Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Thứ tư: 15:10 ngày 23/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng đã chủ động làm tốt công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới và vận chuyển hàng cấm.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu tuần tra đường biên giới.

Xử lý nhiều vụ việc vi phạm ở các lĩnh vực

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ đầu năm 2024, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp quản lý được chú trọng thực hiện, làm giảm các nguy cơ nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, góp phần chuyển biến nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, của người dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Nhằm tăng cường kiểm soát, hạn chế không để lưu thông trên thị trường những hàng hoá không bảo đảm chất lượng, không an toàn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, trong những tháng đầu năm 2024, Sở NN&PTNT đã tổ chức thực hiện 10 cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 141 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lấy 148 mẫu kiểm nghiệm chất lượng, đã phát hiện 15 cơ sở vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, 16 mẫu vi phạm chất lượng. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt 21 trường hợp, với số tiền 338 triệu đồng; chuyển cơ quan khác xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp với số tiền 116 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện 8 cuộc thanh tra, kiểm tra về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống tại 157 cơ sở sản xuất, kinh doanh; lấy 345 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống kiểm tra chất lượng. Kết quả phát hiện 21 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhãn hàng hoá, về chất lượng mẫu: 262 mẫu đạt chất lượng, 63 mẫu vi phạm chất lượng. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 69 trường hợp với tổng số tiền 918 triệu đồng.

Ngoài ra, ngày 28.8.2024, tại quốc lộ 22, khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tiến hành khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô 16 chỗ ngồi nhãn hiệu Mercedes do ông Đỗ Phú Nghĩa điều khiển, phát hiện bên trong xe có chứa 600 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại (300 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Hero, 300 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Jet).

Lực lượng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp thị xã Trảng Bàng kiểm tra hồ sơ, thủ tục của một doanh nghiệp.

Quá trình thẩm tra, xác minh, làm việc, Đội Quản lý thị trường số 4 xác định ông Đỗ Phú Nghĩa đã có hành vi vi phạm hành chính buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Tang vật vi phạm là 600 bao thuốc lá điếu nhập lậu (300 bao hiệu Hero và 300 bao hiệu Jet), trị giá hàng hoá vi phạm là 9 triệu đồng.

Ngày 9.9.2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Phú Nghĩa với số tiền xử phạt là 40 triệu đồng.

Thời gian qua, Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với lực lượng Quân sự, Biên phòng làm công tác dân vận, phát động sâu rộng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tập trung địa bàn biên giới, phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng hoá nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua biên giới.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia công tác bảo vệ môi trường; tăng cường chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, không để lọt tội phạm cũng như không để hình thành về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự địa phương. Theo đó, đã phát hiện 6 vụ vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp; chuyển thụ lý tin báo 1 vụ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 vụ với tổng số tiền phạt 1,2 tỷ đồng.

Khó xử lý các vụ việc trên nền tảng số

Theo báo cáo Công an tỉnh phục vụ đoàn giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, các tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lợi dụng môi trường thương mại điện tử, bán hàng trên mạng xã hội diễn ra theo từng thời điểm nhất là vào các dịp lễ, tết nhu cầu tiêu dùng tăng.

Ngoài các trang thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee..., thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, các đối tượng tạo nhiều tài khoản cá nhân, thành lập các hội nhóm trong không gian mạng, sử dụng để quảng cáo, rao bán hàng, trà trộn hàng giả, hàng cấm, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng... để tiêu thụ ra thị trường; mời chào, lôi kéo người tham gia vào các đường dây, băng nhóm hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Lực lượng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp thị xã Trảng Bàng hoàn tất thủ tục đối với hàng hoá xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội lợi dụng các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh giao nhận hàng hoá theo mô hình “shipper” để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, hàng cấm đi tiêu thụ.

Hiện nay, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên nền tảng số thương mại điện tử... còn gặp nhiều khó khăn do các ngành chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm; các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi; hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội khó kiểm soát.

Ngoài ra, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây vận chuyển trái phép hàng hoá hàng cấm thường trú ở bên Campuchia hoặc các tỉnh, thành nội địa trong nước. Phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, liên lạc giao dịch chủ yếu bằng điện thoại qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Wechat, Telegram, Zalo... giao dịch xong xoá tài khoản các dữ liệu trong điện thoại, chuẩn bị trước các nội dung khai báo với lực lượng chức năng, gây khó khăn cho việc khai thác dữ liệu trong điện thoại, đấu tranh khi bắt giữ. Nhiều đối tượng vận chuyển hàng thuê không biết địa chỉ, nhân thân lai lịch cụ thể của đối tượng “cầm đầu” nên rất khó phát hiện, bắt giữ mở rộng vụ việc.

Tình hình kinh doanh thương mại điện tử hiện nay phát triển mạnh mẽ, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng nhưng lực lượng chức năng thiếu kinh nghiệm phát hiện, xử lý. Chính vì vậy, cần có những lớp tập huấn bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu về xử lý vi phạm trong thương mại điện tử để các lực lượng chức năng xử lý tốt hơn các hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục