Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng cường kiểm soát chất lượng đàn vật nuôi và quản lý thức ăn chăn nuôi
Thứ ba: 17:29 ngày 22/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nông nghiệp là ngành chủ lực và chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng, chiếm giá trị sản xuất lớn, đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Một cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Châu Thành.

Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 6,2%/năm. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2021 đạt 4.651 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 17,9%.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 218.480 con heo; 10.000 con trâu; 100.000 con bò, trong đó bò thịt là 85.400 con, bò sữa 14.600 con; 8.935.000 con gia cầm; 676 nhà nuôi chim yến.

Cơ cấu chăn nuôi đang được tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học sang chăn nuôi quy mô trang trại bảo đảm an toàn sinh học. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 612 trang trại gia súc với tổng đàn 192.578 con, trong đó có 143 trang trại heo với 170.934 con, 43 trang trại trâu với 1.142 con, 426 trang trại bò với 20.502 con, 112 trang trại gia cầm với tổng đàn 5.685.181 con.

Từ năm 2016 đến nay, có 58 dự án chăn nuôi heo với 743.584 con được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện trên địa bàn tỉnh có 64 cơ sở chăn nuôi heo được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và an toàn dịch bệnh với số lượng là 112.550 con, chiếm 51% tổng đàn.   

Năm 2021, ngành chăn nuôi trong toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, các trang trại và hộ chăn nuôi vẫn duy trì sản xuất, tăng đàn, tái đàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Sản lượng thịt heo của tỉnh năm 2021 là 42.000 tấn; bình quân hằng ngày sản xuất khoảng 115 tấn, tương đương 1.100 con. Toàn tỉnh có 40 cơ sở giết mổ heo, cung cấp cho 730 quầy, sạp thịt và khoảng 97 cửa hàng cung cấp thịt an toàn của hệ thống siêu thị và cửa hàng. Số lượng heo giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 1.000 con - 1.100 con/ngày.

Đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp, 2 nhà máy sản xuất thức ăn truyền thống và 1 nhà máy sản xuất thức ăn bổ sung. Tổng công suất sản xuất tối đa của các nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp khoảng 183.000 tấn/năm.

Nhu cầu tiêu thụ thức ăn hỗn hợp trong tỉnh khoảng 378.000 tấn/năm; các trang trại nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi đều sử dụng nguồn thức ăn do công ty cung cấp (chiếm khoảng 61% sản lượng tiêu thụ nội tỉnh), phần lớn lượng thức ăn chăn nuôi của nông hộ và các trang trại còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh khác (khoảng 39%).

Hằng năm, các đơn vị chức năng thường xuyên thanh tra việc sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Năm 2021, thanh tra về thuốc thú y và kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi tại 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, lấy 98 mẫu gửi kiểm nghiệm.

Kết quả có 3 mẫu thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng, 4 mẫu thuốc thú y không đạt chất lượng, 3 mẫu thuốc thú y giả; xử phạt vi phạm hành chính 7 cơ sở với tổng số tiền 45.340.000 đồng; sau đó, tiếp tục thanh tra đối với sản phẩm của các cơ sở sản xuất không đạt chất lượng, lấy 38 mẫu, trong đó có 13 mẫu thức ăn chăn nuôi, 25 mẫu thuốc thú y.

Kết quả có 1 mẫu thuốc thú y không đạt chất lượng, 2 mẫu thuốc thú y giả; xử phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền 14.325.000 đồng. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thanh tra đợt 1 năm 2022 đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Trại chăn nuôi gà theo mô hình bán chăn thả đạt chất lượng trên địa bàn huyện Tân Châu.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn; giá đầu vào như thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, theo thống kê từ đầu năm 2021 đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng 9-10 lần với mức tăng 200-300 đồng/kg/đợt so với năm 2020 (từ 8.000-10.000 đồng/kg lên 12.000-13.000 đồng/kg tuỳ loại). Trong khi đó thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành sản xuất nên khi giá bán tăng thì giá thành sản xuất chăn nuôi cũng tăng theo.     

Mặc dù giá thành sản xuất chăn nuôi liên tục tăng nhưng giá bán sản phẩm không tăng; hiện nay, giá heo hơi khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg, giá thành khoảng 51.000-52.000 đồng/kg do tất cả chi phí đều tăng.

Tỉnh chưa thu hút được các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn, có năng lực làm nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ hoạt động chuỗi giá trị chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn, thuốc thú y nên chưa nâng cao và ổn định giá cả sản phẩm chăn nuôi.

Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng ổn định và bền vững, trong thời gian tới tỉnh tăng cường thu hút đầu tư lĩnh vực chăn nuôi heo tại các huyện phía Bắc của tỉnh có lợi thế về đất đai, xa khu dân cư, có các vùng chuyên canh cây công nghiệp; sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ tại các huyện phía Nam của tỉnh như Gò Dầu, Trảng Bàng.

Xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi với 6 loại sản phẩm có thế mạnh là heo, bò thịt, bò sữa, gà thịt, gà trứng và yến để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Cải thiện chất lượng giống vật nuôi, kết hợp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào các quy trình sản xuất tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, giảm giá thành sản xuất.

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi để người chăn nuôi an tâm sản xuất. Tăng cường quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục