơn 10 bao vôi và 5 chai thuốc sát trùng (loại chai 1 lít) để vệ sinh chuồng trại gà của gia đình. Đàn gà của gia đình ông cũng được tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh, trong đó có bệnh cúm gia cầm. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, ông sẽ tăng số lần vệ sinh chuồng nuôi lên 2 lần/tuần.

Gia cầm bày bán tại chợ Biên Giới.

Tăng cường vệ sinh, tiêu độc, sát trùng

Ông Huỳnh Văn Đấu- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 120.000 con gia cầm (gà, vịt, ngan) chăn nuôi nhỏ lẻ và 300.000 con chăn nuôi tập trung, trang trại (chủ yếu tại hai xã Long Khánh và Long Phước).

Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, đặc biệt là khu vực biên giới, thời gian qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và các hộ chăn nuôi, chủ trang trại tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Thú y, thường xuyên vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại và quanh khu vực chăn nuôi; chủ động tiêm vaccine ngừa các loại bệnh truyền nhiễm trên gia cầm.

100% trang trại trên địa bàn huyện thực hiện tiêm ngừa đối với bệnh cúm gia cầm H5N1; riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ tiêm ngừa cho đàn gia cầm cũng đạt trên 75% tổng đàn.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Thú y huyện phối hợp với lực lượng Biên phòng tăng cường công tác kiểm soát gia cầm qua biên giới, không để mầm bệnh xâm nhập và lây lan.

Ông Nguyễn Ngọc Trỗi- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, trên địa bàn huyện có 8 trang trại chăn nuôi gia cầm, trong đó, khoảng 3,2 triệu con gà, 18.000 con vịt.

Trước diễn biến của dịch bệnh cúm gia cầm H5N1, thực hiện các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã triển khai các giải pháp để chủ động phòng, chống cúm gia cầm, nhất là việc kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu và các đường mòn lối mở trên tuyến biên giới, không để dịch bệnh từ phía nước bạn Campuchia xâm nhập vào địa bàn.

Trong đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tính đến nay, huyện đã tổ chức tiêm phòng được 10.000 liều vaccine phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 được phân bổ.

Ngoài ra, UBND huyện yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra giết mổ và kiểm dịch lưu thông, kịp thời phát hiện các ổ dịch để khoanh vùng và tiến hành dập dịch theo quy định.

Trại gà của bà Lê Thị Hồng Thu tại xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu.

Nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn rất lớn

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 9 triệu con, sản lượng thịt đạt 49.000 tấn/năm. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học.

Toàn tỉnh có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con, có 22 cơ sở chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, 48 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh; huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm.

Theo kết quả giám sát của ngành Thú y, các loại mầm bệnh trên đàn vật nuôi còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường. Trong đó, virus cúm gia cầm lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 4,6%).

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm vaccine; tình trạng giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại; nhiều đàn gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm nhắc.

Ngoài ra, Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài với nhiều đường mòn lối mở, các hoạt động giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua lại của người dân diễn ra thường xuyên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm A(H5N1) trong thời gian tới là rất cao.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm H5N1 qua biên giới

Trung tá Mai Văn Hoà- Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm A (H5N1), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát đường biên giới, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở.

Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát, các đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới địa bàn phụ trách; chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hoá, nhất là động vật, gia cầm, sản phẩm gia cầm để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp chính quyền địa phương các xã biên giới đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch cúm gia cầm A (H5N1). Đơn vị khuyến cáo người dân không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT đã triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2023 cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Sở yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Minh Dương