Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng cường ngăn chặn các vi phạm về pháo dịp cuối năm
Chủ nhật: 01:23 ngày 15/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng pháo nổ có những diễn biến phức tạp, nhất là vào giai đoạn cận tết. Nhận diện sớm và “trúng” những vi phạm này, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh phòng, chống hiệu quả với các hành vi vi phạm về pháo.

Cần nhận biết rõ về pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh vi phạm.

Pháo nổ là loại hàng hoá bị cấm buôn bán, sử dụng, tuy nhiên do lợi nhuận nên các đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để sản xuất, buôn bán kiếm lời. Vào dịp cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép có chiều hướng gia tăng.

Dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, song tình trạng này vẫn “nóng”, nhất là ở khu vực biên giới. Các đối tượng đầu nậu lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như cuộc sống khó khăn của một số người để thuê vận chuyển pháo trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam. Sau đó, chúng tìm cách đưa vào nội địa tiêu thụ, thu lợi bất chính. 

Trong năm 2022, lực lượng chức năng vận động thu hồi 38 hộp pháo, ống pháo; đấu tranh, bắt giữ 82 vụ, 98 đối tượng, thu giữ 5.778kg pháo. Qua phân tích, có 4 nhóm đối tượng vi phạm về pháo gồm: chế tạo, sản xuất; mua bán; tàng trữ, vận chuyển; sử dụng trái phép.

Đối với nhóm chế tạo, sản xuất pháo trái phép, chủ yếu là thanh niên hiếu kỳ, lên mạng internet, mạng xã hội tìm mua hoá chất để tự chế tạo, sản xuất pháo sử dụng. Nhóm đối tượng mua bán pháo trái phép chủ yếu buôn lậu hàng hoá qua biên giới, người lao động tự do khu vực biên giới; trong nước đa phần là chủ hộ kinh doanh, cửa hàng tạp hoá, đối tượng có tiền án, tiền sự và người dân vì lợi nhuận nên mua pháo bán kiếm lời.

Đối với nhóm tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép, các đối tượng buôn lậu hàng hoá qua biên giới, lái xe đường dài tuyến Bắc – Nam, người lao động tự do. Nhóm sử dụng pháo trái phép chủ yếu là thanh thiếu niên, công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, thường đốt pháo tại khu vực công cộng, chỗ vắng, sử dụng dây cháy chậm, sau đó, bỏ trốn để tránh bị phát hiện, điều khiển xe máy đốt pháo ném ra đường và bỏ chạy.

Thời gian trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tình hình hoạt động của các loại tội phạm về pháo diễn biến phức tạp, số vụ vận chuyển pháo qua biên giới đưa về thị trường trong nước tiêu thụ gia tăng. 

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội- Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tỉnh và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện yêu cầu Trưởng Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố triển khai nghiêm túc.

Qua đó, Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo. Từ ngày 15.11 - 24.12.2022, Công an tỉnh đấu tranh, bắt giữ 8 vụ, 12 đối tượng có hành vi vi phạm về pháo, thu giữ 1.054kg pháo. Trong đó, có 1 vụ mua bán, 1 vụ tàng trữ và 6 vụ vận chuyển pháo trái phép. Hiện các vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Tờ rơi tuyên truyền các quy định về sử dụng pháo hoa.

Cụ thể như vào ngày 19.11, trên tuyến đường 785 thuộc địa phận ấp Tân Tây, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tổ tuần tra kiểm soát giao thông chốt Tân Hưng phát hiện 1 xe ô tô có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Kết quả phát hiện trên phương tiện có 13 thùng chứa pháo các loại với tổng trọng lượng 300kg.

Hay vào ngày 9.12, lực lượng Biên phòng (Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu) phối hợp với Công an huyện Châu Thành tuần tra khu vực thượng nguồn sông Vàm Cỏ thuộc địa bàn ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành phát hiện 1 lô hàng tập kết ven bờ sông. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 43 túi ni-lông chứa 422 hộp pháo với tổng trọng lượng 630kg không có người trông coi.

Xác định đây là hàng cấm, có khả năng do các đối tượng buôn lậu tập kết chờ cơ hội để tuồn hàng vào nội địa tiêu thụ. Vụ việc bàn giao Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu thụ lý.

Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm về pháo.

Ngoài công tác đấu tranh, bắt giữ, lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo gắn với đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân. 

Công an tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trên báo, đài, hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, pa-nô, áp-phích, các trang mạng xã hội, mô hình, tổ chức quần chúng…

Tập trung công tác tuyên truyền cá biệt cho các đối tượng có khả năng tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, nhất là tuyên truyền đến từng hộ gia đình khu vực biên giới để người dân tự giác chấp hành và tố giác hành vi vi phạm. 

Trong năm, lực lượng chức năng tổ chức hơn 894 buổi tuyên truyền, vận động trên 67.000 lượt người tham gia. Nhân dân dần hiểu về các nguy cơ, tác hại của pháo nổ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, kinh tế, đời sống xã hội, sự nguy hiểm khi sử dụng pháo nổ.

Ðể ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo, nhất là thời điểm trước, trong và sau tết, Công an nỗ lực làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát, xác minh các tuyến, địa bàn trọng điểm, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép pháo để có phương án, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp; thường xuyên rà soát, lập danh sách bổ sung các băng nhóm, đối tượng có tiền án, tiền sự, có nghi vấn phạm tội liên quan đến pháo, không để sót lọt các đối tượng cần quản lý, đấu tranh.

Công an phối hợp với Quân sự, Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, phức tạp, nhất là tuyến biên giới, đường tiểu ngạch và người dân thường xuyên qua lại biên giới, phương tiện vận tải…

Các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện có tuyến biên giới phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan trên địa bàn rà soát, xác minh đối tượng có biểu hiện nghi vấn để có biện pháp đấu tranh, bắt giữ; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cùng cấp khẩn trương điều tra, truy tố xét xử nghiêm các trường hợp vi phạm, tổ chức xét xử lưu động vụ án điểm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Để tăng sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với mức xử phạt vi phạm về sử dụng pháo và các hành vi liên quan đến vật liệu nổ tăng gấp 5 lần so với quy định cũCụ thể, tại khoản 3, Điều 11 sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép…

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục