Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng cường kiểm soát việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản
Thứ ba: 08:09 ngày 06/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế, những năm qua, các địa phương trên địa bàn đã bắt, tịch thu, xử phạt hành chính nhiều trường hợp, nhưng nhiều người dân vì cuộc mưu sinh vẫn sử dụng xung điện đánh bắt cá.

Tỉnh Tây Ninh có 2 con sông lớn chảy qua, là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn, cùng với hệ thống kênh, rạch chằng chịt, nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt tự nhiên khá phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với việc nguồn nước sông bị ô nhiễm diễn ra thường xuyên, tình trạng đánh bắt kiểu tận diệt khiến nguồn thuỷ sản tự nhiên không còn phong phú, dồi dào như trước đây.

Thả cá bổ sung nguồn lợi thuỷ sản cho hồ Dầu Tiếng.

Nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều đợt ra quân xử lý ngư cụ cấm trên địa bàn quản lý.

Thuỷ sản ngày càng ít

Bao đời nay, khai thác thuỷ sản nước ngọt tự nhiên là nghề mưu sinh của một bộ phận người dân sống ven sông và các tuyến kênh rạch. Nếu như trước đây, nguồn lợi thu được từ việc đánh bắt không những đáp ứng nhu cầu thực phẩm hằng ngày mà còn giúp người dân thêm thu nhập nhờ vào việc bán cá, tôm… thì vài năm trở lại đây, số lượng đánh bắt được ngày càng ít đi.

Ông Nguyễn Văn Bền, ngụ ấp Long Chẩn, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành cho biết, lúc trước, gia đình ông sinh sống chủ yếu nhờ đánh bắt cá tôm sông Vàm Cỏ Đông. Hằng ngày, ông cùng vợ đi quăng chài, giăng lưới; những lúc con nước kiệt, ông cùng 2 người con trai đi dỡ chà ven sông. Nhờ nguồn thu nhập từ buôn bán thuỷ sản, gia đình ông đã mua được đất ruộng sản xuất lúa.

Theo ông Bền, hơn 10 năm trước, chỉ tính riêng việc đánh bắt cá bằng giăng lưới, quăng chài, mỗi ngày gia đình ông bắt được ít nhất cũng 20kg cá các loại; còn những lúc đi dỡ chà, số lượng cá thu được lên đến cả trăm ký, trong đó có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: tôm càng xanh, cá lóc, cá lăng, cá trèn…. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng thuỷ sản không còn được như trước; kinh tế của gia đình từ chỗ chủ yếu đến từ bán cá tôm thì nay phải trông chờ vào sản xuất 2 vụ lúa.

Nói về nguyên nhân khiến nguồn cá tôm tự nhiên trên sông Vàm Cỏ Đông suy giảm, ông Bền cho biết, vài năm trở lại đây gần như năm nào cũng có tình trạng cá nổi đầu chết. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng xung điện, lưới bén mắt nhỏ đánh bắt tràn lan.

Còn theo một người dân ngụ ấp Chánh (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu), vào mùa lũ, khu vực ruộng ven sông Vàm Cỏ Đông nước tràn về hình thành nên mùa nước nổi tương tự như các tỉnh miền Tây, việc đánh bắt thuỷ sản trở thành nghề của nhiều người dân, với thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, đó là chuyện của hơn mười năm về trước, hiện tại, nguồn lợi thuỷ sản giảm mạnh, cá bắt được cũng không có giá trị cao.

Tình trạng đánh bắt thuỷ sản kiểu tận diệt không chỉ diễn ra trong mùa nước nổi mà gần như quanh năm- dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Tăng cường xử lý vi phạm

Việc sử dụng xung điện để đánh bắt thuỷ sản gây ra nhiều hậu quả, tác hại như: làm chết hàng loạt các loài thuỷ sản, thuỷ sinh; những thuỷ sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được và mất luôn khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị huỷ diệt hoàn toàn, phải mất nhiều năm mới phục hồi môi trường thuỷ sinh. Ngoài ra, việc sử dụng xung điện khai thác thuỷ sản còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến chết người nếu bất cẩn.

Bên cạnh đó, phương pháp khai thác thuỷ sản bằng các loại ngư cụ cấm trên địa bàn tỉnh như lồng xếp (lợp bát quái, lờ dây, 12 cửa ngục), dớn, te, xiệp (ghe nhủi, ủi dồn), lưới kéo (ghe cào) gây thiệt hại không nhỏ đến nguồn lợi thuỷ sản, nguy hại đến môi trường sinh thái, khó phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản.

Người dân dùng xung điện bắt cá.

Thực tế, những năm qua, các địa phương trên địa bàn đã bắt, tịch thu, xử phạt hành chính nhiều trường hợp, nhưng nhiều người dân vì cuộc mưu sinh vẫn sử dụng xung điện đánh bắt cá.

Ông Nguyễn Minh Lý- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành cho biết, giai đoạn từ năm 2014-2016, Công an huyện và các xã trên địa bàn đã ngăn chặn và bắt giữ 42 vụ dùng máy xung điện chích cá, tịch thu 48 máy kích điện, 39 bình ắc-quy.

Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng NN&PTNT và lực lượng Công an triển khai 38 lượt kiểm tra (từ 3-5 đợt/năm) trên sông Vàm Cỏ Đông, phát hiện và xử lý 74 vụ, tịch thu 83 máy chích và máy rà cá, bình ắc-quy, dụng cụ vợt, cắt bỏ 12 trường hợp lưới nhỏ (lưới xiệp, cào), tịch thu lai dắt 2 ghe, 1 tàu, cảnh cáo, nhắc nhở hơn 40 trường hợp sử dụng ngư cụ đánh bắt thuỷ sản không đúng theo quy định.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc đánh bắt thuỷ sản bằng ngư cụ cấm vẫn còn diễn ra trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông cũng như khu vực nội đồng. Hằng năm, Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra việc sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh và đạt một số kết quả tích cực.

Năm 2023, Sở NN&PTNT triển khai 20 lượt kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh và việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, phát hiện 7 trường hợp sử dụng ngư cụ cấm (lưới dớn), 3 trường hợp sử dụng xung điện, 1 trường hợp sử dụng lồng xếp để khai thác thuỷ sản nhưng không xác định được đối tượng vi phạm và 11 trường hợp tàng trữ ngư cụ cấm (lưới nhủi) trên phương tiện nhưng không xác định được đối tượng vi phạm; tạm giữ 81 cái túi dớn, 2.471m lưới dớn đã qua sử dụng; 4 bình ắc-quy, 5 bộ kích điện, 11 tấm lưới nhủi, 30m lưới dớn, 2 túi dớn, 2 cái lồng xếp.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng người dân sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, Sở đã phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các hình thức khai thác mang tính huỷ diệt, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật thuỷ sản; tích cực giao nộp chất nổ, chất độc, xung điện và ngư cụ bị cấm trong khai thác thuỷ sản.

Tây Ninh luôn quan tâm công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sống của các loài thuỷ sản. Từ năm 2005 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đều thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản vào hồ Dầu Tiếng. Dự kiến vào tháng 10 hoặc tháng 11.2024, tỉnh sẽ thả bổ sung thuỷ sản giống bao gồm các loại: cá mè hoa, cá trắm cỏ, cá chép, cá tra, cá sặc rằn, tôm càng xanh... vào hồ.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, thậm chí có thể quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc đánh bắt thuỷ sản bằng những phương pháp huỷ diệt trên địa bàn.

Thiện Đức

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục