Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư nông nghiệp để bảo vệ quyền lợi nông dân
Thứ tư: 17:56 ngày 13/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (gọi chung là vật tư nông nghiệp) giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản mà còn tác động xấu đến môi trường. Đây cũng chính là nỗi lo thường trực của nông dân mỗi khi bước vào vụ canh tác.

Thanh tra Sở NN&PTNT lấy mẫu phân bón tại một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Nỗi lo của nông dân

Ông N.V.T (ngụ ấp Rộc A, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) cho biết, trước đây, gia đình ông từng mua phải phân bón giả. Sau hơn một tháng bón phân cho gần 1 ha mía, cây mía không phát triển, ông T đào lớp đất phủ thì phát hiện những hạt phân bón vẫn còn nguyên, không hề tan. Sau vụ việc, dù được phía doanh nghiệp hỗ trợ một phần thiệt hại nhưng ông luôn canh cánh nỗi lo mua phải phân bón kém chất lượng mỗi khi bắt đầu vụ sản xuất.

Theo ông Việt (ngụ xã Long Phước, huyện Bến Cầu), việc nông dân mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng không hiếm, nhưng khi phát hiện thì... không có bằng chứng "bắt đền" đại lý hay doanh nghiệp sản xuất.

"Nhiều lúc mua phải phân bón giả, không có chất lượng bón cho cây trồng, cả tháng cây vẫn không phát triển, lúc đến đại lý phản ánh thì họ đổ thừa do nắng hạn kéo dài, phèn trong đất tăng cao làm cho phân không tan. Trong khi đó, cùng diện tích đất, loại giống, sử dụng phân bón khác thì cây lúa phát triển bình thường.

Nếu nhờ đến cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, người dân cũng không thể chứng minh được phân kém chất lượng, vì đã bón hết xuống ruộng, không còn mẫu đối chứng. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngay từ khâu sản xuất đến khi lưu thông trên thị trường, để giảm thiểu thiệt hại cho nhà nông”- ông Việt mong mỏi.

Các đại biểu tham khảo mẫu sản phẩm kém chất lượng tại một hội thảo.

Tây Ninh là tỉnh có thế mạnh phát triển nông nghiệp. Hằng năm, nông dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ một lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ sản xuất. Hầu hết các mặt hàng này được các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phân phối đến tay người dân thông qua các đại lý.

Đặc biệt, mỗi khi bước vào vụ mùa mới, nhu cầu thị trường về các mặt hàng này lại tăng lên nhanh chóng. Chạy theo lợi nhuận, một số đại lý bán hàng kém chất lượng cho nông dân. Nguyên nhân sâu xa vẫn là sự lệ thuộc của nông dân vào các đại lý khi có gần 90% nông hộ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản theo kiểu “ăn trước trả sau”.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, khó khăn trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp hiện nay là ý thức kinh doanh của các đại lý. Họ không tuân thủ các quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh, nắm bắt các loại hàng hoá trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cố tình bán hàng kém chất lượng.

Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm

Thời gian qua, việc chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đa phần là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, nên khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Việc bảo quản, sắp xếp các loại vật tư nông nghiệp chưa đúng quy định, để lẫn lộn giữa các loại hàng hoá. Một số đơn vị còn vi phạm về sản xuất phân bón khi chưa có quyết định lưu hành tại Việt Nam.

Mẫu và bao bì sản phẩm được xác định kém chất lượng.

Để tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại vật tư nông nghiệp, những năm qua, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, Thanh tra ngành Nông nghiệp thực hiện 18 cuộc thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực: phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống; chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong đó, Thanh tra Sở tiến hành 6 cuộc thanh tra, kiểm tra về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống tại 102 cơ sở, lấy 106 mẫu phân bón, 108 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 7 mẫu hạt giống kiểm tra chất lượng; phát hiện 11 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhãn hàng hoá, 36 mẫu vi phạm về chất lượng (25 mẫu không đạt chất lượng, 11 mẫu giả). Sở tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 42 trường hợp với tổng số tiền hơn 497 triệu đồng.

Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, Thanh tra Sở NN&PTNT thực hiện 4 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 44 cơ sở sản xuất, kinh doanh; lấy 52 mẫu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản; 41 mẫu thuốc thú y đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả, có 1 cơ sở vi phạm điều kiện kinh doanh; 22 mẫu vi phạm chất lượng (10 mẫu không đạt chất lượng, 6 mẫu giả). Sở tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp với tổng số tiền 128,7 triệu đồng.

Về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, lực lượng chức năng thuộc Sở NN&PTNT thực hiện 7 cuộc kiểm tra tại 87 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lấy 88 mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, có 11 cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; 9 mẫu vi phạm chất lượng đạt chất lượng sản phẩm. Sở tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 19 trường hợp với tổng số tiền hơn 249 triệu đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện 1 cuộc kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi tại 16 cơ sở; lấy 12 mẫu thức ăn chăn nuôi gửi kiểm tra chất lượng, 8 mẫu nước tiểu bò test nhanh chỉ tiêu salbutamol. Kết quả, không phát hiện vi phạm.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra tại một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Châu Thành.

Theo Thanh tra Sở NN&PTNT, các trường hợp vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra đều được xử lý nghiêm theo quy định. Song song với xử phạt vi phạm hành chính, Sở còn thông báo thông tin đến các địa phương nơi có công ty sản xuất và đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và cách phân biệt các sản phẩm nông lâm thuỷ sản là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chủ động công bố tiêu chuẩn cơ sở chất lượng sản phẩm, hàng hoá, thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục và giá bán từng loại sản phẩm.

Mặt khác, Sở sẽ phối hợp, trao đổi thông tin thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan chuyên môn địa phương ngoài tỉnh; thực hiện thống kê các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thuỷ sản để quản lý và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng không chỉ nguy hại đến sức khoẻ con người, môi trường sống mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị sản xuất - kinh doanh phân bón thật, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Vì vậy, cùng với sự kiểm soát thị trường của các ngành chức năng, nông dân cần mua sản phẩm tại các cửa hàng cố định, hợp pháp, có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng, được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh những rủi ro, thiệt hại không đáng có trong trồng trọt, chăn nuôi.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục