BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng cường cơ giới hoá thay thế lao động nông nghiệp

Cập nhật ngày: 01/07/2011 - 11:59

Ở Tây Ninh, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được triển khai từ những tháng cuối năm 2010. Đến nay, Tây Ninh đã thống nhất chọn 25 xã nông thôn ở tất cả 9 huyện, thị để làm điểm tiến hành xây dựng NTM với mục tiêu đến năm 2015 tỉnh ta có ít nhất là 20% số xã đạt chuẩn NTM. Đây là cuộc vận động lớn nhằm thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, một trong những tiêu chí xây dựng NTM gây băn khoăn nhiều nhất là tiêu chí về cơ cấu lao động.

Tăng cường cơ giới hoá để thay thế lao động thủ công

Bộ tiêu chí quốc gia về NTM gồm có 19 tiêu chí, trong đó các chỉ tiêu của tiêu chí được quy định theo vùng. Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ- vùng có nhiều chỉ tiêu cao nhất trong tất cả các vùng trong cả nước. Cụ thể như về giao thông, tiêu chí chung là 65% đường trục chính nội đồng được cứng hoá, nhưng vùng Đông Nam bộ phải đạt 100%; tiêu chí chung về thuỷ lợi phải kiên cố hoá 65%, nhưng vùng Đông Nam bộ phải đạt 85%... Riêng về cơ cấu lao động, ở vùng Đông Nam bộ tiêu chí tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp phải từ 20% tổng số lao động trong độ tuổi làm việc trở xuống, trong khi tiêu chí chung là dưới 30%. Theo con số thống kê, hiện nay tỷ lệ lao động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp bình quân chung cả tỉnh vẫn còn cao- gần 300.000 trên tổng số lao động khoảng 610.000 người- chiếm đến gần 50% tổng số lao động và nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực. Riêng các xã nông thôn, tỷ lệ này chắc chắn sẽ cao hơn bình quân cả tỉnh do số lao động làm việc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ít hơn khu đô thị. Đây là tiêu chí cực khó.

Trong những năm gần đây, Tây Ninh đã tập trung phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp. Đến nay, Tây Ninh đã có 5 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 5.300 ha và một số cụm công nghiệp, trong đó có một số khu công nghiệp có quy mô lớn như Khu Liên hợp Phước Đông- Bời Lời với diện tích hơn 2.800 ha, Khu Bourbon- An Hoà với quy mô hơn 1.000 ha. Thế nhưng do hầu hết các khu, cụm công nghiệp này đều đang trong quá trình triển khai, chưa thu hút nhiều lao động nên hiện nay lực lượng lao động công nghiệp vẫn còn thấp- chỉ được trên dưới 100.000 người, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 20% tổng số lao động mà thôi. Trong những năm tới, các khu, cụm công nghiệp tiếp tục phát triển, chắc chắn tốc độ chuyển dịch sẽ tăng và sẽ có ngày càng nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp. Lúc đó tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp sẽ tăng, đồng nghĩa với tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm theo. Riêng lực lượng lao động lĩnh vực thương mại- dịch vụ hiện đang có hơn 180.000 người, chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng số lao động toàn tỉnh. Trong vòng 5 năm tới nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chợ sẽ được đầu tư xây dựng, nhiều khu dân cư được đô thị hoá sẽ thu hút nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang, góp phần kéo giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp.

Như vậy, việc kéo giảm tỷ lệ lao động lĩnh vực nông nghiệp xuống còn 20%- tuy hết sức khó khăn nhưng cũng đã có giải pháp khả thi và phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề rất đáng quan tâm là khi lao động lĩnh vực nông nghiệp giảm- ít nhất là hơn phân nửa so với hiện nay thì lấy đâu ra đủ lao động để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là vào thời điểm tập trung xuống giống hoặc tập trung thu hoạch? Chỉ đơn cử tình hình sản xuất cây mía thôi và trong thời điểm lực lượng lao động nông nghiệp chưa chuyển dịch mạnh thì cũng đã thấy khó khăn không nhỏ. Trong nhiều năm nay, khi đến vụ thu hoạch mía đông ken- nhất là vào thời điểm sau Tết Nguyên đán thì áp lực thu hoạch thường khá nặng nề do lực lượng công thu hoạch không đủ đáp ứng yêu cầu. Từ đó nhiều hộ nông dân phải “cắn răng” chấp nhận những “yêu sách” của các đầu công để có được nhân công chặt mía kịp giao cho nhà máy. Đặc biệt sau Tết Nguyên đán vừa qua, diện tích mía đứng đồng còn nhiều, thời tiết làm cây mía khô nhanh, nhu cầu thu hoạch bức xúc nhưng nhiều hộ nông dân phải khổ sở như “ngồi trên đống lửa” do lao động nông nghiệp thiếu.

Lao động nông nghiệp sẽ ngày càng giảm

Theo các chuyên gia, để giải quyết ổn thoả nhu cầu lao động nông nghiệp khi thực hiện chuyển dịch lao động theo tiêu chí về cơ cấu lao động, ngoài việc tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp- xây dựng, mở rộng lĩnh vực thương mại- dịch vụ thì nhất thiết phải tăng cường khâu cơ giới hoá (CGH) lĩnh vực nông nghiệp để thay thế số lao động nông nghiệp giảm đi. Thực tế, từ nhiều năm trước đây chuyện CGH sản xuất nông nghiệp đã được tỉnh quan tâm, đầu tư ngày càng mạnh. Có nhiều khâu trong quy trình canh tác đã được CGH, trong đó có một số cây nông nghiệp ngắn ngày được CGH đồng bộ. Thế nhưng riêng cây mía- loại cây trồng khiến Tây Ninh được đánh giá là “thủ đô mía đường” thì việc CGH còn hạn chế- đặc biệt là trong khâu thu hoạch. Tuy rằng từ năm 2005 tỉnh đã đầu tư 1,2 tỷ đồng thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dựng CGH canh tác cây mía ở Tây Ninh”, nhưng đến nay khâu cực kỳ quan trọng trong quy trình sản xuất cây mía là khâu thu hoạch thì lại chưa khảo nghiệm thành công. Ngoài đề tài nghiên cứu do tỉnh đầu tư, các nhà máy đường cũng nghiên cứu ứng dụng nhiều thiết bị CGH canh tác cây mía khác, nhưng vẫn chưa có nhà máy nào khảo nghiệm thành công máy thu hoạch mía.

Từ trước đến nay nhu cầu CGH sản xuất nông nghiệp để thay thế lao động nông nghiệp đã bức xúc, nay thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM thì nhu cầu CGH lĩnh vực này càng bức xúc hơn. Để có thể vừa thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động đạt mức quy định theo tiêu chí- giảm số lao động nông nghiệp chỉ còn 20% lại vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp không thiếu lao động phục vụ thì không có giải pháp nào hiệu quả bằng việc tăng cường mạnh mẽ các khâu cơ giới hoá- từ nguồn vốn đầu tư đến các chủ trương, chính sách khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia.

Ngoài ra, để các thiết bị cơ giới hoạt động hiệu quả thì việc cải tạo đồng ruộng cũng phải được tập trung đầu tư. Nếu không cải tạo đồng ruộng có khi có máy móc, thiết bị nhưng vẫn phải trông chờ vào công lao động do không thể đưa xuống ruộng vận hành được.

SƠN TRẦN

 

 

 


 
Liên kết hữu ích