BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại 

Cập nhật ngày: 17/05/2023 - 04:54

BTN - Trong 3 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 23 ca tử vong do bệnh dại. Riêng tại Tây Ninh, có ba người bị chó dại cắn, có một người tử vong, nguy cơ dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng là rất lớn.

Chi cục Thú y thực hiện bắt chó thả rông. Ảnh minh hoạ

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại và để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, ngày 15.5.2023, UBND tỉnh có công văn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn lực để triển khai kịp thời, có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh dại tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022- 2030. Kiện toàn, tăng cường năng lực và tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y để nâng cao kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh dại.

Tổ chức thực hiện tiêm phòng vaccine và tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh dại tại các địa phương.

Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người. Chủ động chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư; theo hướng tiếp cận “Một sức khoẻ”, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành Thú y và Y tế, bảo đảm việc tiếp cận vaccine phòng bệnh dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại.

Nâng cao kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại trên người cho cán bộ y tế dự phòng và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người tại các địa phương.

Sở Tài chính phối hợp với Sở NN&PTNT và Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh dại chó, mèo trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch, chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ mua sắm đấu thầu vaccine, thuốc sát trùng phòng, chống dịch bệnh năm 2023.

Hỗ trợ vaccine dại và huyết thanh kháng dại điều trị dự phòng cho người nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung chính sách bảo hiểm y tế đối với người bị chó cắn.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường thông tin tuyên truyền các quy định về quản lý chó, mèo và chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại; về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó ở từng khu dân cư, ấp, khu phố; hướng dẫn và yêu cầu chủ hộ nuôi cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023-2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026-2030, thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót.

Tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư. Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

Theo báo cáo của Cục Thú y và ngành Y tế, trong 5 năm qua, nước ta có 410 người chết và hơn 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng bệnh dại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại lớn về kinh tế. Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 có 23 người chết do bệnh dại.

Nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng chó cắn người, chó mắc bệnh dại và các trường hợp người mắc bệnh dại là do tổng đàn chó, mèo của cả nước khá nhiều, nhưng tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng còn thấp. Công tác quản lý đàn chó tại nhiều nơi còn lỏng lẻo, một số địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông.

Nhiều người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm còn phổ biến. Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm.

Minh Dương

Tin liên quan
  • Tăng cường các biện pháp kiểm soát bệnh dại 

    Tăng cường các biện pháp kiểm soát bệnh dại

    Do mầm bệnh đã lưu hành rộng rãi trên địa bàn tỉnh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch. Vì vậy, trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát bệnh dại, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân.

  • Nhận thức của người dân về bệnh dại có chuyển biến tốt 

    Nhận thức của người dân về bệnh dại có chuyển biến tốt

    Ngày 28.9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 và mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại (ngày 28.9 hàng năm).