Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 24.1, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý đàn vật nuôi và xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi trên địa bàn, đặc biệt là các xã biên giới, ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh nhằm có kế hoạch chủ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Phân công trưởng ấp, khu phố phối hợp Trưởng Ban Thú y các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện điều tra thống kê tổng đàn chó, mèo và danh sách theo dõi tiêm phòng bệnh dại đúng định kỳ; khuyến khích lập sổ quản lý đàn chó, mèo với số hộ nuôi.
Đưa công tác quản lý chó, mèo; phòng, chống bệnh dại vào chỉ tiêu thi đua khen thưởng hằng năm của UBND cấp xã và các phòng, ban có liên quan.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý; triển khai xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh phê duyệt; bố trí kinh phí bảo đảm các hoạt động phòng, chống dịch bệnh gồm hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm buộc tiêu hủy do dịch bệnh, khôi phục sản xuất chăn nuôi và hỗ trợ các lực lượng tham gia chống dịch theo đúng quy định.
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thực hiện cam kết kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi theo quy định và tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi đạt trên 80% tổng đàn.
Xử lý theo thẩm quyền các cá nhân, tổ chức vi phạm công tác quản lý, kê khai và không áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thuốc thú y theo quy định.
Các địa phương cùng với tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể trực thuộc phối hợp cơ quan chuyên môn liên quan triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, trường học… về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại kinh tế của dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dại, cúm gia cầm, dịch tả heo Châu phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… và biện pháp phòng chống; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu các đơn vị còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh động vật, để xảy ra dịch bệnh, lây lan gây hậu quả nghiêm trọng; nhất là những địa phương đã được công nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật.
Sở NN&PTNT theo dõi, tổng hợp các báo cáo định kỳ về điều tra, thống kê tổng đàn vật nuôi hằng năm làm cơ sở xác định số lượng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi, số lượng trang trại nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý vùng an toàn dịch bệnh động vật; xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, đặc biệt là công tác tiêm vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm theo quy định.
Chủ động giám sát tình hình đàn vật nuôi, nhằm phát hiện sớm các ổ bệnh, tổ chức điều tra dịch tễ, tiến hành lấy mẫu từ vật nuôi nghi mắc bệnh để chẩn đoán xác định bệnh, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý ổ dịch bệnh hiệu quả, ngăn chặn lây lan, dập tắt khi đang còn ở diện hẹp.
Thiện Đức