Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hiện nay, công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản được các đơn vị nâng cao thực hiện. Tổng diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng được điều chỉnh là 72.253,43 ha. Trong đó, rừng đặc dụng 31.650 ha, rừng phòng hộ 30.174 ha, rừng sản xuất 10.428 ha.
Toàn bộ diện tích này đều được giao cho các Ban quản lý rừng, UBND các huyện và các đơn vị quản lý, sử dụng. Qua đó, các đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả các trường hợp vi phạm tại các khu vực, đặc biệt là khu vực biên giới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 2 các đơn vị chủ rừng đang tiến hành rà soát lại quỹ đất và vận động người dân tham gia nhận khoán đất trồng rừng.
Kế hoạch trồng rừng năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 210 ha, trong đó Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng là 200ha, Ban Quản lý Khu rừng văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc là 10 ha. Kế hoạch chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng năm 2020 trên địa toàn tỉnh với diện tích 466 ha.
Khảo sát rừng Lò Gò- Xa Mát.
Hiện nay, các đơn vị khẩn trương triển khai kế hoạch chăm sóc rừng trồng và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên năm 2020. Với khối lượng rừng bảo vệ là 58.122 ha rừng hiện có, trong đó rừng tự nhiên 45.421 ha, rừng trồng 12.377ha, trảng cỏ 324 ha đều được giao khoán cho các tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 1.197,8 ha diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trong đó Dầu Tiếng 950 ha, Lò Gò - Xa Mát 224 ha, Núi Bà Đen 23,8 ha.
Theo Sở NN & PTNT, trong tháng 2.2020 trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ vi phạm quy định về Luật lâm nghiệp, giảm 3 vụ so cùng kỳ. Trong đó có 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật; 3 vụ mua bán, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trài pháp luật;1 vụ vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 4 cột mít nài bị cưa hạ.
Một góc rừng Lò Gò- Xa Mát.
Công tác phòng cháy chữa cháy và phòng chống phá rừng cũng đã được các đơn vị kiểm lâm tăng cường thực hiện. Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy rừng, với tổng diện tích 4 ha, thuộc BQL Rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý.
Nguyên nhân cháy là do quá trình xử lý thực bì chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật, thực bì trên hàng chưa xử lý triệt để (còn cỏ mỹ), một phần là do lá khô cây rừng rụng thành lớp thực bì dễ cháy, khi đốt xảy ra cháy rừng hoặc cháy lan từ ngoài vào.
Trong thời gian tới, các đơn vị kiểm lâm sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở cưa xẻ gỗ, cơ sở gây nuôi động vật rừng và quán ăn có kinh doanh sản phẩm từ động vật rừng để kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật, đặc biệt là các khu vực biên giới.
Nhi Trần