Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá mì
Thứ ba: 19:26 ngày 30/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 30.7, tại Tân Châu, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá trên cây khoai mì, nhằm đánh giá tình hình và bàn các giải pháp phòng chống bệnh khảm lá mì hiện nay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì cuộc họp, với sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống bệnh khảm lá mì, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố có khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 2, từ trái qua) kiểm tra vùng nhân giống mì sạch bệnh ở huyện Tân Châu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, vừa qua, Bộ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá mì. Đến nay, mặc dù diện tích mì bị nhiễm khảm lá còn cao nhưng mức độ hại giảm mạnh. Qua buổi làm việc, các đơn vị sẽ thống nhất những vấn đề mới phát sinh về biện pháp nhân giống sạch bệnh, thuốc ngừa và cách thức hành động để khống chế dịch khảm lá ngày một tốt hơn.

Tính đến ngày 25.7, diện tích nhiễm bệnh khảm lá mì trên toàn quốc hơn 32.243 ha, tăng  trên 8.866 ha so cùng kỳ. Bệnh phát sinh và gây hại tại 15 tỉnh/thành, nhưng Tây Ninh là tỉnh có diện tích mì nhiễm khảm lá lớn nhất cả nước, với hơn 26.935 ha, chiếm 84% tổng diện tích nhiễm bệnh; tuy nhiên biểu hiện triệu chứng, mức độ hại của bệnh đã nhẹ hơn so với các năm trước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Tại Tây Ninh, đến ngày 24.7 tổng diện tích mì khảm lá chiếm hơn 39.033 ha, đã thu hoạch hơn 12.098 ha. Qua công tác tuyên truyền, đến nay người dân đã giảm sử dụng giống HLS-11 nhiễm bệnh nặng; bệnh chủ yếu ở mức độ nhẹ, giảm mạnh so với cùng kỳ. Mô hình sản xuất thử nghiệm giống mì sạch bệnh tập trung với quy mô lớn bước đầu cho thấy mức độ nhiễm bệnh thấp ở giai đoạn mì dưới 6 tháng tuổi.

Hiện nay, các huyện trong tỉnh đã vận động người sản xuất sử dụng nguồn giống sạch bệnh trồng trên diện tích khoảng 5.589 ha. Các giống được trồng chủ yếu là KM94, KM505, giai đoạn từ 5-7 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm bệnh dưới 30%, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cuối vụ.  

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh có khoảng 60.000 ha diện tích mì trồng hằng năm, hiện nay giá mì đạt khá tốt nhưng dịch bệnh vẫn phức tạp. Thời gian qua, Tây Ninh đã quyết liệt chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh. Tuy nhiên, do nông dân trồng liên tiếp nên mì trên đồng ruộng có quanh năm, chưa có vùng cách ly, vì vậy chưa khống chế được bệnh, kết quả giảm diện tích mì bị khảm lá chưa cao.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan và kiến nghị đến công tác phòng chống bệnh, như: Hỗ trợ vốn giúp nông dân chuyển đổi sang trồng khoai lang thay cho một số diện tích mì kém hiệu quả; nguồn cung cấp giống sạch bệnh trong sản xuất còn thiếu, vì vậy cần đẩy mạnh công tác nhân giống mì sạch bệnh; cung cấp các giống mì ít nhiễm bệnh, kháng bệnh cao cho những địa phương có diện tích mì nhiễm bệnh nặng; việc phun thuốc phòng ngừa bọ phấn trắng chưa khả thi, cần có quy trình cụ thể hơn; Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn các địa phương những chính sách hỗ trợ nông dân khi tiêu hủy mì nhiễm bệnh,…

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cần tập trung quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống bệnh khảm lá mì và phải thường xuyên cập nhật quy trình phòng trừ bọ phấn trắng của Bộ NN&PTNT để áp dụng tại địa phương. Tập trung nhân giống mì có tỷ lệ kháng bệnh tốt như giống KM419, KM94, KM140, KM505. Đẩy mạnh công tác nhân giống mì sạch bệnh để cung cấp cho nông dân,…

Đối với Tây Ninh, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu tỉnh phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật để chọn điểm nhân giống khác phù hợp hơn, thay thế cho giống mì đang nhân tại Đảo Nhím đã nhiễm bệnh khoảng 60% diện tích; xuống giống đồng loạt, tập trung từng khu vực sản xuất; bố trí sản xuất 2 vụ/năm và cắt giảm không trồng trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch.

Cục Bảo vệ thực vật và Tập đoàn Lộc Trời ký kết dự án phối hợp thực hiện chương trình phát triển phân bón hữu cơ.

Cũng tại hội nghị, Cục Bảo vệ thực vật và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết dự án phối hợp thực hiện chương trình phát triển phân bón hữu cơ công nghệ mới bảo đảm tính hiệu quả, bền vững cho nền nông nghiệp hiện đại.

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục