Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm
Thứ tư: 22:56 ngày 20/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2022, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, một số dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm đang xảy ra ở nhiều địa phương.

Sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.

Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm, dại chó được kiểm soát tốt không xảy ra dịch bệnh, riêng bệnh dịch tả heo châu Phi đã tiếp tục xảy ra, tính đến ngày 16.2, toàn tỉnh có 20 ổ dịch làm chết và tiêu huỷ 501 con heo, đến nay, còn không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất lớn, do: tổng đàn gia súc, gia cầm tiếp tục gia tăng mạnh, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại, các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh; tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm qua giám sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tại chợ lên đến 10,7%; thời tiết chuyển mùa, biến động và tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan; nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại...

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ngày 18.4, ban hành Công văn 1256/UBND-KT về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Bố trí các nguồn lực để triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được phê duyệt như: Quyết định số 2028/QĐ-UBND ngày 20.9.2013 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 12.1.2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1664/QĐ-UBND ngày 23.7.2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2012-2030.

Tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y và Quyết định số 416/QĐ-UBND ngày 18.2.2012 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030”.

Tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật thông qua hệ thống báo cáo trực tuyến.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch, chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhập vào địa bàn tỉnh.

Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.

Cục Quản lý thị trường (Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dại... bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine; đặc biệt lưu ý đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ cao, đã được tiêm vaccine nhưng sắp hết thời gian miễn dịch.

Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm- nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh.

Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, đặc biệt xây dựng các chuỗi chăn nuôi khép kín, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới để hướng đến xuất khẩu.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục