Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời dịch hại phát sinh
Thứ tư: 08:44 ngày 19/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vụ Hè Thu 2021, diện tích sản xuất lúa dự kiến khoảng 45.100 ha. Các giống lúa được khuyến cáo sử dụng gồm OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, Jasmine 85, IR 50404, Đài Thơm 8. Lịch xuống giống chia thành 2 đợt: đợt 1 từ ngày 18.5- 25.5.2021 (7.4-14.4 âm lịch); đợt 2 từ ngày 1.6 – 7.6.2021 (21.4-27.4 âm lịch); các diện tích xuống giống muộn kết thúc trước ngày 15.6.2021 nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo.

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành trên địa bàn tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các dịch hại phát sinh trên diện rộng; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất; chủ động các phương án tiêu thoát nước để phòng mưa lớn bất thường; khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng.

Hỗ trợ, kêu gọi hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất của tỉnh với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết tốt vấn đề đầu ra; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện cánh đồng lớn. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, cần đa dạng cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thị trường để việc chuyển đổi được ổn định lâu dài và hiệu quả.

Nông dân chăm sóc rau.

Đối với rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tuỳ thuộc điều kiện cụ thể của mỗi vùng mà địa phương có khuyến cáo thời vụ xuống giống phù hợp cho từng đối tượng cây trồng. Trong đó, đối với cây mì, sử dụng giống sạch bệnh và quản lý tốt bọ phấn trắng ở giai đoạn đầu vụ. Đối với cây bắp, tăng cường kiểm tra đồng ruộng ngay từ đầu vụ để quản lý tốt sâu keo mùa thu nhằm tránh gây thiệt hại cuối vụ. Đối với các cây trồng khác, sử dụng giống cây trồng có năng suất cao, phù hợp thị trường và phát triển theo hướng cánh đồng lớn, có liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Biện pháp canh tác rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày tuỳ thuộc vào điều kiện đất đai, mùa vụ, hệ thống tưới tiêu, đối tượng cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý, có hiệu quả kinh tế cao. Sở NN&PTNT khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật như: tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng, trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chế bệnh vàng lá chết cây phát sinh gây hại vào đầu mùa mưa.

Trên đất chuyên màu chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý và bón phân cân đối NPK. Trên đất chuyển đổi cây lúa sang trồng màu, chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ; lên liếp cao thông thoáng, liên vùng không có hiện tượng lúa – màu đan xen, tuỳ theo thành phần cơ giới đất và độ màu mỡ của đất để bón cân đối NPK, không bón thừa đạm gia tăng sâu bệnh và năng suất thấp.

Nông dân thăm đồng.

Đối với cây ăn trái, trên cơ sở định hướng quy hoạch của tỉnh, của vùng, tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo đảm phát triển đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây thông qua quản lý vùng trồng gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Vào mùa mưa, rễ cây ăn trái thường yếu do mưa nhiều làm đất yếm khí, thuận lợi cho các dòng nấm trong đất phát sinh gây hại, do đó, cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối; tiêu thoát nước tốt, không để vườn ngập trong điều kiện mưa nhiều; lưu ý bệnh vàng lá thối rễ, đốm lá, thán thư, bệnh do vi khuẩn gây ra.

Đối với cây công nghiệp dài ngày, tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới nước tiết kiệm, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi khí hậu, thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại. Khuyến cáo người sản xuất chủ động, thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ thích hợp; tăng cường vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa cành khô, cành bị sâu bệnh, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế sâu bệnh gây hại.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục